Mảng đất màu cam bất thường trên Mặt Trăng bị NASA 'giấu' suốt 50 năm: Nay mới mở, vì sao?

Trang Ly |

Lý do mà NASA 'giấu kín' suốt 50 năm mới mở là gì?

Phi hành gia Eugene Cernan của Apollo 17 chuẩn bị thu thập mẫu Mặt Trăng ANGSA 73001, đã được niêm phong trong 50 năm. Ảnh: NASA

Phi hành gia Eugene Cernan của Apollo 17 chuẩn bị thu thập mẫu Mặt Trăng ANGSA 73001, đã được niêm phong trong 50 năm. Ảnh: NASA

Năm 1972, khi nhà địa chất học kiêm phi hành gia Apollo 17, Harrison Schmitt phát hiện một mảng đất màu cam bất thường trên Mặt Trăng, ông biết nó sẽ rất đặc biệt, nhưng ông không chắc chính xác tại sao. Ông nói: "Cho đến khi có thể xem xét vật liệu này trong phòng thí nghiệm ở độ phân giải cao và phân tích nó, chúng tôi mới biết nó là thứ gì".

Nhưng 50 năm sau, Harrison Schmitt vẫn không biết về tất cả những khám phá mà sứ mệnh của mình sẽ mang lại. Đó là bởi vì các nhà nghiên cứu trong chương trình Phân tích Mẫu Thế hệ Tiếp theo (ANGSA) của Apollo đã 'giấu kín' những mẫu vật đó. Hai trong số đó được niêm phong suốt 50 năm. Và đến nay, vừa được mở ra. 

Tại sao NASA lại làm vậy?

Khi các phi hành gia Apollo 17 mang những mẫu vật liệu quý giá này 50 năm trước, NASA đã có tầm nhìn xa trong việc giữ mẫu này thật kín và nguyên sơ (niêm phong), họ không vội mở kiểm tra lúc đó với hy vọng công nghệ trong tương lai có thể được sử dụng để tiết lộ nhiều hơn, chi tiết hơn về lịch sử địa chất và sự tiến hóa của Mặt Trăng.

Vào sau 50 năm chờ đợi, NASA đã mở nó. Theo tin tức vũ trụ mới nhất, vào ngày 7/3/2022, NASA lần đầu tiên mở mẫu vật Mặt Trăng do phi hành đoàn Apollo thu thập được cách đây 50 năm. 

Mẫu vật Mặt Trăng đang được Phòng Khoa học Khám phá và Nghiên cứu Vật liệu Vũ trụ (ARES) mở tại Trung tâm Không gian Johnson của NASA ở bang Houston, Mỹ. Mẫu này có tên ANGSA 73001.

BẢO QUẢN HOÀN HẢO

Schmitt, người tích cực tham gia vào chương trình ANGSA, cảm thấy “khâm phục những người cách đây 50 năm đã quyết định bảo quản một vài mẫu thử với dự đoán công nghệ tiến bộ vượt bậc theo thời gian”. Ông nói, việc sử dụng các công cụ hiện đại để phân tích ANGSA 73001 sẽ cung cấp cả thông tin và kinh nghiệm xử lý các mẫu mặt trăng có lợi cho các sứ mệnh sắp tới.

Thomas Zurbuchen, phó quản trị viên của Ban Giám đốc Sứ mệnh Khoa học của NASA, cho biết hiểu được lịch sử Mặt Trăng sẽ giúp các nhà khoa học hiểu được thành phần đất của vệ tinh tự nhiên (của Trái Đất) này trước khi 2 phi hành gia NASA thuộc Chương trình Artemis tái đổ bộ Mặt Trăng thế kỷ 21.

Sứ mệnh Apollo 17 năm 1972 đánh dấu lần cuối cùng con người đặt chân lên Mặt Trăng trong thế kỷ 20. NASA dự kiến sẽ đưa 2 phi hành gia (1 nam, 1 nữ) đổ bộ Mặt Trăng vào năm 2025.

Artemis hứa hẹn sẽ trả lại nhiều mẫu Mặt Trăng hơn cho Trái Đất, và mang về những mảnh đất đá lạnh và kín từ Nam Cực của Mặt Trăng.

Mảng đất màu cam bất thường trên Mặt Trăng bị NASA giấu suốt 50 năm: Nay mới mở, vì sao? - Ảnh 2.

Được gọi là mẫu ANGSA 73001, mẫu Mặt Trăng vừa mở là một phần của mẫu ống dẫn động Apollo 17 do các phi hành gia Eugene Cernan và Harrison 'Jack' Schmitt thu thập vào năm 1972. Ảnh: NASA

Nói thêm về mẫu Mặt Trăng vừa được NASA mở ra. Đây là một phần của các mẫu vật do các phi hành gia Eugene Cernan và Harrison 'Jack' Schmitt của sứ mệnh Apollo 17 thu thập vào năm 1972.

Eugene Cernan và Harrison 'Jack' Schmitt đã thu thập các phân đoạn đá và đất từ ​​mỏ lở đất ở Thung lũng Taurus-Littrow của Mặt Trăng. Sau đó, họ niêm phong riêng lẻ ống dẫn động dưới chân không trên Mặt Trăng trước khi đưa chúng trở lại Trái Đất.

NASA cho biết, chỉ có 2 ống dẫn động được niêm phong chân không trên Mặt Trăng theo cách này: 1 ống được niêm phong từ năm 1972 cho đến tận hôm nay mới được mở (tên là ANGSA 73001). Ống này được NASA bảo quản cẩn thận trong ống chân không bảo vệ bên ngoài và trong môi trường được kiểm soát khí quyển tại Trung tâm Không gian Johnson kể từ đó.

Ống còn lại đã được mở vào năm 2019 và tiết lộ một loạt các hạt và các vật thể nhỏ hơn, được gọi là đá nhỏ, mà các nhà địa chất Mặt Trăng đang háo hức nghiên cứu.

Thomas Zurbuchen từ NASA cho biết thêm: "Hiểu được lịch sử địa chất và sự tiến hóa của các mẫu Mặt Trăng tại các địa điểm hạ cánh của tàu Apollo sẽ giúp chúng tôi phần nào biết trước được thành phần mẫu vật có thể gặp trong Chương trình Artemis".

Lori Glaze, Giám đốc Bộ phận Khoa học Hành tinh tại NASA, cho biết: "NASA chúng tôi từ những năm 1970 đã biết rằng khoa học và công nghệ sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai và cho phép các nhà khoa học nghiên cứu vật liệu này theo những cách mới để giải quyết các câu hỏi mới trong tương lai".

Mảng đất màu cam bất thường trên Mặt Trăng bị NASA giấu suốt 50 năm: Nay mới mở, vì sao? - Ảnh 5.

Nhóm nghiên cứu của NASA hy vọng sẽ tìm hiểu thêm về mẫu này, để có thêm chi tiết về lịch sử địa chất và sự tiến hóa của Mặt Trăng. Ảnh: NASA

NASA đặc biệt quan tâm đến các chất bay hơi trong các mẫu này từ các vùng xích đạo của Mặt Trăng này. Lượng khí dự kiến ​​có trong mẫu Apollo kín này có khả năng rất thấp, nhưng nếu các nhà khoa học có thể chiết xuất cẩn thận các khí này, chúng có thể được phân tích và xác định bằng công nghệ khối phổ (MS) hiện đại.

Công nghệ MS này, đã phát triển đến mức cực kỳ nhạy cảm trong những năm gần đây, có thể xác định chính xác khối lượng của các phân tử chưa biết và sử dụng dữ liệu đó để xác định chính xác chúng.

"Các nghiên cứu về khí quý là một ví dụ tuyệt vời vì chúng không chỉ chứa nhiều thông tin về việc vật chất từ Mặt Trời cắm sâu vào bề mặt Mặt Trăng ngày nay mà còn về nguồn gốc của Mặt Trăng cách đây 4,5 tỷ năm. Hãy theo dõi những kết quả thú vị sắp tới!" - Ryan Zeigler của NASA, người phụ trách mẫu Apollo, đang giám sát quá trình khai thác khí và đá, cho biết.

Bài viết sử dụng nguồn: DM, Discovermagazine

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại