Cầu vồng là một trong những hiện tượng thiên nhiên đẹp mặt có thể khiến bất kỳ ai dừng lại và nhìn lên bầu trời. Bởi chúng trông khá thú vị và chỉ tồn tại trong thời gian thoáng qua, vì vậy việc tận hưởng một thứ như vậy luôn khiến mọi người cảm thấy là một điều đúng đắn nên làm.
Và trong một bức ảnh gần đây do NASA công bố, có vẻ như thiết bị thám hiểm Perseverance mới hạ cánh xuống sao Hỏa của cơ quan vũ trụ Mỹ đã ghi lại hình ảnh về một cầu vồng của hành tinh đỏ.
Bức ảnh được chụp bởi camera nằm ở vị trí phía sau bên trái của thiết bị, một trong số các camera để giúp thiết bị nhận biết những gì xung quanh để có thể tránh chướng ngại vật nếu cần. Hình ảnh ghi lại cho thấy những gì trông giống như một cầu vồng nhưng hơi ít màu sắc, nằm vắt ngang bầu trời sao Hỏa.
Khi NASA công bố bức ảnh, rất nhanh sau đó có nhiều bình luận trên mạng xã hội đã nói về nó như một dải cầu vồng kỳ lạ. Tuy nhiên, vì một cầu vồng muốn hình thành sẽ cần một lượng nước đáng kể trôi nổi trong bầu khí quyển của hành tinh, nên rõ ràng đó không phải là khái niệm về "cầu vồng" theo những gì chúng ta đã biết trên Trái đất.
Mặc dù nó chắc chắn trông giống như một cầu vồng, nhưng với bầu khí quyển đặc trưng và khác biệt của sao Hỏa, rõ ràng cần có một lời giải thích khác cho bức ảnh này.
Bởi về cơ bản, cầu vồng (trên Trái đất) hình thành khi ánh sáng từ Mặt trời chiếu vào các giọt nước lơ lửng trong khí quyển ở góc độ vừa phải, tách ánh sáng trắng thành nhiều màu khác nhau hướng ngược lại mặt đất. Mọi người phải đến đúng nơi để nhìn thấy cầu vồng, và điều này cũng có thể đúng với dải ánh sáng độc đáo trên sao Hỏa này. Nhưng, nó thực sự được tạo ra bằng thứ gì?
Hiện tại, có hai giả thuyết. Một là ánh sáng đã thực sự phản xạ lại các hạt bụi nhỏ trong bầu khí quyển của hành tinh đỏ. Sao Hỏa không có nhiều hơi nước trôi nổi nhưng nó chắc chắn có rất nhiều bụi. Và nếu bụi được ánh sáng chiếu một cách phù hợp, chúng có thể tạo ra một dải ánh sáng như chúng ta thấy ở đây.
Khả năng thứ hai là phản xạ đến từ nước, nhưng không phải ở dạng lỏng. Sao Hỏa rất lạnh và bất kỳ một chút hơi nước nào trong bầu khí quyển sẽ tồn tại ở dạng các hạt băng. Các nhà khoa học đã đề xuất điều này như một lời giải thích cho những gì chúng ta trông thấy ở đây.
Một lời giải thích khác cũng được chia sẻ trên Twitter là đây chỉ là một vệt lóa của ống kính do ảnh hưởng từ các tấm che nắng trên thân của thiết bị tự hành.
Dẫu vậy, rất khó để xác nhận bất kỳ điều gì trong số các giả thuyết ở trên là đúng, bởi vì hiện tượng này được quan sát với tần số quá ít và các bức ảnh có độ phân giải tương đối thấp.
Trong tương lai, khi nhân loại cuối cùng có thể thực hiện các chuyến du hành đến Hành tinh Đỏ, khi đó chúng ta mới có thể nhận được các lời giải thích cụ thể cho những gì chúng ta thấy trong hình ảnh này. Còn hiện tại, mọi thứ sẽ chỉ là suy đoán.
Tham khảo BGR