NASA chuẩn bị khởi động sứ mệnh tìm kiếm dấu hiệu sự sống trên Mặt trăng Europa

Dương Trần |

Các nhà khoa học tin rằng nước, hóa chất và năng lượng của Mặt trăng có thể hỗ trợ sự sống.

Đánh dấu bước đột phá mới nhất vào lĩnh vực thám hiểm không gian, NASA đang chuẩn bị sứ mệnh đầu tiên để khám phá vệ tinh Europa của Sao Mộc, nhằm xác định xem nơi đây có điều kiện thích hợp để hỗ trợ sự sống hay không.

Theo cơ quan này, Europa Clipper của NASA sẽ được phóng vào ngày 10/10 từ Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida và sẽ được đưa vào quỹ đạo trên tên lửa Falcon Heavy của SpaceX.

Theo thông cáo báo chí từ Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA, cơ quan này sẽ đầu tư khoảng 5,2 tỷ USD trong toàn bộ thời gian của sứ mệnh, kéo dài gần 2 thập kỷ, bắt đầu từ năm 2015 và kết thúc vào năm 2034.

NASA chuẩn bị khởi động sứ mệnh tới mặt trăng Europa để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống - Ảnh 1.

NASA công bố những bức ảnh mới tuyệt đẹp về Sao Mộc (Ảnh: NASA Web Telescope/Intstagram)

Europa là vệ tinh lớn thứ 4 trong số 95 vệ tinh của Sao Mộc. Các nhà khoa học hành tinh tin rằng vệ tinh độc đáo này chứa một đại dương mặn bên dưới lớp vỏ băng giá của nó. NASA cho biết sứ mệnh này nhằm mục đích trả lời câu hỏi: "Europa có thực sự chứa một đại dương bên dưới lớp băng hay không, đại dương đó sâu đến mức nào, liệu thành phần hóa học của đại dương đó có thân thiện với vi khuẩn hay các dạng sống khác hay không?".

"Là một thế giới đại dương, Europa rất hấp dẫn" - Gina DiBraccio, Giám đốc bộ phận khoa học hành tinh của NASA, cho biết trong một cuộc họp báo vào tháng 9. "Sứ mệnh này sẽ giúp chúng ta hiểu được một phần phức tạp của hệ Mặt trời", DiBraccio nói thêm.

Tàu thăm dò Clipper dài 30,48 m và rộng khoảng 17,67 m của NASA là tàu vũ trụ lớn nhất mà cơ quan này đã chế tạo cho một sứ mệnh hành tinh và sẽ di chuyển 2,8 tỷ km đến Europa. Theo NASA, tàu vũ trụ lớn này được chế tạo với các mảng năng lượng Mặt trời lớn để thu thập đủ ánh sáng cho nhu cầu năng lượng của nó khi hoạt động trong hệ thống Sao Mộc.

Hành trình đến Europa rất dài, với chuyến bay kéo dài khoảng 5 năm rưỡi. NASA cho biết tàu vũ trụ sẽ khởi động động cơ để đi vào quỹ đạo quanh Sao Mộc vào tháng 4/2030.

NASA chuẩn bị khởi động sứ mệnh tới mặt trăng Europa để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống - Ảnh 2.

Tàu vũ trụ Europa Clipper của NASA đang ở quỹ đạo quanh Sao Mộc (Ảnh: NASA)

Khi đến Europa, tàu vũ trụ sẽ thực hiện gần 50 lần bay ngang qua hành tinh này ở "độ cao tiếp cận gần nhất" thấp tới 25,74 km so với bề mặt để thu thập các phép đo chi tiết về môi trường của hành tinh - theo NASA.

Trong suốt nhiệm vụ, tàu vũ trụ phải bay qua một trong những môi trường bức xạ khắc nghiệt nhất trong hệ Mặt trời. Lý do môi trường này rất thách thức là vì Sao Mộc được bao quanh bởi một từ trường mạnh hơn từ trường Trái đất 20.000 lần.

Europa Clipper được thiết kế để bảo vệ các thiết bị điện tử nhạy cảm khỏi bức xạ. Các nhà nghiên cứu của NASA đã thiết kế quỹ đạo của tàu vũ trụ để hạn chế tiếp xúc với những khu vực có nhiều bức xạ nhất xung quanh Sao Mộc. Nếu thành công, cơ quan này báo cáo rằng nhiệm vụ sẽ kết thúc vào tháng 6/2034.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags

NASA

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại