Từ chữ cái Latin trên bề mặt Mặt trăng
Ở thời điểm có sự kiện tàu Apollo hạ cánh lên Mặt trăng, nhiều người không phải chuyên gia – những người sở hữu các kính viễn vọng loại nhỏ, những người cuồng tín về đĩa bay, những cây bút cho các tạp chí không gian vũ trụ - miệt mài nghiên cứu những tấm ảnh được gửi về để tìm kiếm những điểm dị thường mà các nhà khoa học và nhà du hành của NASA bỏ sót.
Không lâu sau đó, có những báo cáo về các chữ cái Latin và số A-rập khổng lồ được khắc trên bề mặt Mặt trăng, rồi các kim tự tháp, đường cao tốc, chữ thập, các UFO rực rỡ.
Người ta cũng nói đến các cây cầu trên Mặt trăng, rồi đến ăng tên vô tuyến, vết bánh xe của những phương tiện khổng lồ, và sự tàn phá bị bỏ lại bởi những cỗ máy có thể chẻ miệng núi lửa ra làm hai.
Sao Hỏa và Mặt Trăng có ẩn chứa những bí mật kỳ lạ. Nguồn ảnh: Getty Images/Aurich.
Những mọi tuyên bố như thế này hóa ra đều là cấu trúc địa lý tự nhiên của Mặt trăng bị các nhà phân tích nghiệp dư đánh giá sai, hoặc do những phản xạ bên trong các mắt kính của các máy ảnh Hasselblad của phi hành gia, và những nguyên nhân tương tự.
Một số người rất nhiệt thành còn nhận ra những cái bóng đổ dài của các tên lửa đạn đạo – những tên lửa của Liên Xô nhằm vào Mỹ.
Nhưng những tên lửa này, còn được mô tả là “ngọn tháp”, hóa ra là những quả đồi thấp có bóng đổ dài khi Mặt trời ở gần đường chân trời của Mặt trăng. Một chút kiến thức lượng giác học cũng giúp xua tan ảo tưởng này.
Những trải nghiệm này cũng đưa ra một lời cảnh báo rõ ràng: Với một địa hình phức tạp được tạo hình bằng những quy trình mới lạ thì giới nghiệp dư (và đôi khi cả những người chuyên nghiệp) kiểm chứng các bức ảnh, đặc biệt là gần đến ngưỡng phân giải, có thể sẽ gặp rắc rối.
Những hy vọng và sợ hãi của họ, tâm lý hưng phấn với việc có thể thực hiện những phát hiện quan trọng, có lẽ đã lấn át cách tiếp cận mang tính thận trọng và hoài nghi của khoa học.
Ngành thiên văn học nghiên cứu Thiên hà cũng là có vô số những bức chân dung được chụp ảnh lại – chẳng hạn, Đầu ngựa (Horsehead), Eskimo, Con cú (Owl), Người lùn (Homunculus), Nhện đen Nam Âu (Tarantula), và Tinh vân Bắc Mỹ, tất cả đều là những đám mây khí và bụi hỗn độn, được chiếu sáng bởi các ngôi sao ở một quy mô khiến hệ mặt trời của chúng ta trở nên nhỏ xíu.
Tinh vân Đầu Ngựa. Nguồn ảnh: Universe-beauty.com.
Khi giới thiên văn lập bản đồ phân bố của các thiên hà trải rộng tới vài trăm triệu năm ánh sáng, họ nhận thấy bản thân mình đang phác họa ra một nhân dạng khá thô mộc được gọi là “Người que.” Hình thể ấy được hiểu là gì đó giống như những bong bóng xà phòng khổng lồ ở gần nhau, những thiên hà được hình thành trên bề mặt của những bong bóng ở gần nhau và gần như không có thiên hà nào ở phía bên trong.
Điều này cho thấy nhiều khả năng là chúng sẽ hình thành lên một mô hình với độ đối xứng hai chiều trông như Người que.
Đến dấu tích kim tự tháp trên bề mặt Sao Hỏa
Sao Hỏa ôn hòa hơn Sao Kim rất nhiều, mặc dù các tàu đổ bộ Viking không cung cấp bằng chứng thuyết phục nào về sự sống. Địa hình của nó cực kỳ hỗn tạp và đa dạng.
Với 100.000 bức ảnh cận cảnh hiện có, không có gì lạ khi rất nhiều tuyên bố được đưa ra trong thời gian qua về điều gì đó bất thường trên Sao Hỏa.
Chẳng hạn, có một “gương mặt hân hoan” rạng rỡ ở bên trong một miệng trũng hình thành do va chạm với bề ngang tới 8km trên Sao Hỏa, với một loạt dấu vết các mảnh vụn vương vãi xung quanh ở phía ngoài, làm cho nó trông như một Mặt trời đang mỉm cười vẫn thường được thể hiện. Nhưng không một ai nói rằng cấu trúc này được kiến tạo bởi một nền văn minh Sao Hỏa tiên tiến (và cực kỳ vui vẻ), có lẽ để thu hút sự chú ý của chúng ta.
Chúng ta công nhận rằng, với những vật thể đủ mọi kích cỡ rơi từ trên trời xuống, với bề mặt trồi lên, chìm xuống, và tự tái tạo sau mỗi va chạm, với các nhân tố xa xưa như nước, suối bùn hay hiện đại như cát dịch chuyển theo gió đang tác động đến phần bề mặt thì rất nhiều kiểu địa mạo được tạo ra.
Nếu chúng ta xem xét kỹ 100.000 bức ảnh, không có gì lạ là thỉnh thoảng chúng ta sẽ bắt gặp chi tiết gì đó trông như một khuôn mặt. Với bộ não được lập trình để làm việc này ngay từ bé thì việc chúng ta không thể tìm ra một thứ như vậy ở đâu đó mới là điều lạ.
Một vài ngọn núi nhỏ trên Sao Hỏa trông giống các kim tự tháp. Tại cao nguyên Thiên đường (Elysium), có một nhóm núi như vậy – núi lớn nhất có chân rộng tới vài km – và tất cả đều theo một hướng.
Những đặc điểm tương tự cũng được biết đến trên Trái Đất ở dạng thu nhỏ, đặc biệt tại Nam Cực. Một số rất gần các bạn. Nếu chúng ta không biết gì về chúng thì liệu có khách quan khi kết luận rằng chúng được tạo ra bởi những người Ai Cập sống ở hoang mạc Nam Cực không?
(Giả thuyết không phù hợp mấy với những quan sát, nhưng rất nhiều điều khác mà chúng ta biết về môi trường vùng cực và sinh lý học của con người lại phản bác lại điều đó).
Trên thực tế, chúng được tạo ra bởi quá trình bào mòn do gió – hàng loạt phân tử mịn bị những trận gió mạnh cuốn đi thổi cùng một hướng và, qua nhiều năm, tạc đẽo những gì từng là gò đồi không đều nhau thành những kim tự tháp cân đối hoàn hảo.
Chúng được gọi là những dreikanter (tam diện tháp), một từ trong tiếng Đức mang nghĩa ba mặt. Đây là trật tự được tạo ra từ hỗn độn nhờ những quá trình tự nhiên – điều chúng ta thường xuyên thấy trong Vũ trụ (chẳng hạn trong các thiên hà xoáy ốc quay tròn).
Trên Sao Hỏa, có bằng chứng cho thấy gió còn dữ dội hơn ở bất kỳ nơi nào trên Trái Đất, có tốc độ đạt tới nửa tốc độ âm thanh. Những trận bão bụi ở quy mô cả hành tinh rất phổ biến – cuốn theo những hạt cát mịn.
Qua nhiều thời đại tính theo thời gian địa lý, cả chuỗi liên tục nhiều phân tử di chuyển nhanh hơn trong bất kỳ trận bão nào ở Trái Đất sẽ tạo ra những thay đổi sâu sắc trên bề mặt đá và địa mạo. Không có gì quá lạ nếu một vài đặc điểm – thậm chí là những đặc điểm rất lớn – được những quá trình lưu thông gió gọt đẽo thành nhưng hình dạng kim tự tháp mà chúng ta nhìn thấy.
Có một nơi trên Sao Hỏa gọi là Cydonia, nơi có một gương mặt đá rất lớn bề ngang tới 1km đăm đăm nhìn không chớp mắt lên trời. Đây là một gương mặt không lấy gì làm thân thiện, nhưng lại là gương mặt giống người thấy rõ.
Gương mặt đá Cydonia trên sao Hỏa. Nguồn ảnh: ESA.
Trong một số mô tả, nó có thể do Praxiteles1 tạc lên. Nó nằm ở một khu vực cảnh quan nơi nhiều ngọn đồi thấp đã được bào thành các hình dạng kỳ lạ, có lẽ nhờ sự kết hợp nào đó giữa các suối bùn cổ và quá trình bào mòn do gió. Từ nhiều hố trũng va chạm, địa hình xung quanh trông như có độ tuổi ít nhất vài trăm triệu năm.
Nhưng câu truyện “Gương mặt” gần như hoàn toàn là một câu truyện của Mỹ. Nó được một trong những tàu vũ trụ Viking bay theo quỹ đạo tìm ra năm 1976. Một quan chức phụ trách dự án đã bác bỏ điều này, cho rằng đây là một ‘trò đùa’ do ánh sáng và bóng tối tạo ra.
Việc phủ nhận này đã dẫn tới lời quy kết sau đó rằng NASA đang cố che giấu một phát hiện của Thiên niên kỷ. Một số kỹ sư, chuyên gia máy tính và những người khác – một số trong đó là nhân viên hợp đồng của NASA – đã tự mày mò tìm cách làm rõ hình ảnh.
Bài viết được trích từ cuốn sách "Thế giới bị quỷ ám" do Alphabooks phối hợp với NXB Thế giới phát hành. Ảnh: Baza.vn.
Có lẽ họ hy vọng tìm ra những phát hiện ấn tượng. Điều đó có thể chấp nhận được trong khoa học, thậm chí còn được khuyến khích – chừng nào các tiêu chí bằng chứng của bạn ở mức cao. Một số người trong nhóm này tỏ ra khá thận trọng và xứng đáng được tuyên dương vì đã thúc đẩy chủ đề này.
Những người khác tỏ ra ít thận trọng hơn, không chỉ suy diễn rằng Gương mặt đó là tác phẩm điêu khắc cỡ lớn đích thực của một con người, mà còn tuyên bố đã tìm ra một thành phố ở gần đó với những đền thờ và pháo đài.
Phải chăng Gương mặt là tàn tích còn sót lại của một nền văn minh con người đã tuyệt chủng từ lâu? Những người tạo ra nó có nguồn gốc từ Trái Đất hay Sao Hỏa? Liệu Gương mặt có phải được kiến tạo bởi những vị khách du hành giữa các vì sao đã dừng chân trên Sao Hỏa? Phải chăng nó được để lại để chúng ta phát hiện? Có thể họ cũng đã đến Trái Đất và khởi tạo cuộc sống ở đó chăng? Hay ít nhất là cuộc sống của loài người? Phải chăng họ, cho dù họ là ai, là những vị thần? Rất nhiều suy đoán nhiệt thành đã được nêu lên.
Đâu là sự thật?
Vào tháng 8 năm 1993, khi tàu vũ trụ Mars Observer gặp sự cố ngay trong khi tiếp cận Sao Hỏa, đã có nhiều người buộc tội NASA dàn dựng sự cố để có thể nghiên cứu Gương mặt một cách chi tiết mà không phải công bố các hình ảnh ra công chúng.
Hãy gạt bỏ câu chuyện đâu đâu cho rằng một phát hiện kiểu như vậy thực tế sẽ dẫn tới “cơn hoảng loạn trên toàn thế giới.”
Với bất kỳ ai đã chứng kiến một phát hiện khoa học kỳ diệu đang hình thành – ta nhớ ngay tới vụ va chạm của sao chổi Shoemaker-Levy 9 với Sao Mộc vào tháng 7 năm 1994 – rõ ràng là các nhà khoa học có xu hướng rất sôi nổi và không hề giấu diếm. Họ có ham muốn không sao cưỡng được trong việc chia sẻ dữ liệu mới.
Hy vọng rằng những tàu thám hiểm của Nga và Mỹ trong tương lại tới Sao Hỏa, đặc biệt là các tàu bay quanh quỹ đạo với các máy ảnh truyền hình độ phân giải cao, sẽ đặc biệt cố gắng – cùng với hàng trăm sứ mệnh khoa học khác – quan sát gần hơn nữa các kim tự tháp và những gì một số người gọi là Gương mặt và thành phố.
Bài viết trên được trích từ cuốn sách "Thế giới bị quỷ ám" của tác giả Carl Sagan, là một nhà văn, nhà thiên văn học xuất sắc.
Cuốn sách chia sẻ cho bạn những thông tin hữu ích về thế giới xung quanh chúng ta như lần theo dấu vết những vật thể bay không xác định, những vụ bắt cóc ngoài hành tinh, những thiên tài khoa học,...
Bằng lối viết nhẹ nhàng, cuốn hút, "Thế giới bị quỷ ám" sẽ cho bạn những mảng màu rõ ràng hơn về thế giới dưới góc độ khoa học. Sách do AlphaBooks phối hợp với nhà xuất bản Thế giới phát hành.