Cuộc hỏi đáp trên tập trung chủ yếu vào kế hoạch đưa người lên Mặt Trăng của NASA vào năm 2024, vốn có tên gọi “Artemis”.
Hầu hết các câu hỏi đều hướng về tính khả thi của một căn cứ trên Mặt Trăng trong tương lai và những việc cần làm để đưa con người lên sinh sống trên bề mặt vệ tinh này.
“Tôi nghĩ con người sẽ không thay đổi quá nhiều tình trạng bề mặt Mặt Trăng”, tiến sĩ địa chất Daniel Moriarty thuộc NASA cho biết. “Thay vào đó, sẽ là tiết kiệm hơn nếu chúng ta tận dụng những cấu trúc và tài nguyên có sẵn ở trên đó”.
“Sẽ thật tuyệt nếu chúng ta thiết lập được một trạm tiền tiêu nhỏ trong một ống dung nham trên Mặt Trăng”, ông Moriarty nói.
Theo các nhà khoa học của NASA, những ống dung nham này là các cấu trúc dài tương tự như đường hầm được hình thành sau khi các dòng chảy nham thạch cứng lại và rỗng ruột.
Ảnh chụp một hang động hình thành từ dòng dung nham trên Mặt Trăng.
Những cấu trúc hang động này sẽ cung cấp một nơi trú ẩn để chống lại biến động nhiệt thất thường trên Mặt Trăng cũng như tia cực tím nguy hiểm từ Mặt Trời. Qua đó, chi phí cho kế hoạch thám hiểm sẽ được cắt giảm đáng kể.
Ngoài ra, các hang động dung nham không phải là những tài nguyên duy nhất hữu ích trong việc phát triển một căn cứ trên Mặt Trăng.
“Con người có thể thiết lập một căn cứ gần vùng cực khuất ánh Mặt Trời vĩnh viễn của Mặt Trăng để tận dụng nguồn nước ở đó”, ông Moriarty bổ sung.
Trên thực tế, đây chính là kế hoạch của Cơ quan Vũ Trụ Quốc Gia Trung Quốc vừa được công bố vào tháng 4 vừa qua. Nước này dự định xây dựng một trạm khoa học quốc tế gần cực Nam giàu băng tuyết của Mặt Trăng trong thập kỷ tới.
Thông báo của Trung Quốc đến ngay sau khi tàu thám hiểm Chang'e-4 của nước này hạ cánh ở vùng tối của Mặt Trăng vào tháng 1 năm nay.
Tàu thám hiểm Chang'e 4 của Trung Quốc vừa tiếp đất tại vùng tối của Mặt Trăng vào tháng 1 vừa qua.
Tháng 3 vừa qua, NASA cũng đã công khai mục tiêu đưa các phi hành gia trở lại Mặt Trăng trong thời gian tới.
“Lần này, chúng ta sẽ lên Mặt Trăng và ở lại đó”, giám đốc Jim Bridenstine của NASA tuyên bố.
Ông Jim cho biết NASA sẽ sử dụng “nhiều công nghệ hiện đại” để khám phá “nhiều địa điểm trên Mặt Trăng hơn bao giờ hết”. “Chúng ta sẽ rút kinh nghiệm từ những nhiệm vụ trên Mặt Trăng để làm tiền đề cho bước nhảy vọt vĩ đại của nhân loại - đưa con người lên Sao Hỏa”.
Kế hoạch của NASA đã được đẩy nhanh vào cuối tháng 3 vừa qua sau khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố rằng chính quyền Tổng thống Trump muốn NASA đưa các phi hành gia trở lại Mặt Trăng trong thời gian 5 năm.
Trong buổi hỏi đáp trên Reddit, các nhà khoa học của NASA cho biết họ tự tin về khả năng đạt được mục tiêu này, bất chấp khung thời gian khá eo hẹp.
Nếu được thực hiện đúng kế hoạch, cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng sắp tới sẽ là chuyến thám hiểm có người lái thứ 7 của Mỹ lên Mặt Trăng, sau các lần trước vào giai đoạn từ năm 1969 đến năm 1972.
Những điều chỉnh về ngân sách gần đây của Hoa Kỳ đã khiến kế hoạch thám hiểm Mặt Trăng của NASA trở nên khả thi hơn bao giờ hết.
Nhiệm vụ không gian Artemis 2024 sẽ đưa người phụ nữ đầu tiên lên Mặt Trăng và dự kiến hạ cánh gần cực Nam của vệ tinh này.