Hình ảnh đặc biệt này được tàu Quỹ đạo Trinh sát Sao Hỏa (MRO) của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) chụp lại nhờ sử dụng máy ảnh công nghệ cao HiRISE. "Đàn giun khổng lồ" chính là những vết bứt trên một miệng hố bí ẩn tại khu vực Mare Seroentis của sao Hỏa.
Theo các nhà nghiên cứu, bức ảnh cho thấy đặc điểm địa hình chủ yếu là vật chất phun trào (ejecta) hoặc vật chất bị đẩy lên bề mặt sau một vụ va chạm.
Dựa theo nhận định này, màu sắc ấn tượng mà chúng ta nhìn thấy là do có sự xuất hiện của các loại đá và khoáng vật khác nhau, bao gồm khoáng vật giàu sắt như olivin và pyroxen.
NASA giải thích những con giun kỳ lạ này là sản phẩm của dòng chảy ejecta phun trào từ miệng hố va chạm. Ảnh: NASA
Các nhà khoa học của NASA giải thích, những khu vực có màu xanh dương đại diện cho các khu vực giàu sắt, các màu sáng hơn như màu vàng cho thấy thành phần đá bị biến đổi. Do đó, điều này cho thấy hướng dòng chảy của vật chất phun trào xuất phát từ miệng hố va chạm.
Dòng chảy ejecta có thể có nguồn gốc từ hai miệng núi lửa bí ẩn trên sao Hỏa. Điều này có thể giúp các nhà khoa học làm sáng tỏ nghi vấn về vật chất bên dưới bề mặt sao Hỏa phun trào lên mặt đất sau va chạm.
Phát hiện này giúp các nhà nghiên cứu có cái nhìn cụ thể hơn về vật chất trên bề mặt sao Hỏa. Ảnh: NASA
Đây không phải là lần đầu tiên tàu thăm dò MRO của NASA ghi lại được những hình ảnh "quái lạ" trên bề mặt sao Hỏa.
Trước đó, vào tháng 3/ 2017, MRO cũng chụp được hình ảnh những đụn cát lớn hình lưỡi liềm, trông khá giống như đàn sâu khổng lồ trong lòng chảo Hellas.
Dù nhiều người cho rằng nơi đây có thể có sự sống tồn tại, nhưng NASA tuyên bố đó chỉ là các đụn cát tích tụ từ trầm tích hay "tàn tích" trong miệng núi lửa. Những đụn cát này cũng xuất hiện ở phía đông của sao Hỏa.
Tham khảo: Dailymail