Napoléon, Victor Hugo đã "cứu" Nhà thờ Đức Bà như thế nào?

Trang Ly |

Nhà thờ Đức Bà Paris đã từng đứng trước nguy cơ biến mất hoàn toàn nếu không có công "hồi sinh" của Napoléon Bonaparte và đại văn hào Victor Hugo.

Trong lịch sử hơn 850 năm của mình, từ khi những viên gạch móng được đặt đầu tiên năm 1163 cho đến nay, Nhà thờ Đức Bà Paris đã trải qua không ít biến cố, thăng trầm.

Napoléon, Victor Hugo đã cứu Nhà thờ Đức Bà như thế nào? - Ảnh 1.

Hình ảnh cháy nhà thờ Đức Bà Paris ngày 15/4. Nguồn: MSNBC.com

Vụ hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra chiều tối ngày 15/4/2019 là một trong những biến cố thời hiện đại mà công trình này đang phải đối mặt. Trước đó, vào thế kỷ 18, 19 công trình thế kỷ được mệnh danh "Trái tim Paris" này đã từng đứng trước nguy cơ biến mất.

Napoléon, Victor Hugo đã cứu Nhà thờ Đức Bà như thế nào? - Ảnh 2.

Diễn ra từ năm 1789 đến 1799, những sự kiện diễn ra xoay quanh cuộc Cách mạng Pháp (giữa một bên là khi lực lượng dân chủ và cộng hòa - với một bên là chế độ quân chủ chuyên chế và Giáo hội Công giáo Roma tại Pháp) đã gián tiếp khiến công trình vĩ đại này bên bờ vực bị tàn phá hoàn toàn. 

Dưới sự phẫn nộ của dân chúng với tầng lớp quý tộc và giáo hội, Nhà thờ Đức Bà Paris đã bị tấn công, phá hủy. 28 bức tượng trong Phòng trưng bày các vị Vua của nhà thờ bị phá hủy trong khi nhà thờ bị lục soát. 

Các tác phẩm điêu khắc lịch sử trang trí cho các ô cửa, các bức tượng đồng và mái nhà... cũng bị hủy hoại. Thậm chí, những chiếc chuông đồng nặng hàng chục tấn cũng bị mang xuống nấu chảy để làm pháo, phục vụ cho cuộc cách mạng.

Sau một thập kỷ diễn ra cuộc cách mạng, nhà thờ lúc ấy đổ nát và hoang tàn đến mức gần như bị lãng quên và biến mất hoàn toàn. 

Napoléon, Victor Hugo đã cứu Nhà thờ Đức Bà như thế nào? - Ảnh 3.

Sau Cách mạng Pháp, vào năm 1801, Napoléon Bonaparte (1769-1821) ký một thỏa thuận có tên Concordat, cho phép Giáo hội Công giáo nắm quyền kiểm soát Nhà thờ Đức Bà.

Nhờ có sắc lệnh cùng mong muốn chọn nhà thờ làm nơi đăng quang của tướng Napoléon Bonaparte, Giáo hội Công giáo nhanh chóng tái thiết kế và tu sửa nhà thờ. 

Đến năm 1804, Nhà thờ Đức Bà hồi sinh từ đống đổ nát, đó cũng chính là thời điểm Napoléon Bonaparte - vị hoàng đế cuối cùng của Pháp - đăng quang. Từ đó trở đi, nhà thờ được sử dụng cho các nghi lễ của hoàng gia.

Napoléon, Victor Hugo đã cứu Nhà thờ Đức Bà như thế nào? - Ảnh 4.

Lễ đăng quang của Napoléon Bonaparte và hoàng hậu tại Nhà thờ Đức Bà Paris. Nguồn: Internet

Nếu Hoàng đế Napoléon Bonaparte có công vận động tái thiết nhà thờ thì đại văn hào pháp Victor Hugo (1802-1885) thành công trong việc hồi sinh tình yêu của công chúng với công trình mang đậm phong cách Gothic thời Trung Cổ này.

Năm 1831, Victor Hugo cho ra đời tuyệt phẩm "Nhà thờ Đức Bà Paris". Tác phẩm là của Victor Hugo thể hiện một triết lý nhân văn cao cả: Qua những số phận khắc nghiệt của các nhân vật, đại văn hào muốn thể hiện nét đẹp trường tồn của nhà thờ cổ, vượt lên cả sự tàn phá của thời gian và những biến cố thời cuộc.

Napoléon, Victor Hugo đã cứu Nhà thờ Đức Bà như thế nào? - Ảnh 5.

Tuyệt phẩm "Nhà thờ Đức Bà Paris" của Victor Hugo. Nguồn: Internet.

Nhờ thế, bạn yêu văn học hiểu được sâu sắc hơn về Nhà thờ Đức Bà, khơi dậy sự quan tâm của công chúng đến công trình thế kỷ còn nhiều đổ nát giữa lòng Paris hoa lệ.

Không lâu sau đó, năm 1843, kiến ​​trúc sư Eugène-Emmanuel Viollet-le-Duc (1814-1879) đã khởi động một dự án cải tạo lớn để cứu nhà thờ. Về sau, Pháp còn tiến hành dỡ bỏ những tòa nhà xung quanh nhà thờ để công trình linh thiêng này rộng mở trước người dân.

Lần đầu tiên, người dân Paris có thể đứng lại và chiêm ngưỡng thánh đường trong tất cả sự hùng vĩ của nó. Kể từ đó, hình ảnh của Nhà thờ Đức Bà đã trở nên không thể tách rời với hình ảnh của thủ đô Paris tráng lệ.

Sau biến cố ngày 15/4/2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chia sẻ trên Twitter: "Nhà thờ Đức Bà chìm trong biển lửa. Nỗi niềm của cả nước Pháp. Của những người theo đạo Công giáo và tất cả người dân Pháp. Giống như mọi đồng bào, tôi rất đau lòng khi chứng kiến cảnh tượng nhà thờ bị tàn phá trong biển lửa." Ông cũng không quên nói rằng: "Cả nước Pháp sẽ tái thiết "Trái tim của Paris" một lần nữa."

Nhà thờ Đức Bà Paris - công trình có lịch sử hơn 850 năm - của nước Pháp rồi sẽ vẫn tráng lệ như thủa xưa dù có trải qua bao biến cố, thăng trầm đi nữa.

Bài viết sử dụng nguồn: Us.France.Fr, Livescience 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại