Não bộ chúng ta được "lập trình" để chạy theo trào lưu iPhone mỗi lần nó ra mắt phiên bản mới?

Thanh Mai |

Dù có phải fan của "Táo" hay không thì cũng khó có thể phủ nhận độ hot của chiếc điện thoại này mỗi lần nó được nâng cấp. Vậy điều gì đã khiến tất cả đều "dậy sóng" muốn sở hữu iPhone cho bằng được? Câu trả lời chính là….

Trước hết, hãy tạm quên đi những chiếc xe hào nhoáng hay một chiếc đồng hồ đắt tiền. Đối với nhiều người hiện nay, việc sở hữu một chiếc iPhone đời mới ngay khi nó vừa ra mắt mới được coi là "đẳng cấp".

Não bộ chúng ta được lập trình để chạy theo trào lưu iPhone mỗi lần nó ra mắt phiên bản mới? - Ảnh 1.

Đã selfie thì phải dùng iPhone mới được!

Nếu nghĩ việc rinh về những mẫu mã mới nhất như vậy đơn giản chỉ là do sở thích cá nhân, thì bạn đã nhầm to. Trên thực tế, có vô số các "cơ chế ẩn" xảy ra khiến bạn muốn mua món đồ này đến vậy.

Theo các nhà khoa học, nó có thể bắt nguồn từ chiến lược tiếp thị phức tạp cho đến cơ cấu não bộ, hay thậm chí do cả… gene con người nữa kia!

Não bộ chúng ta được lập trình để chạy theo trào lưu iPhone mỗi lần nó ra mắt phiên bản mới? - Ảnh 2.

Đầu tiên, hãy thử tìm hiểu một chút về cái thứ gọi là "kế hoạch lỗi thời". Đây được coi là một chiến lược trong thiết kế nhằm khuyến khích khách hàng nâng cấp hoặc mua mới sản phẩm sớm hơn mức cần thiết.

Não bộ chúng ta được lập trình để chạy theo trào lưu iPhone mỗi lần nó ra mắt phiên bản mới? - Ảnh 3.

Đã bao giờ bạn băn khoăn vì sao mình không thể tự mở Iphone để thay pin, hay nâng cấp iOS để rồi nhận ra phần mềm chỉ chạy "mượt" với các mẫu điện thoại đời cao? Hiển nhiên, đáp án chính là do "kế hoạch lỗi thời".

Theo chuyên gia kinh tế Rachel Botsman, không phải người ta không nhận thức được chiến lược này của các hãng công nghệ, nhưng bất ngờ là chẳng ai lên tiếng phản đối. Thay vào đó, đa số trong chúng ta vẫn tiếp tục "cắn răng rút ví" để "lên đời" iPhone.

Não bộ chúng ta được lập trình để chạy theo trào lưu iPhone mỗi lần nó ra mắt phiên bản mới? - Ảnh 4.

Cảnh tượng người dân xếp hàng chờ mua iPhone đã không còn là chuyện lạ

Tuy nhiên, với yếu tố khách quan này thì con người vẫn có thể từ chối lời mời gọi hấp dẫn trên. Bởi suy cho cùng, chiến lược quảng cáo là do nhà sản xuất, còn quyết định mua hay không vẫn nằm ở người tiêu dùng. Vậy nên, nếu không nhắc tới ảnh hưởng não bộ thì thật thiếu sót.

Hóa ra, não bộ của chúng ta cũng được "lập trình" để chọn cái mới thay vì cái cũ. Theo phát hiện của 2 chuyên gia nghiên cứu thần kinh Nico Bunzeck và Emrah Düzel, việc được sở hữu một món đồ mới sẽ kích thích dopamine trong não. Đây được coi là chất tạo ra cảm giác như được khen thưởng ở con người.

Não bộ chúng ta được lập trình để chạy theo trào lưu iPhone mỗi lần nó ra mắt phiên bản mới? - Ảnh 5.

Ngoài ra, cũng phải kể đến xu hướng thường xuyên bỏ qua so sánh của số đông hiện nay. Trong loạt nghiên cứu của Aner Sela - giáo sư marketing ĐH Florida, 1.000 người đủ mọi độ tuổi đã được mời đến để thực hiện khảo sát.

Sau khi được hỏi sẽ chọn chiếc điện thoại mình đang có hay một phiên bản smartphone đời mới hơn, 75% trong số đó đã không chần chừ mà chọn ngay phương án thứ hai.

Mặc dù các so sánh tính năng được đưa ra đầy đủ nhưng có vẻ chẳng ai quan tâm, bởi… cứ mới hơn là tốt hơn rồi?!

Não bộ chúng ta được lập trình để chạy theo trào lưu iPhone mỗi lần nó ra mắt phiên bản mới? - Ảnh 6.

Với tất cả những nguyên nhân trên, cũng dễ hiểu khi người người, nhà nhà đều đuổi theo trào lưu mỗi khi Apple tung ra sản phẩm mới.

Tuy nhiên, liệu tình yêu với chiếc iPhone vừa mới rước về có còn mãi theo thời gian? Một khi nó không còn sáng bóng như ban đầu, hay màn hình đã xuất hiện vài vết nứt do làm rơi quá nhiều, cảm giác thích thú với chiếc điện thoại đang sở hữu sẽ dần tan theo mây khói.

Không chỉ trong phạm vi đồ công nghệ, tất cả mọi món đồ khác bạn mua cũng chỉ đem lại niềm vui tạm thời. Vậy mới nói, hãy cân nhắc thật kĩ trước khi móc hầu bao cho bất kì thứ gì nhé.

Nguồn: Viral Thread

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại