Cuộc sống ngày càng bận rộn nên cũng có nhiều gia đình Việt chọn thuê bảo mẫu để trông nom con cái. Và cũng bởi nhu cầu ngày càng cao, đòi hỏi ngày càng khắt khe nên những cặp vợ chồng có điều kiện kinh tế ngoài việc thuê một người giúp việc đơn thuần cho gia đình thì còn muốn tìm kiếm một cô trông trẻ chuyên nghiệp, thân thiện, có kiến thức chuyên môn để chăm nom bé một cách bài bản. Từ đó, nghề nanny ra đời.
Vậy nanny là gì, khác chi với vú nuôi hay giúp việc?
Nghề nanny không phải là một khái niệm quá mới mẻ nhưng chỉ mới được chú ý trong thời gian gần đây ở Việt Nam. Thông thường, các nanny là người chăm sóc cho trẻ em và người lớn tuổi, là một nhánh trong công việc điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe con người.
Ở các nước phát triển, ưu tiên hàng đầu chính là sức khỏe, đặc biệt là hai nhóm đối tượng người già và trẻ em, cần những chế độ chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, khi con cái hoặc các bậc cha mẹ quá bận rộn cũng như không đủ kiến thức chuyên môn như mới sinh lần đầu, chưa có kinh nghiệm lại sống xa ông bà thì thuê một người nanny là một lựa chọn tối ưu.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, nanny là một nghề part-time khá phổ biến dành cho học sinh và sinh viên, đặc biệt là các bạn nữ. Công việc chính của họ là chăm sóc, chơi cùng trẻ và giữ trẻ trong môi trường tương tác tích cực khi phụ huynh không có thời gian ở với trẻ tại gia đình.
Đặc biệt, nanny chỉ phụ trách các vấn đề liên quan đến trẻ, phục vụ trẻ chứ không làm các nhiệm vụ cho bố mẹ hoặc thành viên khác trong gia đình.
Nanny là một nghề phổ biến ở nước ngoài nhưng cũng còn chưa được biết đến nhiều lắm ở Việt Nam.
Vì yếu tố chuyên môn đặc biệt nên nghề nanny này yêu cầu người lao động phải được đào tạo bài bản ở các trung tâm và cần có giấy chứng nhận. Ở Việt Nam, công việc này dần trở nên phổ biến với sự gia tăng về số lượng những người nước ngoài sống và làm việc ở nước ta và cả những gia đình trẻ có điều kiện kinh tế.
Tuy nhiên, khu vực phía Bắc có vẻ còn ít dịch vụ này nhưng đầu cầu miền Nam thì các gia đình cũng đã sử dụng khá nhiều. Đông đảo nhất là trong các hộ gia đình cao cấp, những đôi vợ chồng nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam cần đến nanny rất cao, kéo theo đó là sự đòi hỏi khắc khe với các nanny cũng rất nhiều.
Chọn nanny thế nào khi đó là người thay bạn chăm sóc, kề cận bên con?
Để tìm được một nanny chất lượng, nhiều cặp vợ chồng sẽ tìm đến các trung tâm, nơi kết nối người lao động và khách có nhu cầu. Đây cũng có thể là nơi đã đào tạo ra các nanny rồi giới thiệu việc làm cho họ.
Thời gian làm việc của nanny tùy thuộc vào yêu cầu của gia đình nhưng hầu hết sẽ làm việc theo giờ, vào khoảng chiếu tối muộn khi các bé đi học về mà bố mẹ vẫn chưa kết thúc công việc ở văn phòng.
Mức lương của nanny sẽ được tính theo giờ hoặc theo tháng, tùy theo thỏa thuận của đôi bên. Trung tâm sẽ gửi biểu mẫu tới các phụ huynh để đánh giá chất lượng công việc của các cô. Hiện nay, mức lương trung bình cho một nanny là khoảng 10 đô (khoảng hơn 220 ngàn) mỗi giờ. Nhưng nếu làm tốt, được phụ huynh tín nhiệm thì mức lương có thể sẽ tăng lên đáng kể.
Các nanny phải có kỹ năng chăm sóc trẻ chuyên nghiệp và dạy các bé học một cách bài bản.
Chị Giang (Thành phố Hồ Chí Minh), một người đang thuê nanny chăm sóc con mình cho biết: "Mình đã dùng dịch vụ này 3 năm rồi nhưng nhận thấy một vấn đề là chất lượng nanny ở Việt Nam còn chưa tốt lắm.
Thường một nanny phải có kiến thức về y tế, dinh dưỡng và kỹ năng chăm sóc, chơi với trẻ rồi sau đó mới đến kỹ năng dạy học. Còn việc đưa đón con đi học về thì mình tự thỏa thuận với các cô vì trường cũng rất gần nhà.
Lương mình đang trả cho cô nanny ở nhà là 12-15 đô (tương đương khoảng 270 đến 340 nghìn đồng) mỗi giờ và yêu cầu phải gửi thông tin cụ thể cho mình về việc chăm con như thế nào.
Chính vì giá khá cao nên mình chỉ thuê khi thật sự quá bận, đi công tác xa chẳng hạn. Và cô ấy làm tất cả mọi thứ cho đứa trẻ nhưng tuyệt đối không dính tới việc nhà. Đây là thỏa thuận ngay từ ban đầu giữa hai bên. Mình biết rằng làm việc nhà không phải là nhiệm vụ của nanny".
Cũng theo chị Giang thì một số người vẫn chưa thể phân biệt rõ bảo mẫu, vú nuôi, giúp việc và nanny cho nên còn hay có sự nhầm lẫn. 3 nghề đầu tiên có thể làm cả việc nhà và không cần nhiều kỹ năng dinh dưỡng, dạy trẻ học nhưng nanny thì ngược lại hoàn toàn cho nên mức thu nhập cũng khác nhau.
Bảo mẫu hay giúp việc thông thường vẫn phải làm việc nhà, nhưng nanny thì không.
Ngoài ra, chị Giang còn cho biết thêm: “Chuyện “deal” lương với nanny và kể cả vú em hay vú nuôi gì cũng đừng bao giờ ép giá hay trả giá khi ban đầu cảm thấy chi phí được thông báo là quá cao. Nếu không phù hợp thì tự tìm một chỗ khác chứ nhiều người thấy đi tìm nanny mà giống như tìm ở đợ, đòi người ta làm đủ kiểu rồi chê cao, ép giá.
Mình thấy tìm một người ở bên cạnh con, chăm sóc con khi mình không thể tự tay làm điều đó thì cũng đừng quá so đo, tính toán nếu không thật sự quá đáng”.
Đoạn chia sẻ về giá cả thuê nanny khiến nhiều người tranh cãi và đáng để tham khảo.
Ngoài ra mỗi khi nanny bận, bất đắc dĩ chị Giang sẽ nhờ một phụ huynh có con học cùng lớp mà bản thân tin tưởng có thể đưa đón giúp và thông báo trực tiếp với cô giáo để cô biết tình hình. Đây cũng là một phương án hợp lý trong trường hợp quá cấp bách.
Giao con cho người lạ, liệu có thực sự yên tâm hay không?
Chuyên nghiệp tới đâu, làm nhiều cỡ nào thì bố mẹ ơi vẫn có rất nhiều điều phải lưu ý!
Mặc dù số tiền bỏ ra để thuê các nanny là không hề nhỏ nhưng việc giao con cái cho người lạ trông nom đôi khi vẫn tạo ra tâm lý không an tâm cho các phụ huynh. Bằng chứng là dù cô nanny có chứng nhận đàng hoàng, được sự bảo trợ tuyệt đối của trung tâm nhưng phần đa các gia đình vẫn phải lắp hệ thống camera giám sát đồng thời yêu cầu các cô không được đưa con vào vị trí góc khuất.
Như gia đình chị Giang nói trên là một ví dụ, giá thuê nanny của nhà chị là ở mức cao bởi nhận thấy cô ấy làm rất được việc nhưng chị Giang vẫn để camera hoạt động nhằm theo dõi con được sát sao hơn.
Ngoài ra trong quá trình tuyển dụng cũng sẽ có rất nhiều vấn đề cần kiểm tra kỹ như các giấy tờ chứng minh bản thân, giấy chứng nhận nghề/chuyên môn nếu có và sau cùng là phụ huynh cần mất 1-2 tháng đầu giám sát, để ý thật kỹ người mình thuê để chăm sóc bé nói chung lẫn các nanny nói riêng tính tình thế nào.
Bởi có không ít trường hợp bố mẹ ỷ lại, phó mặc con cái cho người chăm nom để rồi xảy ra các trường hợp bạo hành, gây tổn hại về mặt thể xác lẫn tinh thần của trẻ thì lại đi ngược với mục đích ban đầu.
Đặc biệt khi đã giao con cho người khác đưa đón trẻ thì cũng phải biết “chọn mặt gửi vàng” và thống nhất, thỏa thuận trước giữa đôi bên. Đừng ép buộc người khác làm những việc không thuộc trách nhiệm của họ hoặc khi họ không thích.
Trong khuôn khổ một bài viết thì cũng thật khó để bóc tách hết được các vấn đề nhưng nanny thật sự cũng là một lựa chọn không tồi đối với các ông bố bà mẹ bận rộn hiện nay.
Bởi nhiều khi những người được đào tạo kỹ năng bài bản, lại còn có công ty/người quản lý trực tiếp thì sẽ biết cách xử lý tình huống trong lúc cấp bách, bảo vệ trẻ tốt hơn và cũng khiến chúng ta an tâm hơn phần nào.
Nhưng trên hết, dù có tiện lợi, chu đáo và tốt đến đâu thì việc chăm sóc, dạy dỗ vẫn là thứ mà tận tay bố mẹ đều phải làm thì mới khiến chúng cảm nhận được tình yêu thương thật sự.
Đấy cũng là một phần ảnh hưởng đến tâm lý phát triển của các bé về sau khi có được sự quan tâm, lo lắng đúng mực của gia đình dành cho mình chứ không phải là “công cụ” để thay bạn làm bố, làm mẹ.