Nàng tiểu thư hấp dẫn
Nhắc đến gia tộc Kennedy người ta sẽ nghĩ đến ngay Tổng thống Mỹ yểu mệnh John Kennedy nhưng ít ai ngờ rằng còn có một nhân vật nổi bật không kém, từng khiến giới thượng lưu chao đảo.
Ông Joseph Kennedy có tất cả 9 người con, ông từng nói rằng những cô con gái của ông đều là loài thiên nga đẹp đẽ nhưng người đặc biệt nhất trong số đó là tiểu thư Kathleen 'Kick' Kennedy.
Cô là con gái thứ 4 của ông Joseph Kennedy và là em gái được cố Tổng thống Mỹ John Kennedy vô cùng yêu mến.
Tiểu thư Kick sinh ra ở Brookline, Massachusetts vào tháng 2/1920. Đúng với tên gọi của mình, tiểu thư nhà Kennedy là một người hoạt bát, vui vẻ và lanh lợi.
Nàng tiểu thư này được mô tả là một người có sức hấp dẫn đặc biệt, nhất là phái mạnh. Cô luôn tỏa sáng và nổi bật mỗi khi xuất hiện.
Vào năm 1938, khi tiểu thư Kick 18 tuổi, ông Joseph được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Vương quốc Anh và cả đại gia đình Kennedy đã chuyển tới London để sinh sống. Ngay lập tức, họ gây chú ý mạnh mẽ với người dân London.
Báo chí Anh lúc bấy giờ săn đón gia đình Kennedy giống như họ là các thành viên hoàng gia và đặc biệt truyền thông và dân chúng Anh bị tiểu thư Kick hấp dẫn.
Các con của ông Joseph Kennedy từ trái sang phải: Jean, Bobby, Pat, Eunice, Kick, Rosemary, Jack và Joe Jnr.
Nàng tiểu thư Kick có sức hấp dẫn đặc biệt với phái mạnh.
Mọi hoạt động của cô đều thu hút sự chú ý và được đăng tải trên truyền thông.
Bất cứ điều gì cô làm đều được mọi người ngưỡng mộ, từ việc cô phân phát bánh quy tự tay làm cho trẻ em tại bệnh viện cho đến cưỡi ngựa dạo chơi trong công viên.
Mặc dù không có vẻ xinh đẹp theo kiểu truyền thống nhưng giới đàn ông bị cô hấp dẫn vì sức sống và sự lanh lợi của cô, còn phụ nữ yêu mến tiểu thư Kick vì tính tình nồng ấm và sự hóm hỉnh.
Sau khi khiến cả London choáng ngợp, trở thành một ngôi sao sáng, Kick được quý bà Astor mời tới biệt thự Cliveden dự lễ Phục sinh.
Trong đám đông, cô gây sự chú ý bởi tính tình phóng khoáng, tự do, không khuôn phép.
Trong tiệc tối, Kick đã ném một miếng bánh mỳ xuống bàn vào một vị khách, khởi xướng màn ném thức ăn.
Nếu bất kỳ ai làm như vậy, họ sẽ bị coi là hành động thô lỗ nhưng với Kick, mọi người lại thấy đó là hành động tự do tuyệt đối.
Nhiều nhà quý tộc đã chau mày khi nhìn thấy Kick thoải mái hất phăng chiếc giày trước mặt người khác nhưng rồi cô nhanh chóng thu hút họ bằng những trò đùa tinh nghịch cùng sự sôi nổi của mình.
Đối lập với sự dè dặt của người Anh, Kick là một người luôn khác biệt và tỏa sáng. Tuy nhiên, tưởng chừng như cô gái ấy sẽ có một cuộc đời trải đầy hoa hồng, chỉ toàn niềm vui và hạnh phúc nhưng cuối cùng lại là những chuỗi bi kịch chất chồng.
Tình yêu cuồng si
Mùa hè năm 1939, Kick gặp William Cavendish - Hầu tước Hartington, người thường được gọi là Billy.
Họ trở thành một cặp đôi lạ lùng, hoàn toàn tương phản nhau: Billy là một người đàn ông cao ráo, trầm ngâm, tế nhị, một mẫu người Anh điển hình. Trong khi đó, Kick lại tràn đầy năng lượng, sôi nổi.
Tuy nhiên, Kick bị con người của Billy chinh phục bởi vì anh là một quý ông thực sự, đối lập với cha và các anh trai của cô.
Về phần mình, Billy đơn giản là bị tinh thần và nụ cười luôn tỏa nắng của Kick mê hoặc. Bạn bè để ý rằng khi có Kick ở bên, Billy dường như tự tin hơn vào bản thân. Họ nhanh chóng gắn với nhau như hình với bóng.
Tuy nhiên, mẹ của Kick là bà Rose Kennedy không vui với mối lương duyên đó vì hai gia đình hoàn toàn khác nhau về tư tưởng và cả tín ngưỡng tôn giáo.
Khi Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ đã khiến mối quan hệ của Kick với Billy bị gián đoạn. Mặc dù Kick cầu xin được ở lại Anh nhưng cha cô vẫn đưa cô cùng gia đình trở về Mỹ. Quay lại quê hương là điều khốn khổ với Kick.
Trái tim cô vẫn còn ở lại Anh cùng Billy. Không chịu khuất phục trước hoàn cảnh, họ duy trì liên lạc bằng cách đều đặn viết thư cho nhau.
Cuối cùng sau 4 năm đằng đẵng, cha mẹ Kick đã buộc phải để cô trở về London khi cô đăng ký làm tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ.
Tháng 8/1943, tờ Daily Mail đăng một bức ảnh chụp Kick đang đạp xe đi làm trong bộ đồng phục và cô nổi tiếng với biệt danh "cô gái đi xe đạp".
Kick sánh bước bên người mình yêu.
Bức ảnh chụp Kick đang đạp xe đi làm trong bộ đồng phục trở nên nổi tiếng.
Khi Kick trở lại London, Billy nhanh chóng đến gặp người mình yêu trong bữa tối lãng mạn tại khách sạn Mayfair.
Chẳng bao lâu dư luận dấy lên tin đồn họ chuẩn bị đính hôn cho dù giữa họ có những khác biệt nhất định, nhất là về tôn giáo.
Cha của Billy, Công tước Cavendish, không muốn con trai kết hôn với một người Công giáo còn Kick thì từ chối từ bỏ đức tin.
Sau nhiều tháng họp bàn giữa các giáo sĩ ở cả hai bên, mọi người đạt được một thỏa thuận: Kick sẽ kết hôn trong một văn phòng đăng ký và cô hứa sẽ để cho con theo đạo Tin lành.
Billy quá đỗi vui mừng trong khi bà Rose trên bờ vực sụp đổ. Bà không nghĩ rằng con gái mình lại cương quyết nghe theo tiếng gọi của tình yêu.
Với tiếng tăm của gia đình hai bên, hôn lễ của Kick và Billy tưởng chừng phải là một đám cưới đình đám của năm thế nhưng, họ chỉ kết hôn trong một nghi lễ kéo dài 10 phút ở văn phòng đăng ký Chelsea vào ngày 6/5/1944.
Joe Jr, một người anh trai của Kick, là người thân duy nhất tới dự đám cưới. Khi nghỉ trăng mật cùng chồng, Kick viết thư cho mẹ, tha thiết nói rằng cô chưa từ bỏ đức tin.
Cuối cùng, bà Rose cũng phá vỡ sự im lặng với con gái khi Billy được đưa ra mặt trận ở Bỉ sau ngày cưới 5 tuần.
Đám cưới của cặp đôi diễn ra vô cùng giản dị.
Bi kịch chất chồng
Tháng 8/1944, bi kịch dồn dập xảy ra với Kick. Anh trai Joe Jr của cô đã tử nạn khi đang làm nhiệm vụ của một phi công máy bay ném bom.
Chưa đầy một tháng sau, chồng của Kick bị bắn chết ở Bỉ khi cùng đồng đội đánh chiếm thành phố Heppen bị Đức chiếm đóng.
Vào thời điểm đó, Kick viết trong nhật ký rằng cuộc đời thật độc ác với cô khi phải hứng chịu nỗi đau liên tiếp như vậy.
Mặc dù vô cùng đau đớn nhưng Kick tìm mọi cách để khiến bản thân trở nên bận rộn và quay lại với công việc của Hội Chữ thập đỏ.
Nỗi buồn của Kick khiến cô thu hút nhiều người theo đuổi hơn bao giờ hết. Sau cái chết của Billy hai năm, cô lọt vào mắt của Peter Fitzwilliam, một người đã có vợ.
Người phụ nữ chịu nhiều tổn thương ấy đã dấn thân vào một cuộc tình mới với Peter.
Bạn bè cô vô cùng bất ngờ khi Kick thông báo chuẩn bị kết hôn với một kẻ ham cờ bạc và đàn đúm như Peter.
Mẹ của Kick dọa từ mặt con gái nếu cô lấy thêm một người theo đạo Tin lành nữa. Vì thế, Kick đã cầu xin cha gặp Peter ở Paris. Ông Joseph chấp thuận lời thỉnh cầu của con gái mình.
Những năm cuối đời của tiểu thư nổi tiếng chỉ là những tiếng thở dài.
Nơi yên nghỉ cuối cùng của Kick.
Cặp đôi đi máy bay riêng tới thành phố Cannes nghỉ cuối tuần, định gặp ông Joseph trên đường trở về.
Tuy nhiên, máy bay gặp bão và bị rơi ở phía bắc dãy núi Ardeche. Kick chết khi vẫn còn ngồi trong ghế, giầy của cô văng ra ngoài. Khi ấy, nàng tiểu thư nổi tiếng chỉ mới 28 tuổi.
Khi sự nghiệp chính trị của anh trai Kick là John Kennedy đang lên, gia đình Kennedy nhanh chóng che giấu vụ việc.
Tờ New York Daily News do bạn của ông Joseph làm chủ chỉ đưa tin ngắn gọn, gọi Kick là bạn cũ của ông bà Fitzwilliam.
Người dân ở Devonshires, Anh vẫn rất yêu quý Kick. Họ làm đám tang theo nghi lễ Công giáo và chôn cất cô tại Chatsworth. Joe Sr là người thân duy nhất dự đám tang.
Ông John Kennedy định tham dự nhưng hủy vào phút chót vì không thể đối diện với bi kịch. Trong nhiều năm liền, ông không thể nào khiến bản thân tới thăm mộ cô em gái yêu quý.
Mãi đến tháng 6/1963, khi đã là Tổng thống Mỹ, ông mới tới Chatsworth sau một chuyến thăm Ireland, mang theo hoa, quỳ xuống và cầu nguyện trước mộ em gái. Trên bia mộ, người ta khắc dòng chữ: "Cô đã trao đi niềm vui và đã tìm thấy niềm vui".