Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao năng suất lao động (NSLĐ), nhờ đó NSLĐ đã có những cải thiện đáng kể cả về giá trị và tốc độ. Theo báo cáo Năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020: Thực trạng và giải pháp của Tổng cục Thống kê, năm 2020, NSLĐ của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước tính đạt 150,1 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 6.466 USD/lao động), gấp 2,1 lần năm 2011 (70 triệu đồng/lao động).
Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng NSLĐ từ năm 2016 đến năm 2019 đều đạt trên 6%, trong đó năm 2019 đạt tốc độ tăng cao nhất (6,62%). Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tốc độ tăng NSLĐ chậm lại nhưng vẫn đạt gần 5%. Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam đạt 6,05%, cao hơn tốc độ tăng bình quân của giai đoạn 2011-2015 là 1,52 điểm phần trăm và vượt mục tiêu tăng NSLĐ bình quân hằng năm đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Giai đoạn 2016-2020: tốc độ tăng NSLĐ bình quân hằng năm cao hơn 5,5%”.
Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng NSLĐ của toàn nền kinh tế đạt 5,29%. Đây là kết quả thể hiện thành công đáng ghi nhận của Việt Nam trong việc nỗ lực phấn đấu nâng cao NSLĐ.
Tính theo sức mua tương đương (PPP 2017), NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 tăng bình quân 5,4%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của Malaysia (1,3%/năm); Hàn Quốc (1,5%/năm); Singapore (1,7%/năm); Thái Lan (2,2%/năm); Indonesia (2,6%/năm); Philippines (3,5%/năm).
Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với một số nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Nếu năm 2011 NSLĐ của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines lần lượt gấp NSLĐ của Việt Nam 12,4 lần; 4,3 lần; 2,1 lần; 1,7 lần và 1,3 lần thì đến năm 2020 khoảng cách tương đối này giảm xuống tương ứng còn 8,8 lần; 3 lần; 1,7 lần; 1,3 lần và 1,2 lần.
So với một số nền kinh tế lớn của châu Á, khoảng cách tương đối về NSLĐ của Việt Nam so với Hàn Quốc giảm từ 6,1 lần xuống 4,3 lần; Nhật Bản từ 6,8 lần xuống 4,1 lần.
Tuy nhiên, mức NSLĐ của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Tính theo PPP 2017, NSLĐ của Việt Nam năm 2020 đạt 18,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,3% mức năng suất của Singapore; 23% của Hàn Quốc; 24,4% của Nhật Bản; 33,1% của Malaysia, 59,1% của Thái Lan; 60,3% của Trung Quốc; 77% của Indonesia và bằng 86,5% NSLĐ của Philippines. NSLĐ của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn NSLĐ của Campuchia (gấp 2,4 lần); Myanmar (1,6 lần); Lào (gấp 1,2 lần).
Chênh lệch tuyệt đối mức NSLĐ (PPP 2017) của Singapore và Việt Nam tăng từ 130,4 nghìn USD năm 2011 lên 144,1 nghìn USD năm 2020; tương tự, của Hàn Quốc từ 58,8 nghìn USD lên 61,8 nghìn USD; Trung Quốc từ 6,1 nghìn USD lên 12,1 nghìn USD; Ấn Độ từ 1,3 nghìn lên 1,8 nghìn USD.
Điều này cho thấy khoảng cách và thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước có trình độ phát triển hơn là khá lớn. So với năng suất trên mỗi lao động đang làm việc, NSLĐ tính trên giờ làm việc thể hiện bức tranh rõ ràng hơn về sự thay đổi NSLĐ trong nền kinh tế do có thể kiểm soát tốt hơn tình trạng thiếu việc làm hiện phổ biến ở nhiều quốc gia đang phát triển.
Theo kết quả Điều tra lao động việc làm, số giờ làm việc trung bình mỗi tuần của một lao động đang làm việc ở Việt Nam đã giảm dần từ 45,6 giờ trong năm 2011 xuống 41,9 giờ năm 2020. Theo giá hiện hành, NSLĐ trên mỗi giờ làm việc năm 2011 mới chỉ đạt 29 nghìn đồng, đến năm 2016 đạt 45,7 nghìn đồng; năm 2017 đạt 52,1 nghìn đồng; năm 2018 đạt 55,5 nghìn đồng; năm 2019 đạt 63,7 nghìn đồng. Năm 2020, năng suất lao động trên mỗi giờ làm việc theo giá hiện hành đạt 67,6 nghìn đồng/ giờ, cao hơn 3,8 nghìn đồng so với năm 2019 và gấp 2,3 lần năm 2011.
Theo giá so sánh, NSLĐ trên mỗi giờ làm việc năm 2020 tăng 4,5% so với năm 2019 và tăng 75,8% so với năm 2011; bình quân giai đoạn 2011-2020 tăng 5,94%/năm, trong đó giai đoạn 2011-2015 tăng 5,17%/năm; giai đoạn 2016-2020 tăng 6,72%/năm.
Nếu tính NSLĐ trên một giờ làm việc theo sức mua tương đương (PPP 2017) năm 2019 của Việt Nam chỉ bằng 8,99% mức năng suất của Singapore; 9,13% mức năng suất của Brunei; 23,21% của Malaysia; 40,31% của Thái Lan; 49,31% của Indonesia; 57,35% của Philippines; 99,51% của Lào. NSLĐ của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn NSLĐ của Campuchia (gấp 2 lần) và Myanmar (gấp gần 1,6 lần). So với các nền kinh tế lớn của Châu Á, NSLĐ theo sức mua tương đương (tính theo PPP 2017) năm 2019 của Việt Nam bằng 13,12% Nhật Bản; 16,04% Hàn Quốc; 47,49% Trung Quốc và 77,76% Ấn Độ.