Sau loạt Su-57 thứ 2, chuyên gia Mỹ thừa nhận chất lượng lắp ráp của Nga!
Bộ Quốc phòng Nga mới đây đã công bố những bức hình chiếc máy bay tiêm kích Su-57 sản xuất hàng loạt thứ 2 sau loạt tiền sản xuất - đã có ít nhất 1 chiếc đã gặp sự cố và rơi trong quá trình thử nghiệm bay năm 2019.
Vào giữa tháng 8/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã ghé thăm nhà máy chế tạo máy bay "Sukhoi" tại Komsomolsk-na-Amure, Viễn Đông Nga trong khuôn khổ chương trình kỉ niệm Ngày Không quân Nga (12/8) và đặc biệt là khảo sát quá trình lắp ráp tiêm kích Su-57.
Chiếc tiêm kích tàng hình đa nhiệm thế hệ 5 Su-57 (định danh NATO là Felon) hay còn được biết đến với cái tên T-50S-2 (tên nội bộ của Sukhoi) nói trên có số serial là 51002.
Chiếc Su-57 (T-50S-2) có Serial là 51002 nhìn từ phía trước trong nhà máy của Sukhoi tại vùng Viễn Đông Nga.
Theo chuyên gia Jamie Hunter của tờ The Drive (Mỹ), có thể thấy các doanh nghiệp vũ khí của Nga đã cải thiện đáng kể chất lượng lắp ráp máy bay chiến đấu.
"Trong bức ảnh phía trước có thể thấy hệ thống dẫn hướng hồng ngoại 101KS-V (IRST) được lắp đặt ở phần mũi, đầu dò để tiếp nhiên liệu trên không và phần chụp mũi được làm từ các vật liệu composite chưa sơn phủ.
Cũng thấy rõ những cánh nâng lớn để bay lượn chủ động nằm phía trước. Còn nhìn vào bức ảnh từ phía trước - trên xuống, dựa vào các cánh đuôi đứng, có thể thấy toàn bộ chiếc tiêm kích sẽ được sơn theo kiểu Digital - ngụy trang kỹ thuật số.
Chiếc Su-57 sản xuất hàng loạt này là một phần của đơn đặt hàng 76 chiếc tiêm kích mà sẽ phải được bàn giao cho lực lượng không quân vũ trụ Nga đến năm 2028. Đơn đặt hàng được Bộ Quốc phòng Nga công bố vào tháng 5/2019".
Biên tập viên của tạp chí Aviation Week Defense, Steve Trimble bình luận: "Chất lượng lớp phủ ở đây tốt hơn nhiều những gì chúng ta đã nhìn thấy trên 11 chiếc máy bay tiền sản xuất hàng loạt".
Chiếc Su-57 (T-50S-2) có Serial là 51002 nhìn từ trước - trên.
MiG-35 bị tác giả Mỹ gọi là "con vịt chết", chuyên gia Nga đáp trả!
Trong bài viết được The Drive đăng tải đầu tháng 8/2020, chuyên gia Thomas Newdick của chuyên trang quân sự này đã gọi tiêm kích đa năng MiG-35 là "Dead duck". "Dead duck" nghĩa đen là "con vịt chết" và được hiểu là "thứ không còn tồn tại hoặc không có cơ hội thành công".
Phản ứng lại bình luận nói trên "một cách đầy xúc cảm", ông Victor Mukakhovsky, Tổng biên tập của tờ Арсенал Отечества (Kho vũ khí của Tổ quốc) cho rằng:
"Xin lưu ý rằng MiG-35 lần đầu tiên được giới thiệu tại triển lãm hàng không quốc tế MAKS-2017 nghĩa là gần 4 năm trước, và khi đó Ấn Độ và Ai Cập đã bày tỏ sự quan tâm tới chiếc tiêm kích này.
Những người Mỹ chỉ trích người Nga chỉ sản xuất được "đồ bỏ đi" và MiG-35 là "biến thể nâng cấp sâu" của MiG-29 nên so sánh với những gì vẫn đang diễn ra trong ngành công nghiệp hàng không Mỹ".
Tiêm kích MiG-35.
"Nếu tác giả bài viết (tác giả Thomas Newdick) của The Drive hướng "ánh mắt soi mói" của mình vào ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, thì sẽ nhìn thấy bức tranh tương đồng trong lĩnh vực tương tự.
Lấy ví dụ, việc tiếp tục mua sắm những biến thể mới của chiếc tiêm kích F-15 hay việc tiếp tục nâng cấp thường xuyên những chiếc oanh tạc cơ B-52 - thứ đã từng bắt đầu cất cánh từ cuối thập niên 1950".
Ông Victor Mukakhovsky cũng nhấn mạnh vào năng lực của MiG-35, tiêm kích được đánh giá cao do là một máy bay đơn giản, chi phí vận hành không quá đắt đỏ, được vũ trang tốt và tin cậy - tức là những yếu tố vượt trội so với phân khúc tiêm kích hạng nhẹ.
"Chiếc tiêm kích đa năng này hướng tới các cuộc không chiến. Về bản chất, nó có các tính năng tương tự như Su-35 nhưng giá thành lại thấp hơn (ước tính 50 triệu USD so với từ 65 đến 100 triệu USD)".
Cũng theo lời vị tổng biên tập, chiếc máy bay này cũng chưa hết tiềm năng xuất khẩu của mình (như các đối thủ Mỹ).
Oanh tạc cơ B-52 Tratofortress.