Pháp, quốc gia có một loạt các nhà máy điện hạt nhân nhưng trong đó hơn một nửa không hoạt động do đã quá niên hạn sử dụng, là quốc gia chịu tác động nặng nề của tình trạng trên.
Tác động có thể nhìn thấy đầu tiên của tình trạng nắng nóng trong việc sản xuất điện là liên quan đến các nhà máy điện hạt nhân có hệ thống làm mát sử dụng một lượng nước lớn. Vào cuối chu kỳ sản xuất, nước làm mát của nhà máy được thải vào các con sông gần các nhà máy điện, hậu quả là làm tăng nhiệt độ nước tại các con sông đến mức có nguy cơ gây hại cho đa dạng sinh học.
Tuy nhiên, áp lực cung cấp điện đang ở mức mà 5 nhà máy điện hạt nhân của Pháp đã được cho phép tiếp tục thải nước nóng ra ngoài môi trường cho tới giữa tháng 9.
Châu Âu đang trải qua đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài. Trong ảnh, người dân đi qua một biển báo nhiệt độ 46 độ C tại Bilbao, Tây Ban Nha ngày 17/6 (Ảnh: Reuters).
Trước đó, ngày 3/8, công ty năng lượng EDF của Pháp đã thông báo rằng một số nhà máy điện của họ nằm trên sông Rhône và Garonne có khả năng sản xuất ít điện hơn trong những ngày tới do ảnh hưởng của đợt nắng nóng.
Một hậu quả nghiêm trọng khác của khí hậu khắc nghiệt tại châu Âu là công suất của các nhà máy thủy điện cũng buộc phải giảm bớt do ảnh hưởng của hạn hán. Đồng thời, cũng cần lưu ý rằng gió yếu trong những ngày qua nhiều khả năng sẽ không tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất điện gió.
Giới chuyên gia cho rằng sự kết hợp của các yếu tố này dường như buộc các nước châu Âu phải chuyển sang sử dụng khí đốt nhiều hơn để đảm bảo nguồn cung về điện, theo đó đẩy giá năng lượng này tăng cao.
Trước tình trạng giá nhiên liệu tăng cao, các "gã khổng lồ" năng lượng và giới chức chính phủ của các quốc gia châu Âu đã kêu gọi người dân và doanh nghiệp giảm mức tiêu thụ điện, đưa ra các phương án dự phòng nhằm giảm phụ thuộc vào khí đốt từ Nga.
Tại Áo, người phát ngôn của chi nhánh của chuỗi bán lẻ đa quốc gia SPAR Group cho biết họ đang giảm thời gian phát quảng cáo tại hơn 1.500 cửa hàng trên toàn quốc. Động thái này sẽ giảm mức tiêu thụ năng lượng của nhà bán lẻ này xuống 1 triệu kilowatt giờ/năm. Tuy nhiên, giới chức không nói rõ hành động này sẽ tiết kiệm được bao nhiêu chi phí năng lượng.
Tháng trước, người đứng đầu Leclerc, nhà bán lẻ thực phẩm lớn nhất của Pháp, cho biết họ có thể giảm giờ mở cửa tại các cửa hàng để đối phó với tình trạng thiếu điện. Chỉ hơn một tuần trước đó, nhà điều hành siêu thị đối thủ Carrefour cũng đã ký "Điều lệ EcoWatt" với nhà điều hành lưới điện quốc gia RTE, nhằm giảm tiêu thụ điện tại các cửa hàng trong những giờ cao điểm.
Một số nhà bán lẻ khác của Bỉ - bao gồm Colruyt và Ahold – cũng đề xuất thực hiện các chương trình năng lượng bền vững nhằm tiết kiệm điện, nhằm thoát khỏi tình trạng nguồn cung gián đoạn tiềm ẩn và chi phí tăng cao.
Giám đốc điều hành Frans Muller cho biết, Ahold cũng đang tìm cách cắt giảm lượng tiêu thụ năng lượng. Công ty đã đề xuất một số chương trình tiết kiệm khí đốt, bao gồm việc vận hành các cửa hàng Albert Heijn hoàn toàn bằng năng lượng bền vững vào năm tới. Ông nói: "Chúng tôi chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào về thời gian mở cửa nhưng chúng tôi đang xem xét kỹ hơn về việc sử dụng năng lượng".
Trong khi đó, Vienna (Áo), thành phố nổi tiếng với các khu chợ Giáng sinh và chương trình hòa nhạc mừng Năm mới, sẽ tắt bớt hệ thống chiếu sáng công cộng do giá năng lượng tăng cao.
Ngày 5/8 vừa qua, các nước thành viên EU đã chính thức thông qua kế hoạch khẩn cấp của khối nhằm cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ, trong bối cảnh các nước đang cố gắng tiết kiệm nhiên liệu cho mùa Đông tới do nguồn cung khan hiếm.