Chiều 3/6, nhiệt độ đo được ở trạm Hà Đông là 42 độ C và ở trạm Láng là 41,5 độ C.
Ông Lê Thanh Hải cho rằng, mức 41,5 độ C là mức nhiệt quan trắc đo được cao nhất ở Hà Nội từ năm 1972 đến nay.
Số liệu nóng nhất ghi nhận tại trạm Hà Đông vào mùa hè năm 2008 là 39,8 độ C và ở trạm Láng mức nhiệt cao nhất mùa hè năm 1971 là 40,4 độ C.
Trên Trí Thức Trẻ, ông Hải khẳng định, dù số liệu như vậy, nhưng không có nghĩa là bây giờ nóng hơn thời điểm quan trắc nhiệt độ cao kỷ lục trong quá khứ. Bởi trạm quan trắc Hà Đông trước xung quanh trồng lúa, còn giờ đã thay bằng nhà cửa.
"Trong đợt này, Hà Đông là điểm nóng nhất. Nhiệt độ quan trắc được lên tới 42 độ là vô tiền khoáng hậu", ông Hải nói với tờ Vietnamnet.
Cũng theo nguồn trên, lý giải nguyên do Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh Bắc Bộ là "chảo lửa", ông Hải cho hay, những lần trước chủ yếu là áp thấp nóng phía Tây do đó trọng tâm nắng nóng thường đổ về các tỉnh Điện Biên, Sơn La, các huyện Tương Dương, Quỳ Hợp, Con Cuông của tỉnh Nghệ An.
Thế nhưng, lần này đã có một vùng áp thấp nóng hình thành ngay trên Bắc Bộ gây ra nắng nóng gay gắt.
Video: Hà Nội nắng nóng kỷ lục khiến nước lã để ngoài trời có thể nấu chín mỳ tôm (Nguồn: Hữu Dánh/VTC News)
Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo trên tờ Zing.vn, sau khi đợt nắng nóng gay gắt này kết thúc thì sẽ vẫn còn các đợt nắng nóng dữ dội khác trong mùa hè này.
"Tháng 6 và 7 là hai tháng có nhiều đợt nắng nóng nhất và với cường độ gay gắt nhất. Mỗi tháng, trung bình có 2-3 đợt, trong đó, đa số là nắng nóng gay gắt", nguồn trên dẫn lời ông Hải.
Ông Võ Văn Hòa (Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ) thông tin với báo giới trong nước, có hai nguyên nhân chính dẫn tới nắng nóng kỷ lục, đó là biến đổi khí hậu và hiệu ứng đô thị.
Ngoài những số liệu ghi nhận ở trạm quan trắc thì nhiệt độ ngoài trời thường cao hơn từ 3 - 4 độ C và ở mặt đường, nơi bê tông hóa... thì nhiệt độ thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
Đường phố vắng tanh vì nắng nóng. Ảnh: Vietnamnet
(Tổng hợp)