Anh Nguyễn Hoàng, thợ sữa chữa và lắp đặt điều hòa với hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề tại Hà Nội cho biết, rất nhiều người có thói quen giảm nhiệt độ trên remote xuống mức thấp nhất là 16 độ C với hy vọng nhiệt độ trong phòng có thể nhanh chóng mát lạnh. Tuy nhiên, việc này sẽ giảm tuổi thọ của điều hòa do phải khởi động lại liên tục đồng thời tiêu tốn rất nhiều điện năng.
"Trời càng nóng điều hòa càng dễ hỏng chính vì thói quen để nhiệt độ xuống kịch sàn. Trên thực tế, sự điều chỉnh này không làm điều hòa mát nhanh hơn vì công suất của điều hòa có giới hạn, máy cần có thời gian để kéo nhiệt từ từ mới có thể làm lạnh phóng được".
Anh Hoàng cho biết thêm, trên điều hòa luôn có một chỉ số nhiệt độ, đó chính là giới hạn để điều hòa nhận biết khi nào là đủ và giảm cường độ làm lạnh lại. Ví dụ, khi bạn đặt điều hòa ở mức 25 độ C điều hòa sẽ coi đó là mức nhiệt mục tiêu, khi phòng đủ lạnh điều hòa sẽ tự làm gió để duy trì.
Ảnh minh họa.
"Nếu ngay lúc đầu bạn bắt điều hòa hoạt động hết công suất ở mức 16 độ C mà không điều chỉnh lại qua thời gian sử dụng máy móc trong điều hòa sẽ tự trở nên quá lạnh và giảm hiệu suất làm việc. Việc này vừa kém hiệu quả lại còn hại tuổi thọ của máy cũng như làm hóa đơn tiền điện tăng đột biến.
Ngoài ra, các dòng điều hòa thông thường chỉ chịu được công suất khi ngoài trời đạt từ 40-42 độ C. Nếu ngoài trời đạt nhiệt độ cao hơn mức đó thì điều hòa sẽ chạy mãi mà không tới được mức nhiệt yêu cầu. Khi đó, nếu bạn đặt nhiệt độ ban đầu quá thấp, điều hòa chạy liên tục mà không được nghỉ ngơi, lâu dài sẽ dẫn tới hỏng".
Anh Hưng, thợ sửa điều hòa kinh nghiệm 18 năm ở Hà Nội cho biết thêm, việc bắt ép điều hòa hoạt động hết công suất trong thời gian dài có thể khiến dàn nóng gặp phải hiện tượng quá tải, quá nhiệt và có thể gây cháy nổ, hỏng hóc.
Ngoài ra, thói quen chỉnh nhiệt độ thấp không chỉ gây hại cho những chiếc điều hòa mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng. Trong đó hay gặp nhất là tình trạng sốc nhiệt. Người khi bị sốc nhiệt nhẹ thì choáng váng, đau đầu, buồn nôn, cảm lạnh, nghẹt mũi, viêm họng nặng hơn thì xuất hiện ảo giác, sốt cao, tim đập nhanh,... Nghiêm trọng nhất là người bị sốc nhiệt có thể bị ngột thở, đột quỵ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Theo các chuyên gia, thay vì đặt mức nhiệt thấp, người dùng nên chú ý tới các biện pháp khác như sử dụng thêm quạt gió, đặt chậu nước trong phòng, hạn chế ánh nắng, sắp xếp ít đồ đạc trong phòng... Ngoài ra, khi sử dụng điều hòa trong mùa hè nếu trời càng nóng thì chúng ta càng phải đặt ở mức nhiệt cao. Nếu nhiệt độ lên trên 40 độ C, thậm chí chúng ta nên điều chỉnh điều hòa ở mức 28-30 độ.