Kết thúc kỳ tháng 5 vừa qua, hóa đơn tiền điện của đa số gia đình "bốc hỏa" - số tiền tăng vọt do nắng nóng cực độ. Tháng 6 này, chuỗi ngày nắng nóng gay gắt đang tiếp tục kéo dài, không có gì đảm bảo rằng khi "chốt sổ" công tơ điện của mỗi gia đình vào cuối tháng, mức điện năng tiêu thụ có giảm đi được chút nào hay không?
Có rất nhiều thiết bị được quảng cáo là tiết kiệm điện trên thị trường hiện nay, kèm theo nhãn "thông minh" như: điều hòa thông minh, quạt thông minh, tủ lạnh thông minh... nhưng chắc chắn không phải ai cũng đủ thời gian để tìm hiểu thực sự đó là sản phẩm "thông minh", "tiết kiệm điện" thật sự hay thổi phồng.
Từ thực tế này, người viết thấy rằng một câu hỏi quan trọng được đặt ra là: những thiết bị của công nghệ nhà thông minh (SmartHome) thật sự, nếu đưa vào sử dụng, chi phí đầu vào khá cao, có giúp giảm điện năng hao phí trong sinh hoạt hay không, qua đó cũng góp phần vào một lối "sống xanh" đang dần thành xu hướng?
Dưới đây là những kiến thức bạn có thể tham khảo cho hành trình sống xanh - sống tiết kiệm năng lượng hơn của mình và gia đình.
Giải pháp điều hòa thông minh là một trong những đòi hỏi thiết thực cho những ngày nắng nóng cực độ. Ảnh minh họa.
Nguyên lý chung về khả năng tiết kiệm điện của thiết bị thông minh
Về mặt lý thuyết, những thiết bị như loa thông minh, camera thông minh... làm gia tăng việc sử dụng năng lượng hơn thiết bị cùng loại thông thường, tuy vậy con số đó không lớn.
Ngược lại, đối với những thiết bị như điều hòa thông minh hay hệ thống quản lý nước thông minh... thực sự giúp chúng ta "sống xanh" hơn - bao gồm cả việc tiết kiệm điện năng.
Một số quảng cáo về thiết bị trong nhà thông minh giúp chúng ta tiết kiệm 10%, 15% thậm chí 20% đều là trong điều kiện thí nghiệm. Trên thực tế, một số thiết bị chỉ giúp giảm 1% hoặc vài % mà thôi.
Một ví dụ điển hình là điều hòa thông minh. Nếu chúng ta sử dụng điều hòa kiểu cũ và khi thay sang điều hòa thông minh, rõ ràng chúng ta có thể tiết kiệm một lượng khá lớn. Tuy nhiên, kể cả khi chưa phải là giải pháp gắn liền với nhà thông minh, nếu điều hòa của chúng ta có những chế độ điều khiển được và chúng ta sử dụng đúng cách, thì điều hòa thông minh không đem lại nhiều thay đổi quá nhiều.
Ngoài ra, các cách tiết kiệm điện năng còn phụ thuộc vào chính ngôi nhà. Nếu ngôi nhà được xây dựng không hiệu quả, sử dụng thiết bị thông minh cũng không đem lại nhiều lợi ích. Chính vì vậy, khi muốn triển khai nhà thông minh người ta phải tiến hành ngay từ bước thiết kế ban đầu. Ví dụ, một căn phòng có điều hòa thông minh kết nối với công tắc thông minh và cảm biến. Chúng sẽ tự động hạ rèm cửa sổ để ngăn bức xạ nhiệt nóng bức, bật điều hòa và giảm độ sáng, thậm chí điều chỉnh theo dự báo thời tiết từ đêm hôm trước. Nếu không tính toán ngay từ đầu thì rất khó để kết hợp các thiết bị.
Quản lý nước thông minh
Một hệ thống quản lý nước thông minh thì không chỉ tiết kiệm điện mà còn tiết kiệm cả nước.
Một hệ thống tiết kiệm nước có thể giảm lượng tiêu thụ bằng cách xác định rò rỉ và thói quen sử dụng. Ngoài ra, các van tự động có thể chủ động điều chỉnh để giảm thiểu hoặc điều chỉnh đúng lượng nước cần sử dụng, tránh lãng phí.
Thậm chí, hệ thống có thể theo dõi dự báo thời tiết để lên lịch tưới cây phù hợp. Với điều kiện trời mưa hoặc sắp mưa, tắt hệ thống tưới không chỉ tiết kiệm nước mà cả lượng điện chạy máy bơm.
Vòi nước cảm ứng điều tiết lượng nước xả ra là một cách tiết kiệm nước thông minh, nhưng để tiết kiệm nước thông minh thì không chỉ có vậy. Ảnh minh họa.
Đèn thông minh
Nhà thông minh có thể tự động tắt đèn khi người dùng quên khi rời khỏi phòng. Cảm biến chuyển động đảm bảo đèn được bật khi có người và tắt chúng khi không cần thiết.
Ngoài ra, đèn cũng có thể tự động giảm độ sáng khi đêm xuống, điều chỉnh môi trường làm việc thuận lợi.
Đèn thông minh khi được lắp đặt cũng giảm thiểu tối đa năng lượng dư thừa, lãng phí. Ảnh minh họa.
Điều hòa thông minh
Nhà thông minh có thể theo dõi người dùng trong từng phòng và đảm bảo nhiệt độ phù hợp. Khi không có mặt, điều hòa thông minh có thể tự động tắt. Ngoài ra, sau khi có được thói quen sử dụng, chúng có thể tự động bật trước khi chúng ta vào phòng. Các thiết bị thông minh còn có thể liên kết với nhau để cùng điều chỉnh các thông số môi trường trong nhà. Điều này cũng đúng với những ngôi nhà sử dụng lò sưởi.
Rèm cửa thông minh
Mỗi khi nắng lên, nhiệt độ trong phòng cũng tăng theo. Một bộ rèm thông minh có thể tự động kéo vào để ngăn bức xạ Mặt trời đúng thời điểm. Do vậy, nhiệt độ phòng giảm xuống mà không cần thay đổi điều hòa nhiệt độ.
Một ví dụ khác là vào ban đêm, rèm cửa đóng giúp đảm bảo yếu tố an ninh hoặc đơn giản là tạo môi trường xem phim tối lãng mạn.
Quạt thông minh
Trong nhà thông minh, quạt trần cũng "thông minh hơn". Nó có thể được lập trình để bật theo thời gian định sẵn.
Quạt hỗ trợ điều hòa hoặc lò sưởi hoạt động hiệu quả hơn nhờ đảo gió trong phòng. Bằng cách kết hợp với quạt thông minh, năng lượng tiêu thụ của các thiết bị kể trên sẽ giảm xuống.
Loại bỏ rò rỉ năng lượng
Một số thiết bị vẫn tiêu thụ năng lượng dù được tắt. Khi các thiết bị này cắm điện, một số ở chế độ chờ và sử dụng năng lượng. Tuy lượng tiêu thụ thấp nhưng tổng hợp lại và kéo dài ngày sẽ gây ra rò rỉ năng lượng mà chúng ta không để ý. Nhà thông minh có thể sử dụng ổ cắm thông minh để loại bỏ chế độ cắm điện chờ.
Máy giặt thông minh, tủ lạnh thông minh và các thiết bị thông minh khác
Ngay cả tủ lạnh, máy giặt hay máy pha cà phê cũng trở nên thông minh hơn. Nếu chúng ta mở cửa tủ lạnh mà quên đóng, hệ thống sẽ cảnh báo hoặc nhắn vào điện thoại của chúng ta. Hoặc máy giặt bị lỗi, nó sẽ gửi thông báo để chúng ta sửa chữa kịp thời.
Trường hợp giá điện của chúng ta có sự chênh lệch theo giờ, các thiết bị sẽ được ưu tiên hoạt động khi giá điện ở mức thấp hơn.
Hệ thống an ninh, camera thông minh
Những hệ thống an ninh thông thường rất phổ biến nhưng chúng dễ bị lỗi báo động giả. Điều này gây ra phiền toái và sửa chữa tốn kém. Hệ thống an ninh thông minh sẽ có thể phân biệt báo động được kích hoạt bởi yếu tố nào. Từ đó loại bỏ báo động giả, giảm phiền toái, chi phí sửa chữa và năng lượng hao phí.
Có thể thấy, hầu như tất cả các thiết bị trong nhà thông minh đều "thông minh" hơn. Chúng không chỉ đơn thuần là hoạt động theo lịch trình mà còn có thể tương tác phối hợp với nhau, học thói quen sử dụng của chúng ta để đưa ra những hoạt động phù hợp. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng sống mà còn giảm thiểu tiêu hao năng lượng.
Tắt toàn bộ
Trong trường hợp vội ra khỏi nhà hoặc đi du lịch dài ngày, hệ thống quản lý nhà sẽ quét qua các thiết bị và đảm bảo tắt những chức năng không cần thiết. Thông tin mà hệ thống này thu thập có thể thông qua hệ thống an ninh, cảm biến đặc biệt hoặc cửa chính.
Tổng quan về giải pháp nhà thông minh - SmartHome tại Việt Nam
Từ năm 2017 đến nay đã có ít nhất 10 dự án triển khai theo mô hình nhà thông minh của các tập đoàn, công ty bất động sản như dự án Richstar (Tập đoàn Novaland), dự án Vinhomes (Tập đoàn Vingroup), dự án Saigon Intela (LDG Group)…
Cách đây không lâu, "vua" cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ cũng cho ra mắt khu nghỉ dưỡng liên hợp của mình cũng sử dụng các hệ thống thông minh. Nhà liên kế Tesla được cho là sử dụng hệ thống nhà thông minh thế hệ mới. Tuy nhiên, các tính năng cụ thể chưa được công bố.
Với nhà sản xuất nhà thông minh BKAV, theo xu hướng thị trường họ cũng cung cấp cả 2 loại sản phẩm. Một là loại tự động hóa, nghĩa là hoạt động theo chương trình đã được cài đặt sẵn. Loại thứ hai sử dụng công nghệ phần mềm hoạt động tương tự như trí tuệ nhân tạo, yếu tố thông minh được nâng cấp hơn.
Một số công ty lắp đặt lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dùng để đánh tráo khái niệm nhà thông minh giữa loại 2 và loại 1. Ngay cả các "Smart home" của Vingroup hoặc nhà Tesla cũng chỉ công bố tiêu chí nhà thông minh mà không có cụ thể tính năng để phân loại rõ ràng.