- ThS-BS Lý Minh Tùng, Khoa Phẫu thuật Tim - Mạch máu Bệnh viện Bình Dân TP HCM, trả lời: Theo mô tả của chị có thể là triệu chứng thường gặp ở những người bị suy tĩnh mạch. Suy tĩnh mạch xảy ra khi các van trong lòng tĩnh mạch không thể khép kín để đẩy hoàn toàn máu về tim, một lượng máu từ tĩnh mạch chảy ngược xuống dưới chân theo chiều trọng lực và ứ lại.
Suy tĩnh mạch rất thường gặp ở chân có thể điều trị nội khoa bằng cách mang vớ áp lực (Ảnh minh họa từ Internet)
Chính dòng trào ngược này làm tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch dưới, đồng thời kéo giãn thành tĩnh mạch làm nặng thêm tình trạng máu chảy ngược dòng. Hậu quả là dẫn tới tình trạng ứ máu ở chi dưới gây phù, nặng chân , vọp bẻ, tĩnh mạch giãn to, ngoằn ngoèo dưới da, viêm, loét da do loạn dưỡng. Đáng sợ nhất là nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu gây thuyên tắc phổi, có thể dẫn tới tử vong.
Suy tĩnh mạch rất thường gặp ở chân, xảy ra ở khoảng 10% - 35% người trưởng thành. Phụ nữ có nguy cơ bị suy tĩnh mạch cao hơn nam giới. Hầu hết người bệnh suy giãn tĩnh mạch thường chỉ đến bệnh viện khám khi gặp phải các cản trở trong sinh hoạt.
Tùy vào tình trạng suy giãn tĩnh mạch mà bác sĩ có hướng điều trị khác nhau cho người bệnh. Cụ thể: điều trị nội khoa (thay đổi thói quen sinh hoạt và công việc hằng ngày, dùng thuốc, mang vớ áp lực…); phẫu thuật (loại bỏ các búi tĩnh mạch đã bị giãn, sửa van, tạo hình tĩnh mạch qua da...); can thiệp nội mạch (sử dụng năng lượng để gây đông tắc vùng tĩnh mạch bị suy giãn bằng sóng cao tần (RFA), laser hay sử dụng keo dán để làm xơ hóa, teo tĩnh mạch suy giãn).