90% người dùng cáp quang tốc độ 200Mbps vào năm 2025
Theo thống kê của Bộ TT&TT, tính đến tháng 10, tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone đã đạt 88,7%; tỷ lệ hộ gia đình có Internet cáp quang băng rộng là 82,3%, tăng hơn 2% so với thời điểm tháng 2/2024. Những con số ấn tượng này cho thấy nỗ lực của Chính phủ và các doanh nghiệp trong việc mở rộng hạ tầng viễn thông, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trên toàn quốc, tạo tiền đề cho một Việt Nam kết nối và phát triển mạnh mẽ.
Có thể nói, đây là "trái ngọt" cho giai đoạn đầu của chiến lược Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 của Chính phủ. Theo đó, chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025 phổ cập cáp quang đến các hộ gia đình. Cùng với đó, 100% các tỉnh, thành phố, các khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung, trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp, nhà ga, cảng biển, sân bay quốc tế sẽ có dịch vụ di động 5G. Cũng theo định hướng, đến năm 2025 sẽ có 90% người sử dụng có thể truy nhập Internet cố định với tốc độ trung bình 200Mbps và đến năm 2030 là 100% người sử dụng có khả năng truy cập cáp quang với tốc độ 1Gb/s trở lên.
Từng bước thực hiện với tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ, chiến lược này sẽ mở ra không gian phát triển mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội bằng cách kết nối giữa phát triển số hóa và không gian vật lý truyền thống. Đồng thời, đây sẽ là tiền đề cho sự đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và củng cố vị thế quốc gia.
Viettel dẫn top đầu tốc độ truy cập Internet
Tiên phong thực hiện định hướng của Chính phủ, năm 2024, Viettel đã thực hiện những bước tiến quan trọng, trong đó nổi bật với "cú chốt" nâng cấp gói cước băng thông rộng lên thêm 50% không tăng giá cước vào tháng 10. Đây là lần thứ tư trong 5 năm qua Viettel thực hiện nâng cấp băng thông, mang lại nhiều lợi ích cho người dùng.
Cụ thể, các khách hàng sử dụng gói cước băng thông 80Mbps - 100Mbps sẽ được nâng lên 150Mbps, các gói 120Mbps - 180Mbps sẽ được tăng lên 1,5 lần. Với các khách hàng sử dụng băng thông từ 200Mbps trở lên, Viettel sẽ mở không giới hạn (lên tới 1Gbps) và cam kết tốc độ tối thiểu từ 300Mbps đến 400Mbps, tùy theo gói cước. Việc nâng cấp này được thực hiện tự động, khách hàng không cần phải khởi động lại thiết bị tại nhà.
Các gia đình có thể trải nghiệm công nghệ thực tế ảo (AR/VR) hiệu quả hơn nhờ nâng cấp băng thông. (Nguồn ảnh: Freepik)
Viettel nâng cấp băng thông không chỉ mang lại tốc độ truy cập internet cao hơn mà còn mở ra nhiều ứng dụng thiết thực trong đời sống của người dân. Với tốc độ nhanh và ổn định, các gia đình có thể tận hưởng trải nghiệm truyền hình 4K/8K mượt mà, sử dụng các dịch vụ giải trí trực tuyến, học tập và làm việc từ xa mà không bị gián đoạn. Các công nghệ thực tế ảo (AR/VR) và hệ thống nhà thông minh (IoT Smart Home) cũng hoạt động hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, sự cải thiện về băng thông còn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và người làm việc tự do tăng năng suất và đạt được hiệu quả cao công việc.
Đại diện Viettel Telecom chia sẻ: "Việc nâng cấp gói cước băng thông rộng lên 50% là một bước đi quan trọng, mang đến cho người dùng trải nghiệm công nghệ siêu nhanh và mượt mà. Trong tương lai, chúng tôi vẫn sẽ không ngừng thúc đẩy sự phát triển cộng đồng, tạo ra nền tảng công nghệ tiên tiến giúp mọi người dân tiếp cận những lợi ích từ chuyển đổi số một cách toàn diện và bền vững".
Việc nâng cấp băng rộng của Viettel sẽ đóng góp đáng kể vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. (Nguồn ảnh: Freepik)
Theo thống kê của Speedtest Intelligence, những nỗ lực nâng cấp cáp quang băng rộng của Viettel đã góp phần giúp thương hiệu duy trì vị thế dẫn top đầu về tốc độ internet tại Việt Nam, với tốc độ download đạt 153,7Mbps. Tính đến hết tháng 9/2024, tốc độ internet trung bình tại Việt Nam đã đạt 153,3Mbps, giúp quốc gia tăng 11 bậc và xếp hạng 32 trên thế giới.
Với bước ngoặt này, Viettel không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng mà còn góp phần vào việc thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển hạ tầng số, giúp Việt Nam tiến gần hơn đến việc trở thành một quốc gia số mạnh mẽ trong khu vực và trên thế giới.