Kỳ 4 trong series "Những khu vực nguy hiểm nhất hành tinh" gọi tên một "vật thể khổng lồ" nặng 465 tấn, vẫn hàng giờ, hàng ngày miệt mài quay quanh Trái Đất để thực hiện những sứ mệnh vũ trụ cao cả, vật thể đó chính là ISS - Trạm Vũ trụ Quốc tế đắt đỏ nhất trong lịch sử loài người.
#4: Trạm ISS và loạt "sát thủ vô hình" ngoài vũ trụ
Nếu bạn nghi ngờ sự nguy hiểm của Trạm Vũ trụ Quốc tế vì cho rằng khối sắt khổng lồ dài tương đương một sân bóng đá kiểu Mỹ này có thể chẳng bao giờ bị ảnh hưởng bởi các thảm họa như động đất, núi lửa hay nước biển dâng... thì bạn đã lầm!
Con người chúng ta sinh ra là để sống trên Trái Đất! Không phải môi trường phi trọng lực đầy khắc nghiệt ở ngoài không gian rộng lớn kia. Bởi thế, một khi đã đi ngược lại tự nhiên, chúng ta mặc nhiên phải chấp nhận mọi rủi ro về tính mạng.
Sẽ có những hiểm nguy gì đang chờ đón giới phi hành gia trên trạm ISS? Chúng ta hãy cùng lật mở vấn đề theo 3 phần: Xây dựng ISS - Sứ mệnh ISS - "Sát thủ vô hình" trên ISS:
1. Cơ duyên "trời cho" của dự án xây dựng ISS
5 năm trước khi Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô kết thúc, vào năm 1984, Tổng thống Mỹ thời bấy giờ là Ronald Reagan (1911 - 2004) thông báo kế hoạch xây dựng trạm vũ trụ dưới sự chuẩn bị kỹ càng của NASA.
Dự án nằm trong cuộc chạy đua vào không gian của Mỹ với Liên Xô này nhanh chóng bị hủy bỏ với việc Liên Xô sụp đổ dẫn đến sự kết thúc của cuộc chiến không đổ máu từng kéo dài suốt 43 năm dài đằng đẵng.
Chiến tranh Lạnh kết thúc cũng là lúc Mỹ và Nga cùng ngồi vào bàn với nhau, đàm phán về sứ mệnh nghiên cứu vũ trụ to lớn trong lịch sử loài người: Xây dựng một trạm vũ trụ quốc tế.
2. Sứ mệnh "100 tỷ đô" của ISS
Với mức đầu tư lên đến 100 tỷ USD, ISS chính thức được xem là vệ tinh nhân tạo bay quanh Trái Đất đắt đỏ nhất trong lịch sử nhân loại. Tất nhiên, không có sự đầu tư tốn kém và dài hơi nào mà không có những mong muốn, tham vọng liên quan đến khám phá vũ trụ của con người.
Cụ thể...
Sứ mệnh ngắn hạn của ISS là thực hiện các thí nghiệm liên quan đến sinh học (gồm nghiên cứu y sinh và công nghệ sinh học), vật lý (gồm vật lý chất lỏng trong môi trường vi trọng lực, khoa học vật liệu, và cơ học lượng tử), thiên văn học (bao gồm vũ trụ học), và khí tượng học, nhằm giải quyết các "bài toán" liên quan đến tác động lâu dài của môi trường không trọng lực ngoài không gian lên cơ thể con người, từ đó tạo cơ sở dữ liệu phục vụ cuộc sống của con người trong không gian hoặc du lịch vũ trụ trong tương lai không xa.
Sứ mệnh dài hạn của ISS là sử dụng các cơ sở dữ liệu nghiên cứu được để phát triển công nghệ vũ trụ để xây dựng căn cứ trong không gian, hỗ trợ sự sống kéo dài của con người ở môi trường ngoài Trái Đất, thám hiểm các hành tinh khác để tìm những "ngôi nhà mới".
Gần 18 năm kể từ khi ISS tiếp nhận phi hành đoàn đầu tiên của nó (vào tháng 11/2000), rất nhiều cuộc thí nghiệm đã diễn ra nhằm lý giải những nghi vấn, giả thiết của con người về vật lý, sinh học, thiên văn học...
Trong khuôn khổ bài viết bàn đến tính chất nguy hiểm của ISS đến từ yếu tố khách quan và chủ quan tác động lên con người sinh sống và làm việc tại đây.
Đối với mỗi phi hành gia, làm việc trên ISS là vinh dự to lớn mà không phải ai cũng hội đủ tài năng, sức khỏe và sự kiên nhẫn để thực hiện những sứ mệnh vũ trụ to lớn đó. Tuy nhiên, khi có đủ những điều kiện "hơn người" ấy để được đặt chân lên ISS thì đó cũng là lúc họ đương nhiên chấp nhận mọi rủi ro về sức khỏe và tính mạng để sống trong môi trường vô cùng "khác người" đó.
3. ISS - Nơi hội tụ những chiến binh quả cảm nhất vũ trụ
BBC đã có bài viết rất hay về những "sát thủ vô hình" tồn tại khi con người sống bên ngoài vũ trụ một thời gian dài (bao gồm việc làm việc trên ISS và du lịch vũ trụ dài ngày trong tương lai...). Hãy xem, giới phi hành gia đối mặt với mối nguy hiểm đáng sợ gì?
Một - Nhiệt độ khắc nghiệt khủng khiếp
Chưa tính đến tác hại khủng khiếp của Mặt trời và các tia bức xạ trong vũ trụ lên cơ thể con người, chỉ riêng vùng không gian trong quỹ đạo Trái Đất đã vô cùng khắc nghiệt: Nhiệt độ thấp nhất mà các phi hành gia phải chịu có thể xuống -129 độ C, trong khi, nhiệt độ cao nhất lên đến 121 độ C.
Cơ thể người vốn được "thiết kế" để sống ở môi trường hài hòa trên Trái Đất giờ phải chịu mức nhiệt chênh lệch quá lớn này sẽ phải chống chịu ra sao?
Trí tuệ con người vốn vượt xa so với những gì ta nghĩ, việc ra đời bộ đồ phi hành gia (Spacesuits) là một minh chứng. Với 4 phần cấu thành nên bộ đồ nặng gần 130kg lần lượt thực hiện các chức năng di chuyển dễ dàng, bảo vệ cơ thể, liên lạc... Spacesuits chính là "tấm khiên" hữu dụng cho các nhà du hành vũ trụ.
Những phần cấu thành nên bộ đồ phi hành gia (thiếu phần thân dưới), bao gồm (từ trên xuống): Mũ bảo hiểm, Phần thân trên, Cánh tay - Găng tay, Phần thân dưới. Ảnh: BBC
Hai - Cuộc sống không có trọng lực
Bộ đồ phi hành gia có thể bảo vệ các nhà du hành từ những tác động trực tiếp từ bên ngoài, tuy nhiên, khi sống ở môi trường không trọng lực, những nguy hiểm sẽ tác động "ngấm dần" lên chính hệ xương và hệ cơ của con người.
Có thể ban đầu việc bạn thấy mình nhẹ bẫng trong môi trường không trọng lực quả rất thú vị, tuy nhiên, khi phải ăn-ngủ-nghỉ-làm việc hàng tháng trời ròng rã thì đó là lúc bên trong cơ thể con người có những biến đổi trái tự nhiên.
- Nhiễm bức xạ vũ trụ nặng nề:
Càng sống xa Trái Đất bao nhiêu thì cơ thể người phải chịu tỷ lệ nhiễm bức xạ nguy hiểm từ các tia năng lượng trong vũ trụ và hạt năng lượng từ Mặt trời càng cao bấy nhiêu. So với người bình thường, các phi hành gia có nguy cơ nhiễm bức xạ vũ trụ cao gấp 83,3 lần (chi tiết xem đồ họa).
Bức xạ vũ trụ có thể tác động và tàn phá đáng kể lên hệ tim mạch (cụ thể là làm rối loạn chức năng của tế bào nội mô mạch), phá hỏng ADN, tăng nguy cơ ung thư cao...
Xem đồ họa: Bảng đo mức độ nhiễm bức xạ (lần lượt từ trên xuống, theo mức độ nhiễm tăng dần): Trái Đất - Nhà máy điện nguyên tử - Trạm Vũ trụ Quốc tế - Tàu vũ trụ liên hành tinh.
*mSv: Là đơn vị đo lượng nhiễm bức xạ
**100mSv: Từ mức nhiễm bức xạ này trở lên, nguy cơ mắc ung thư rất cao
Đồ họa: BBC
- Tàn phá quá trình lưu thông máu:
Hệ thống tim mạch của con người được "thiết kế" để bơm máu liên tục khắp cơ thể người, thông thường máu di chuyển xuống phía chân. Nhưng khi ở ngoài vũ trụ, máu di chuyển ngược lên ngực và đầu khiến cho các phi hành gia bị tăng huyết áp và sưng húp mặt.
- Gây "biến dạng" cơ bắp:
Trong môi trường phi trọng lực, cơ thể con người dù có mặc bộ đồ bảo hộ nặng hơn 100kg vẫn cảm thấy nhẹ bẫng. Điều này đồng nghĩa với việc cơ bắp của các nhà du hành trở nên "nhàn rỗi". Việc này làm tăng nguy cơ viêm dây chằng, teo cơ và tích tụ chất béo.
- Tăng tỉ lệ loãng xương gây giòn và dễ gãy:
Việc thiếu trọng lực khiến cho các phi hành gia trông cao hơn 5cm do các đĩa đệm ở cột sống không bị sức ép của trọng lực nên giãn dần ra. Tuy nhiên, về lâu về dài, cơ thể sẽ mất dần canxi và phốt pho làm tăng nguy cơ loãng xương với tốc độ khoảng 1,5% một tháng và 10% trong 6 tháng. Loãng xương khiến cho xương của các phi hành gia giòn hơn và dễ gãy hơn khi trở về Trái Đất.
- Các bệnh khác:
Sống ở môi trường phi trọng lực dài ngày, các phi hành gia còn mắc các chứng rối loạn hệ thống miễn dịch, sỏi thận, bụi phổi, mất khả năng xác định phương hướng, khó ngủ, thính giác cũng như thị giác bị ảnh hưởng nặng nề.
Ba - "Tôi chưa bao giờ sống hối tiếc dù chỉ một giây!"
Đại tá Chris Hadfield là phi hành gia người Canada đầu tiên có được vinh dự đặt chân lên ISS làm việc. Tháng 3/2013, ông làm việc trên ISS với vai trò là chỉ huy của Expedition 35 (Sứ mệnh viễn chinh 35, là một sứ mệnh dài hạn (thứ 35) của ISS.
Phi hành gia người Canada Chris Hadfield. Ảnh: BBC
Với kinh nghiệm sống 166 ngày trong không gian (bao gồm cả sứ mệnh trên trạm ISS kéo dài 2 tháng), đại tá Chris Hadfield đã viết cuốn hồi ký "An Astronaut's Guide to Life on Earth" (tạm dịch: Sổ tay phi hành gia) kể về những tháng ngày đối mặt với rất nhiều nguy hiểm khi sống bên ngoài vũ trụ.
Với đại tá Chris Hadfield, từ khi đặt chân lên tàu vũ trụ, nguy cơ tàu phát nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, chỉ một sơ suất nhỏ thôi cũng có thể kết thúc mạng sống của một con người, hoặc chỉ một sai lầm nhỏ nhất cũng có thể khiến tất cả phi hành gia trên ISS mất mạng.
Sống bên ngoài không gian đồng nghĩa với những tháng ngày rèn luyện thể lực không ngừng, trau dồi kiến thức và kỹ năng không ngừng để giảm nguy cơ xấu nhất có thể xảy ra trên "khối vật thể khổng lồ" cách mặt đất 400km.
Ranh giới giữa sự sống và cái chết khi sống ngoài không gian chưa bao giờ mỏng manh đến thế, thế nhưng, với những khát khao chinh phục vũ trụ được hình thành và ấp ủ kể từ khi Chris Hadfield mới chỉ là cậu bé 9 tuổi đã giúp ông vượt qua tất cả và sống sót trở về Trái Đất, hoàn thành cuốn hồi ký để đời.
Không những thế, vũ trụ đã mang đến cho đại tá Chris Hadfield những khoảnh khắc tuyệt diệu: Những bản guitar được ông tấu lên cho đồng đội cùng nghe trong môi trường phi trọng lực, những thời khắc ngắm nhìn Trái Đất nhỏ bé để thấy được sự rộng lớn bất tận của vũ trụ... Tất cả khiến cho Chris Hadfield và rất nhiều thế hệ phi hành gia làm việc trên ISS chưa bao giờ sống hối tiếc dù chỉ một giây!
Họ - Những phi hành gia, đơn giản là những chiến binh quả cảm nhất trong vũ trụ!
Mời độc giả đọc thêm phần khác trong "Những khu vực nguy hiểm nhất hành tinh" - Click
Bài viết sử dụng các nguồn: NASA, Space, BBC