Tamaka Ogawa chỉ mới khoảng 10 tuổi khi em bị tấn công tình dục lần đầu tiên. Đó là một ngày nghỉ lễ và em đang đi tàu điện.
Một người đàn ông đứng sau em đã kéo váy của em xuống cùng với quần lót, sờ vào mông trần của em, rồi sau đó ấn người hắn vào em.
Lúc đó cô bé cảm thấy sốc và kinh tởm. Em về nhà, gột rửa chỗ mà người đàn ông đã đụng vào mình: em cố gắng không làm việc đó quá lâu để tránh sự nghi ngờ của gia đình.
Vài năm sau đó, trong ngày đầu tiên đi học cấp 3, em bị sờ soạng và quấy rối trên đường về nhà. Kể từ sau đó, sự việc này xảy ra thường xuyên mỗi khi em mặc đồng phục đi học. Mỗi lần như thế, em lại bỏ chạy và không biết phải làm gì.
"Khi đó tôi nghĩ rằng mình chỉ là một đứa trẻ", Ogawa – bây giờ đã là một người phụ nữ 36 tuổi – kể lại. "Tôi không hiểu được tại sao người lớn lại thích thú với việc đụng chạm vào mình đến vậy."
Theo Ogawa, quấy rối tình dục là hiện tượng xảy ra phổ biến trên những phương tiện công cộng tại Nhật Bản
Cô bé Ogawa khi đó nghĩ rằng tỏ vẻ giận dữ là điều bất kính với người lớn và cô sợ sẽ thu hút sự chú ý của mọi người.
Ngoài ra, cha mẹ không hề nói gì với cô về vấn đề này và hướng dẫn cách xử lý tình huống như thế nào.
Cô kể lại một sự việc mà cô còn nhớ rất rõ ràng. Khi đó Ogawa khoảng 15 tuổi và đang đi đến trường. Một người đàn ông sờ soạng, đưa tay vào bên trong quần lót cô bé, khiến cô cảm thấy rất đau.
Khi tàu dừng lại, cô đi xuống, nhưng người đàn ông nắm lấy tay cô và nói: "Đi theo anh nào." Ogawa bỏ chạy. Cô tin rằng những người trên tàu thấy, nhưng chẳng ai giúp gì cả.
Ogawa nói rằng khi đó cô cảm thấy xấu hổ, cứ như thể mình là đồng phạm vậy.
"Anh ta có vẻ đã nghĩ rằng tôi cảm thấy thích thú với việc đó… Hồi còn học cấp 3, mỗi bạn nữ trong trường đều là nạn nhân." Ogawa chia sẻ. "Lúc đó những cô bé mười mấy tuổi không nghĩ rằng mình có thể làm gì được cả."
Hiện giờ, Ogawa đã là một nhà văn kiêm nhà sáng lập của Press Labo, một tạp chí điện tử nhỏ ở Shimokitazawa, nội đô Tokyo, và chuyên viết các bài báo về tình trạng mất cân bằng giới tính ở Nhật cũng như các vấn đề liên quan đến tấn công, quấy rối tình dục.
Vào năm 2015, cô bắt đầu viết về vấn đề đã tồn tại vô cùng lâu ở Nhật: sờ soạng vùng nhạy cảm, tiếng Nhật gọi là "chikan", mà các nữ sinh thường xuyên gặp phải trên các phương tiện công cộng.
Rất nhiều nạn nhân đã chọn cách im lặng, không biết phải nói thế nào về trải nghiệm của mình vì trong xã hội này, do nhiều yếu tố khác nhau, việc này thường bị coi là một vấn đề vặt vãnh.
Nhưng trong hai năm qua, điều đó đã bắt đầu thay đổi khi ngày càng có nhiều người cất lên tiếng nói của mình.
Những người dám hành động
Yayoi Matsunaga là một trong những người cất lên tiếng nói đó.
Vào một buổi sáng cuối tháng Một, người phụ nữ 51 tuổi này đến quán cà phê ở khu phố Shibuya nhộn nhịp với một hành lý đầy huy hiệu.
Những chiếc huy hiệu hình tròn, được thiết kế để xua đuổi những kẻ tấn công tình dục, có in những hình ảnh như là hình một nữ sinh đang nhìn rất giận dữ từ giữa hai chân cô ấy, hay là một đám thỏ nét mặt nghiêm trang với dòng chữ bên cạnh: "Tấn công tình dục là tội ác" và "Đừng làm vậy".
Mỗi huy hiệu đều có đi kèm với một giấy hướng dẫn nói rằng người đeo nên đeo ngay trên cặp, đứng với vẻ tự tin và luôn quan sát chung quanh.
Matsunaga khởi xướng tổ chức Trung Tâm Phòng Chống Hoạt Động Tấn Công Tình Dục của mình tại Osaka vào năm 2015 sau khi người bạn của bà có một cô con gái thường xuyên bị sờ soạng khi đi tàu đến trường.
Yayoi Matsunaga - ngườ khởi xướng Trung Tâm Phòng Chống Hoạt Động Tấn Công Tình Dục, Osaka, Nhật Bản.
Takako Tonooka, tên giả mà cô con gái kia dùng khi phỏng vấn với Thời Báo Nhật Bản, đã chia sẻ vấn đề này với mẹ cô và họ đã cố gắng dùng mọi cách để chấm dứt vấn nạn này. Họ mua một món đồ chơi sẽ phát ra câu nói: "Đừng làm thế" khi nó bị kéo.
Họ nói chuyện với cảnh sát và lực lượng quản lý đường sắt, và những người này nói rằng họ sẽ hành động nếu cô lại bị tấn công bởi cùng một đối tượng. Tonooka thậm chí còn mặc váy ngắn hơn thường lệ nhưng cô lại thấy rằng cô bị quấy rối ít hơn.
Matsunaga nói rằng ở trên tàu có dán các poster khuyến khích những nạn nhân hãy dũng cảm và cất tiếng nói.
Tonooka bắt đầu tập nói "Dừng lại" và "Không" ở nhà. Cô bắt đầu đối mặt với những kẻ tấn công, những kẻ chối rằng họ chẳng hề đụng chạm cô một cách giận dữ. Những người xung quanh nhìn mà không giúp gì.
Cuối cùng thì cô và mẹ cô in dòng chữ "Xâm hại tình dục là một tội ác. Tôi không để yên đâu" đi kèm với hình ảnh một cảnh sát bắt lấy kẻ tấn công dán trên cặp. Giải pháp đó rất hiệu quả.
Nhưng dòng chữ đó khiến Tonooka cảm thấy ngại ngùng. Matsunaga nói rằng những đứa con trai sẽ chọc ghẹo cô bé.
Matsuanaga quyết định là Tonooka không thể chỉ chiến đấu một mình, do đó bà đã nghĩ ra ý tưởng gây quỹ cộng đồng để chế ra các huy hiệu chống xâm hại tình dục.
Vào tháng 11 năm 2015 cô bắt đầu chiến dịch gây quỹ và thu hút được 334 người quyên góp với tổng số tiền là 2.12 triệu yen (khoảng US$19000). Sau đó cô tổ chức một cuộc thi thiết kế huy hiệu.
Học sinh cấp ba, học sinh trường mỹ thuật và các tay thiết kế freelancer đã nộp tổng cộng 441 bản thiết kế và Matsuanaga chọn ra năm mẫu trong số đó.
Nhiều người trong tham gia cuộc thi nói với cô rằng đó là lần đầu tiên họ nghĩ về vấn đề này.
Tổ chức của cô phát miễn phí 500 huy hiệu và ba đồn cảnh sát cũng tham gia phát thêm. Cô bán chúng online, mỗi cái khoảng 410 yen ($3.70).
Từ tháng Ba, 11 cửa hàng sẽ bắt đầu bán những huy hiệu này và cô đang lên kế hoạch thu hút thêm các cửa hàng ở gần trạm tàu tham gia vào.
Ngoài việc phổ biến các huy hiệu này, Matsunaga cũng muốn những kẻ tấn công nhìn thấy chúng và nghĩ rằng: "Thế giới này thay đổi rồi, một vài người đã lên tiếng về vấn đề này."
Bằng cách thu hút sự tham gia của học sinh, Matsunaga tin rằng cô đang khuyến khích người trẻ cất tiếng nói về vấn đề này.
Những chiếc huy hiệu có tác động ngay tức thời. Dữ liệu thu được từ 70 học sinh ở một trường cấp 3 ở Saitama, phía bắc Tokyo, từ giữa tháng Tư đến tháng 12 năm 2016 cho thấy rằng 61.4 phần trăm số người được hỏi nói rằng họ không còn bị đụng chạm từ lúc đeo huy hiệu, trong khi chỉ 4.3 phần trăm nói rằng chẳng có thay đổi gì cả.
Những huy hiệu chống quấy rối với thông điệp mạnh mẽ
Cảnh sát ở trạm tàu cũng bắt đầu tổ chức các buổi giáo dục để nâng cao ý thức cho học sinh cấp ba nhằm giúp họ thấy thoải mái hơn khi nói về vấn đề này, Matsunaga nói.
Đối với Ogawa, những chiếc huy hiệu là một thứ quan trọng vì nó tránh nói trực tiếp rằng người đeo là nạn nhân đồng thời ngăn chặn những kẻ muốn tấn công, và nó cũng tạo ra các cuộc bàn luận.
"Bạn cần có sự dũng cảm để đeo những chiếc huy hiệu này," cô nói. "Chúng trông dễ thương nhưng gửi đi một thông điệp vô cùng mạnh mẽ."
Xã hội Nhật Bản hiểu thế nào về "tấn công tình dục"?
Mặc cho những hoạt động tích cực nói trên bắt đầu nhen nhóm, các chuyên gia nói rằng xã hội Nhật Bản vẫn còn né tránh hoặc không nhận ra được sự phổ biến của vấn nạn những cô gái bị tấn công thường xuyên.
Hiroko Goto, một nhà hoạt động nữ quyền, giáo sư về luật hình sự ở Đại học Chiba và đồng thời là phó chủ tịch của Tổ chức Phi Chính Phủ Nhân Quyền ở Nhật Bản, tin rằng nhiều người không coi việc sàm sỡ là một tội phạm.
"Đối với xã hội này, đó không phải là vấn đề lớn, đó là tiêu chuẩn kép giữa góc nhìn của nạn nhân và góc nhìn của xã hội."
Theo Ogawa thì xã hội coi rằng việc nữ sinh bị sàm sỡ là chuyện bình thường.
Không có con số chính xác về số lượng nạn nhân, chỉ có một số ít dám báo cho cảnh sát về vấn đề này.
Một vấn đề chính là khi nhắc đến "sàm sỡ" thì mỗi người lại có một suy nghĩ khác nhau về hành động này. Cụm từ này không miêu tả chính xác những hành vi xấu xa thực sự xảy ra.
Suy nghĩ phổ biến của mọi người về "sàm sỡ" là việc đụng chạm quần áo mà không được sự đồng ý của người bị đụng chạm, và điều này chỉ được coi là tội nhỏ và chỉ bị phạt theo luật Chống Phiền Toái.
Theo đạo luật này, hình phạt có thể là sáu tháng tù hoặc phạt tiền 500,000 yen ($4500).
"Tôi nghe nhiều bạn nữ kể rằng họ cảm thấy tay của những kẻ đàn ông thò vào dưới váy họ, và ngón tay của chúng đi vào trong âm đạo," Matsunaga nói. "Đó là hiếp dâm."
Các cảnh sát thường là người quyết định về độ nghiêm trọng của sự việc, và nếu sự việc diễn ra bao gồm cả việc tấn công vào trong âm đạo, thì vấn đề sẽ bị xử theo Đạo luật 176 của luật hình sự, tức kẻ tấn công có thể bị tù tối đa 10 năm.
Nhưng chỉ có rất ít sự việc được báo cáo được xử theo luật này.
Theo Đạo luật 177, vốn chuyên xử vấn đề về hiếp dâm và có hình phạt nặng hơn, thì định nghĩa hiếp dâm của nó rất là hẹp và chỉ coi rằng hiếp dâm chỉ xảy ra nếu có hành vi giao cấu bộ phận sinh dục của kẻ tấn công.
Theo Ogawa thì các vấn đề liên quan đến "sàm sỡ" hay "xâm hại tình dục" thường bị xã hội coi nhẹ, coi đó như là một sự "phiền toái".
Chỉ đến khi cô bắt đầu viết về những hành vi tội ác này thì cô mới nhận ra là những gì cô trải qua là tấn công tình dục, cô chia sẻ. "Điều gây sốc nhất với tôi là tôi không ngờ rằng tôi đang bị tấn công tình dục," Ogawa nói.
Xã hội Nhật Bản chỉ tập trung vào việc hướng dẫn người phụ nữ phải cẩn trọng trong cách ăn mặc cũng như khuyên họ nên ngồi vào toa tàu dành cho phụ nữ, Ogawa nói. "Họ liên tục nhắc nhở người phụ nữ cách bảo vệ bản thân, phải cẩn trọng… nhưng không ai đưa ra lời khuyên gì với đàn ông."
Nữ sinh - "con mồi" của những kẻ tấn công?
Việc coi nữ sinh là phương tiện để thỏa mãn nhu cầu tình dục còn được mở rộng ra tận các quán bar trong những khu đèn đỏ tới những quán cà phê JK (viết tắt của Joshi Kosei – nữ sinh trung học), nơi những người đàn ông đến trả tiền để được trò chuyện với các thiếu nữ, coi bói hay là để được ngoáy tai.
Truyện manga khiêu dâm vẽ hình nữ sinh cũng rất phổ biến và dễ tìm.
Chỉ đến năm 2014 thì Nhật Bản mới hình sự hóa việc tàng trữ tư liệu ấu dâm.
Giữa những nhà hàng trong bán kính hẹp quanh trạm tàu Ikebukuro là một loạt các quán café JK.
Một biểu hiệu ngoài quán có hình trang trí một chiếc bánh kẹp dễ thương màu hồng đính kèm với danh sách một loạt dịch vụ có trong quán, đầu dòng mỗi dịch vụ là một trái tim màu xanh.
Có những quán bar chỉ dành cho đàn ông, nơi họ có thể trả khoảng $200 đô mỗi giờ để được sàm sỡ những nữ phục vụ trong đó.
Một cô gái trong trang phục nữ sinh đang chào mời khách vào quán cafe JK
Một người đàn ông 38 tuổi giấu tên giải thích rằng ông hay đến những quán bar này ở Ikebukuro, trả khoảng 15000 yen ($133) cho mỗi lần, bao gồm một quán ba trông như là một toa tàu.
Khách hàng có thể chọn loại phụ nữ mà họ sàm sỡ, thường là chọn giữa một cô gái trong đồng phục nữ sinh hoặc một nhân viên văn phòng. Ông nói là ông tin rằng những nữ phục vụ trong đó đều trên 18 tuổi.
"Đàn ông Nhật Bản thích cái gì đó đáng yêu, thuần khiết, trẻ trung; đó là những gì hấp dẫn họ," ông nói.
"Tôi chỉ muốn đến đó để giải khuây," ông nói thêm. Theo ý ông thì các quán bar như thế này có thể hạn chế sự sàm sỡ nơi công cộng.
Một người trao đổi với chúng tôi dưới tên giả, Akira Wada, nói rằng ông đến các quán bar này là vì tò mò và chưa sàm sỡ ai ở nơi công cộng.
Quán bar đầu tiên ông đến là một quán theo chủ đề trường trung học và mặc dù người đàn ông 35 tuổi nói rằng ông không hứng thú với đồng phục, ông nói ông thích phụ nữ trẻ.
Các bữa ăn tối của công ty ông đôi lúc kết thúc tại các quán bar này.
Ông ấy rất lo ngại với khả năng bị vu khống về việc sàm sỡ nơi công cộng, và nói rằng bản thân luôn cẩn trọng trong việc chọn chỗ ngồi trên tàu.
Ông lo rằng đôi lúc chiếc cặp của ông sẽ vô tình rơi vào một cô gái và ông sẽ bị coi như một kẻ sàm sỡ. "Trên một chuyến tàu đông đúc, ai cũng có thể là nạn nhân và cũng là kẻ sàm sỡ," ông nói.
Matsunaga lo lắng rằng các quán bar sẽ khuyến khích mọi người làm điều tương tự nơi công cộng.
"Tôi chỉ mong các quán bar sẽ có thông điệp rõ ràng rằng: "Đây là những thứ bạn không thể làm bên ngoài"," Ogawa nói.
Sàm sỡ và hiếp dâm là hai thể loại phổ biến trong phim khiêu dâm ở Nhật Bản, Ogawa cho biết, và kể thêm rằng nếu cô cất lên tiếng nói chống lại sàm sỡ và hiếp dâm, sẽ có bình luận nói rằng cô không hiểu về tình dục.
"Mọi người hay bị lẫn các khái niệm này với nhau" cô khẳng định.
Ogawa cho rằng khi phụ nữ nói về tình dục ở Nhật, thường họ sẽ thu hút sự chú ý từ những kẻ biến thái hoặc những người chống lại tình dục.
Trong suốt 30 năm qua, cô liên tục phải giải thích rằng tình dục và tấn công tình dục là hai thứ hoàn toàn khác nhau.
(Còn tiếp)