Hai quả bom vào tháng 8.1945 khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng cũng như phá hủy hầu hết công trình kiến trúc tại Hiroshima và Nagasaki. Hậu quả do vụ thả bom đem lại vẫn còn kéo dài.
Ông Junji Maki, nạn nhân sống sót ở Hiroshima nay đã 88 tuổi, nhận xét: “Dù yêu cầu CHDCND triều Tiên phi hạt nhân hóa, nhưng chính Mỹ đang chống lại việc hướng đến giải trừ hạt nhân”.
“Quyết định rút khỏi INF rất đáng lo. Một quốc gia sở hữu hạt nhân nên tuân thủ kỷ luật và nỗ lực giải trừ loại vũ khí này. Tôi tin vào sức mạnh của những người có ý thức tại Mỹ”, ông Maki chia sẻ.
Còn theo bà Kunihiko Sakuma, cư dân Nagasaki 74 tuổi: “Hiệp ước đáng ra phải được duy trì. Tôi sợ rằng quyết định rút khỏi không chỉ ảnh hưởng đến Mỹ - Nga mà còn thúc đẩy các cường quốc hạt nhân khác phát triển vũ khí hạt nhân. Đây là một hành động không thể tha thứ, đi ngược lại sự thúc đẩy giải trừ hạt nhân trên quốc tế”.
Bà Sakuma cũng kêu gọi: “Với tư cách là quốc gia duy nhất từng hứng chịu một cuộc tấn công hạt nhân, chính phủ Nhật nên đưa ra lời phản đối nghiêm túc và cảnh báo về nỗi khốn khổ mà loại vũ khí hủy diệt này mang lại”.
Với nội dung cấm Nga - Mỹ tham gia xử lý, sản xuất hoặc tiến hành phóng thử các loại tên lửa mang được đầu đạn hạt nhân có tầm bắn từ 500 - 5.500km phóng từ mặt đất, INF được đánh giá giúp xoa dịu cuộc chạy đua vũ trang thời Chiến tranh Lạnh cũng như giảm đáng kể nguy cơ chiến tranh hạt nhân tại châu Âu.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump đánh giá INF “trói tay” Mỹ, đặt nước này vào thế bất lợi khi Nga lẫn Trung Quốc phát triển ngày càng nhiều loại tên lửa tiên tiến.
Washington ngày 1.2 tuyên bố ngừng tuân thủ hiệp ước, bắt đầu quá trình rút khỏi trong 180 ngày tới với lý do phản ứng với việc Moscow liên tục vi phạm.