Nạn hôi của, nguy cơ IS trỗi dậy bủa vây Thổ Nhĩ Kỳ, Syria sau động đất

Hà Linh |

Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang nỗ lực từng ngày để tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, khắc phục hậu quả trận động đất nghiêm trọng hôm 6/2 thì mối nguy hại an ninh cũng bắt đấu bủa vây với tình trạng cướp bóc và tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhăm nhe trỗi dậy.

Nhức nhối nạn "hôi của" sau động đất

Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết thông tin về nạn “hôi của” tại các cửa hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện không lâu sau khi trận động đất xảy ra tàn phá nặng nề khu cực Đông Nam nước này.

Trên mạng xã hội xuất hiện video cho thấy những người bán hàng giận dữ đuổi theo một nam giới nghi ngờ là ăn trộm tại thành phố miền Nam Antakya (video dưới, nguồn: AFP) .

Những kẻ “hôi của” này không chỉ lấy đi vật dụng cần thiết mà còn nhắm đến những mặt hàng có giá trị. Một chủ cửa hàng địa phương có tên Nizamettin Bilmez chia sẻ: “Có một cửa hàng điện thoại gần đây đã bị cướp sạch điện thoại. Siêu thị là ổn. Nếu có người đến lấy tã lót, đồ ăn thức uống thì đó là chuyện bình thường vì một đến hai ngày rồi vẫn chưa có người giúp đỡ. Mọi người có thể đến đó mà không gặp vấn đề gì. Nhưng có nhiều người khá kỳ lạ, họ đến đó để lấy cả nồi, máy pha cà phê”.

Anh Mehmet Bok (26 tuổi) tại Antakya kể lại: “Nhiều người đã phá cửa sổ và hàng rào của các cửa hiệu, ô tô”. Trong khi đó, cảnh sát và quân đội đã hiện diện nhiều tại Antakya để chỉ đạo giao thông, giúp đỡ lực lượng cứu hộ và phân phát thực phẩm.

Một người cứu hộ khác, cô Gizem đến từ tỉnh Sanliurfa phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ với Reuters rằng cô cũng đã nhìn thấy những kẻ cướp bóc trong 4 ngày cô ở Antakya. "Chúng tôi không thể can thiệp nhiều vì hầu hết những kẻ cướp bóc đều mang theo dao. Hôm nay họ bắt được một tên cướp, mọi người đuổi theo hắn". Cô bộc bạch: "Chúng tôi không thể cầm được nước mắt. Nếu mọi người không chết ở đây dưới đống đổ nát, họ sẽ chết vì chấn thương, nếu không họ sẽ chết vì nhiễm trùng. Ở đây không có nhà vệ sinh. Đó là một vấn đề lớn. Thi thể nằm la liệt khắp các con đường, chỉ có những tấm chăn đắp lên trên".

Theo truyền thông nhà nước, lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ ít nhất 98 nghi phạm cướp bóc vào hôm 11/2, thu giữ hơn 10.000 euro cũng như nhiều mặt hàng tiêu dùng.

IS lợi dụng tình cảnh khó khăn

Nạn hôi của, nguy cơ IS trỗi dậy bủa vây Thổ Nhĩ Kỳ, Syria sau động đất - Ảnh 1.

Khu lều tạm dành cho những người dân bị mất nhà cửa sau trận động đất tại Idlib, Syria, ngày 11/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Các tù nhân tại một nhà tù ở phía Tây Bắc Syria đã gây náo loạn sau trận động đất. Một nguồn tin địa phương cho biết có 20 tù nhân đã trốn thoát. Nhà tù này giam giữ 2.000 tù nhân, trong đó có 1.300 người được cho là thành viên của IS. Cơ sở này nằm ở thị trấn Rajo của Syria, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khoảng khoảng 5 km và cách Aleppo 65 km.

Hãng thông tấn AFP (Pháp) dẫn lời một quan chức tại nhà tù Rajo cho biết: “Sau khi trận động đất xảy ra, Rajo bị ảnh hưởng và các tù nhân bắt đầu nổi loạn, giành quyền kiểm soát các khu vực của nhà tù. Khoảng 20 tù nhân đã chạy trốn… những người này được cho là thành viên IS”. Quan chức này cũng nói với AFP rằng trận động đất đã gây ra thiệt hại cho nhà tù, làm nứt tường và cửa.

Tờ Jerusalem Post (Israel) nhận định rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ tập trung vào phản ứng liên quan đến động đất có thể tạo sơ hở khiến các nhóm khủng bố từ Syria xâm nhập qua biên giới. Giáo sư Hamoon Khelghat-Doost tại Đại học Lincoln (Anh) phân tích: “Mọi nguồn lực của Thổ Nhĩ Kỳ đều được điều động để xử lý những vấn đề liên quan đến động đất. Các tổ chức cực đoan không bỏ lỡ thời điểm này. Những sự kiện tập trung sự chú ý của quốc gia, ví dụ như thảm họa thiên nhiên, gây lơ là an ninh biên giới luôn được các nhóm cực đoan như IS săn đón”.

Giáo sư Khelghat-Doost nhấn mạnh rằng IS từng lợi dụng điều tương tự là dịch COVID-19 như một cơ hội để tái tổ chức và tích lũy sức mạnh. Ông ước tính rằng hàng nghìn người Syria đã thiệt mạng và hàng nghìn người khác đã mất nhà cửa, điều này có thể dẫn đến một dòng người tị nạn Syria mới vượt biên sang Thổ Nhĩ Kỳ để tìm kiếm nơi trú ẩn và hỗ trợ. Giáo sư Khelghat-Doost cảnh báo: “Thành viên của các tổ chức khủng bố thường lợi dụng bi kịch nhân đạo để vượt biên sang Thổ Nhĩ Kỳ. Có nỗi sợ rằng lịch sử sẽ lặp lại trong những ngày tới”.

Ông nhận định: “Hàng nghìn phần tử cực đoan đang sống dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và háo hức theo dõi các diễn biến để tìm đường vào Thổ Nhĩ Kỳ hoặc tiến hành các cuộc tấn công dọc biên giới. Biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài hơn 800 km”.

Nạn hôi của, nguy cơ IS trỗi dậy bủa vây Thổ Nhĩ Kỳ, Syria sau động đất - Ảnh 2.

Người dân bị mất nhà cửa sau trận động đất tại Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 11/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, theo quan chức Syria, tất cả các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang được huy động để khắc phục hậu quả của thảm họa động đất nên có khả năng lơ là công tác bảo đảm an ninh. Đây là cơ hội để các phần tử IS thâm nhập vào Thổ Nhĩ Kỳ thông qua những dòng người là nạn nhân của trận động đất, vốn đang tìm cách vượt biên vào nước này để tìm kiếm sự trợ giúp về nhân đạo.

“Chính sách biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi trong những năm qua. Để đối phó với cuộc nội chiến ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập chính sách biên giới mở, cho phép người tị nạn Syria đến Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ngay sau khi bắt đầu cuộc nội chiến vào năm 2011, khu vực Syria giáp Thổ Nhĩ Kỳ đã bị IS chiếm giữ, tạo ra mối đe dọa an ninh nghiêm trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ”, Giáo sư Khelghat-Doost bổ sung.

Để chống lại rủi ro từ các tổ chức khủng bố được vận hành bởi những kẻ cực đoan từ Syria tràn vào Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara đã tiến hành một số chiến dịch quân sự đảm bảo an ninh biên giới, trong đó có Chiến dịch Lá chắn Euphrates (2016-2017), Chiến dịch cành Olive (2018) và Chiến dịch Mùa Xuân Hòa bình (2019).

Rủi ro an ninh tạo rào cản cho cứu hộ

Nạn hôi của, nguy cơ IS trỗi dậy bủa vây Thổ Nhĩ Kỳ, Syria sau động đất - Ảnh 3.

Các tòa nhà bị phá hủy sau động đất tại Antakya, tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 9/2. Ảnh: THX/TTXVN

Tình trạng bất ổn về an ninh đã gây khó khăn cho công tác cứu nạn cứu hộ sau động đất. Hai tổ chức cứu trợ của Đức là Tổ chức Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc tế (ISAR) và Cơ quan Kỹ thuật Cứu viện Liên bang (THW) cùng quân đội Áo đã tạm ngừng hoạt động giải cứu tại khu vực vào hôm 11/2 với lý do về an ninh trong bối cảnh nhiều thông tin về đụng độ giữa các nhóm người và xảy ra cả nổ súng.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cùng ngày 11/2 nhấn mạnh chính phủ sẽ kiên quyết đối phó với những kẻ cướp phá và các hành vi tội phạm khác, đồng thời cho biết tình trạng khẩn cấp đã được ban bố.

ISAR và THW thông báo sẽ nối lại công việc ngay khi cơ quan bảo vệ người dân của Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng khu vực an toàn. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Áo Michael Bauer thông báo Lực lượng Cứu nạn thiên tai (AFDRU) đã nối lại công việc sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cam kết bảo vệ họ.

Thụy Sĩ cũng thông báo sẽ theo dõi sát sao tình hình an ninh tại Thổ Nhĩ Kỳ và bổ sung rằng nước này có các biện pháp bảo vệ 87 nhân viên cứu hộ cùng 8 chú của lực lượng tại tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, ngày 12/2, United Hatzalah - một tổ chức cứu trợ khẩn cấp của Israel - thông báo tạm ngừng hoạt động cứu hộ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và trở về nước. United Hatzalah đã cử hơn 20 nhân viên y tế tới Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia cứu trợ các nạn nhân của thảm họa động đất hôm 6/2. Đến ngày 12/2, nhóm này xác nhận đã sử dụng một chuyến bay khẩn cấp để đưa nhân viên trở về Israel do lo ngại nguy cơ an ninh.

Tuy nhiên, chiều 12/2, Bộ Ngoại giao Israel đã bác bỏ thông tin nói rằng nhóm United Hatzalah đã rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ về nước. Bộ trên cũng khẳng định Lực lượng Vũ trang Israel (IDF) vẫn đang ở lại Thổ Nhĩ Kỳ để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ trong khuôn khổ “Chiến dịch nhành Olive”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại