Nằm viện điều trị Covid-19, giảng viên ĐH Bách khoa sáng chế máy rửa tay, giá chỉ bằng 1/3 sản phẩm nhập ngoại

Thu Hường - Ảnh: NVCC |

Ts. Hàn Huy Dũng cùng với những người bạn của mình sẽ sản xuất máy rửa tay tự động với quy mô lớn, giúp Việt Nam phòng dịch hiệu quả trong bối cảnh lệnh cách ly đã được gỡ bỏ.

Những chiếc máy rửa tay này được thiết kế khá nhỏ gọn, sử dụng công nghệ cảm ứng tự động. Người dùng chỉ cần đưa tay vào, vòi phun sẽ lập tức nhả dung dịch sát khuẩn. Nhờ vậy, họ có thể tiết kiệm được thời gian, sử dụng lượng dung dịch sát khuẩn vừa đủ, không gây lãng phí và tránh tiếp xúc với bề mặt, hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2. 

Sáng kiến này do bộ 3 tiến sĩ: Hàn Huy Dũng (Phó Bộ môn Điện tử và Kỹ thuật máy tính, Viện Điện tử Viễn thông, ĐH Bách khoa Hà Nội); Dương Tuấn Hưng (Trưởng phòng Hoá môi trường, Viện Hoá học, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) và Nguyễn Hữu Phước Nguyên (Co-founder & CEO Selex Motors) cùng thực hiện.

Đi từ Anh về Việt Nam, không thấy nơi công cộng nào trang bị máy rửa tay

Tới nước Anh hồi đầu tháng 3, đúng vào lúc Chính phủ nơi đây vẫn còn đang theo đuổi chính sách miễn dịch cộng đồng, Ts. Dũng không khỏi choáng váng khi thấy cảnh người dân vô tư ra đường, tiếp xúc gần gũi với nhau mà không hề mang theo khẩu trang. 

Quan sát ở những quán ăn, tiệm café, công sở… đông đúc, anh nhận ra, mọi người vẫn duy trì lối sinh hoạt giống như khi chưa từng có dịch Covid-19 bùng phát. Chẳng điểm đến nào trang bị sẵn bình xịt sát khuẩn, nước rửa tay chỉ được đặt ở trong nhà vệ sinh. 

Dù cố gắng phòng vệ, nhưng sau chuyến đi tới Anh khoảng một tuần, trên chuyến bay về nước, anh Dũng đã có những biểu hiện đầu tiên của bệnh Covid-19.

"Mình bị đau lưng nhẹ nhưng chỉ nghĩ là bay đường dài nên mới vậy. Về tới Việt Nam thì được xét nghiệm, nhưng lúc này kết quả vẫn âm tính. Theo quy định của Chính phủ, mình phải cách ly tập trung 14 ngày. Mấy hôm sau thì phát bệnh nặng hơn và được các anh bộ đội chuyển thẳng tới bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh".

Nằm viện điều trị Covid-19, giảng viên ĐH Bách khoa sáng chế máy rửa tay, giá chỉ bằng 1/3 sản phẩm nhập ngoại - Ảnh 1.

Anh Dũng làm việc khi đang trong bệnh viện điều trị bệnh Covid-19.

Từ nước Anh trở về, đi qua sân bay, khu cách ly tập trung và ngay cả ở bệnh viện tuyến đầu chống Covid-19, anh Dũng nhận ra, không có một điểm đến nào được trang bị máy rửa tay tự động.

Khác với ở Anh, địa điểm công cộng ở Việt Nam hầu hết đều được trang bị nhiều bình xịt sát khuẩn. Nhưng theo anh, cách rửa tay này chưa đủ an toàn do người dùng vẫn phải chạm tay vào bình để lấy được dung dịch. Quá trình thao tác nếu không chuẩn, có thể còn tăng thêm nguy cơ nhiễm bệnh. Đặc biệt, những người lao công sẽ rủi ro hơn khi phải thay thế những chiếc bình hết dung dịch, đã từng được hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người chạm tay vào.

Ở trong bệnh viện cách ly điều trị Covid-19, anh Dũng hiểu rất rõ những tổn thất mà căn bệnh này gây ra, đó là sự suy sụp sức khỏe, tinh thần và mất đi rất nhiều thời gian quý giá.

"Nhìn sang phòng bên cạnh, cách phòng mình một lớp cửa kính, một vài bệnh nhân nặng phải thở máy. Đối với họ, chỉ việc thở thôi đã rất khó khăn rồi. Nói vậy thì ai cũng hình dung bệnh này thật kinh khủng, vì ngày thường, chúng ta còn có lúc quên là mình vẫn đang thở để sống".

Nhưng dù nặng, hay không nặng, hầu hết bệnh nhân Covid-19 đều được đưa tới phòng cấp cứu để cách ly điều trị. Tính từ tháng 3 tới giờ, đã hơn một tháng, anh Dũng chưa được gặp mặt người thân. Mọi công việc, kế hoạch đều bị gián đoạn. Rất nhiều người khác cũng như anh. Họ cảm giác bức bối, khó chịu giống như đang bị Covid-19 bỏ tù.

"Lúc đó mình nghĩ, nếu có thể làm điều gì đó cho cộng đồng, giúp mọi người phòng dịch tốt hơn, để không có bệnh nhân nặng, cũng không có cảnh người thì vẫn khỏe nhưng vẫn phải vào phòng cấp cứu điều trị thì tốt biết mấy"

Và rồi, sáng kiến về một chiếc máy rửa tay tự động đã ra đời.

Nằm viện điều trị Covid-19, giảng viên ĐH Bách khoa sáng chế máy rửa tay, giá chỉ bằng 1/3 sản phẩm nhập ngoại - Ảnh 2.

Chiếc máy rửa tay do nhóm anh Hưng, Dũng, Nguyên cùng sáng chế.

"Đôi lúc tôi tự hỏi, vì sao không một tập đoàn lớn nào đứng ra sản xuất máy rửa tay?"

Kỹ thuật để làm ra một chiếc máy rửa tay không quá khó. Nhiều học sinh, sinh viên các trường ĐH cũng đã tự chế tạo thành công thiết bị này. Tuy nhiên, anh Dũng chưa thấy nơi nào sản xuất quy mô lớn, có giá thành phải chăng. Đa số các loại máy được bán trên thị trường hiện nay, đều có giá từ 1,2-1,6 triệu đồng.

Khi lệnh cách ly được gỡ bỏ, máy rửa tay sẽ rất có ý nghĩa, giúp phòng dịch hiệu quả hơn. Nhưng với mức giá trên, khá khó để trang bị đại trà thiết bị này cho các địa điểm công cộng như bệnh viện, trường học, cơ quan...

"Và mình vẫn tự hỏi, tại sao một thiết bị hữu dụng như vậy nhưng không có tập đoàn lớn nào đứng ra sản xuất đại trà để phục vụ cộng đồng?".

Anh Dũng đem chuyện này nói với anh Nguyên, người đang vận hành một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực xe điện và anh Hưng, một chuyên gia hóa học, cả hai đều thấy ý tưởng này rất hay. Quan trọng hơn, khi có bạn bè bị bệnh, họ mới thực sự cảm thấy bệnh Covid-19 đang ở rất gần mình và gia đình, thấy có trách nhiệm phải làm một điều gì đó có ích cho cộng đồng.

Nằm viện điều trị Covid-19, giảng viên ĐH Bách khoa sáng chế máy rửa tay, giá chỉ bằng 1/3 sản phẩm nhập ngoại - Ảnh 3.

Anh Nguyên là một trong 100 chuyên gia thành viên Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Trong 3 tuần, anh Nguyên đã tập trung nguồn lực ở công ty để thiết kế và tìm phương án sản xuất sản phẩm. Đây là một thử thách khá khó vì sản phẩm có nhiều thành phần không sẵn có ở trong nước và trong tình cảnh biên giới đóng cửa, việc tìm được đối tác cung cấp với giá hợp lý không hề dễ dàng. 

"Nhiều đối tác ở Trung Quốc, Ấn Độ đều lắc đầu với thời gian và mức giá mà mình đề nghị. Lúc đó mình mới thấy, để làm ra chiếc máy rửa tay có giá rẻ không hề dễ". Nhóm dự án đã phải áp dụng công nghệ thiết kế và sản xuất ô tô, xe máy một cách sáng tạo với nhiều lần thay đổi thiết kế để có phương án sản xuất tối ưu nhất.

Hiện tại, anh Nguyên tạm gác lại việc sản xuất xe máy điện để tập trung làm máy rửa tay. Cuối tháng 4, những chiếc máy đầu tiên sẽ được cung ứng ra thị trường với giá thành chỉ bằng 1/3-1/2 so với giá sản phẩm ngoại nhập cùng chất lượng. 

"Mặc dù biết là nhu cầu máy rửa tay có thể sẽ lớn nhưng mình chỉ hy vọng dự án này hòa vốn. Điều vui nhất với mình là trong thời gian cách ly xã hội, mình và anh em vẫn có thể làm được việc ý nghĩa, góp một phần nhỏ vào công cuộc chống dịch", anh Nguyên chia sẻ. 

Nằm viện điều trị Covid-19, giảng viên ĐH Bách khoa sáng chế máy rửa tay, giá chỉ bằng 1/3 sản phẩm nhập ngoại - Ảnh 4.

Phối cảnh khi đặt máy rửa tay trong phòng bệnh. Công ty anh Nguyên sẽ tặng 20 máy đầu tiên cho các bệnh viện và trường học, sau đó, cứ bán được 10 chiếc sẽ tặng một chiếc cho các nơi thực sự cần.

Ngoài chế tạo máy rửa tay, công ty của anh Nguyên còn liên kết với một đối tác khác để sản xuất nước sát khuẩn theo tiêu chuẩn WHO. Anh Hưng (Viện Hóa học) cho biết, công thức nước sát khuẩn đạt chuẩn đã được WHO công bố rộng rãi. Nhưng các loại nước sát khuẩn hiện có trên thị trường rất đa dạng và khó để phân biệt đâu mới là loại đúng theo tiêu chuẩn của WHO. 

"Vì thế, khi anh Nguyên, anh Dũng rủ tham gia dự án này thì mình rất muốn đóng góp những kiến thức hóa học mình có được, giúp mọi người có được loại nước sát khuẩn đúng theo tiêu chuẩn WHO, thực sự đảm bảo cho mọi người có được đôi tay sạch sẽ".

Nằm viện điều trị Covid-19, giảng viên ĐH Bách khoa sáng chế máy rửa tay, giá chỉ bằng 1/3 sản phẩm nhập ngoại - Ảnh 6.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại