Bóng ma quá khứ trở lại
Các sự kiện gần đây tại biên giới Ấn Độ-Trung Quốc đã trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông toàn cầu, khi quân đội hai nước ngày càng dấn thân vào rủi ro đối mặt.
Lính biên phòng Trung Quốc và Ấn Độ trên biên giới 3.400 km đã luôn trong tình trạng cảnh giới cao độ kể từ sau cuộc chiến năm 1962. Đến năm 1993, hai gã khổng lồ châu Á đã ký một thỏa thuận duy trì hòa bình và ổn định, phân định Đường kiểm soát thực tế (LAC) để ngăn chặn xung đột cho đến ngày nay.
Ám ảnh chiến tranh đang quay trở lại biên giới Trung-Ấn.
Mặc dù có nhiều va chạm nhỏ xảy ra trong nhiều năm qua nhưng tất cả đều được giải quyết ổn thỏa, với cả hai bên tái khẳng định cam kết hòa bình. Tuy nhiên, những nỗ lực đó dường như đang trở nên vô nghĩa khi cuộc đụng độ khiến nhiều binh sĩ thiệt mạng vào giữa tháng 6 vừa qua đã một lần nữa khiến bóng ma chiến tranh từ quá khứ quay trở lại.
New Delhi và Bắc Kinh đổ lỗi cho nhau về việc vi phạm LAC ngăn cách các lực lượng ở Thung lũng Galwan. Trong một động thái huy động quân sự chưa từng có, Ấn Độ và Trung Quốc đang tập hợp thêm quân lực, vũ khí ở Himalaya, như thể sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất.
Mỗi bên nhận ra rằng, họ sẽ phải trả giá đắt nếu một cuộc chiến nổ ra trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu do Covid-19 gây ra. Nhưng không bên nào sẵn sàng nhượng bộ về yêu sách lãnh thổ. Hai cường quốc hạt nhân vẫn bị khóa trong một cuộc đấu trí quân sự căng thẳng.
Giới quan sát nhận định, sự cố ngày 15/6 dường như đang đẩy Ấn Độ đến gần Mỹ hơn, trong khi quan hệ Mỹ-Trung đang xấu đi nhanh chóng. New Delhi đang nhận được sự hỗ trợ ngoại giao và tăng cường nhập khẩu vũ khí từ Washington. Điều đó mang lại lợi ích không nhỏ cho siêu cường hàng đầu thế giới.
Ở một khía cạnh khác, rất có khả năng Pakistan sẽ ủng hộ Trung Quốc trong trường hợp chiến tranh xảy ra. Cũng giống như với Trung Quốc, các sự cố quân sự giữa binh sĩ Pakistan và Ấn Độ xảy ra thường xuyên ở Jammu và Kashmir, cản trở triển vọng cải thiện quan hệ giữa Islamabad và New Delhi.
Vì sao Mỹ không giúp căng thẳng Trung-Ấn giảm nhiệt?
Hai cường quốc châu Á đang tăng cường quân sự dọc biên giới.
Viết trên RT, chuyên gia phân tích quân sự Andrey Akulov tin rằng Washington sẽ không có nhu cầu giảm bớt căng thẳng tại biên giới Trung Quốc-Ấn Độ, bởi vì họ cần Ấn Độ là đồng minh trong cuộc chiến chống lại ảnh hưởng Trung Quốc trên toàn cầu.
Xét trên những căng thẳng ở Tây Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông, Mỹ sẽ hưởng lợi nhiều hơn nếu Trung Quốc chuyển lực lượng của mình, bao gồm cả tên lửa mặt đất tầm ngắn và tầm trung cũng như máy bay tấn công, đến Himalaya, khiến cho phòng thủ bờ biển trở nên yếu ớt.
Bên cạnh đó, Washington sẽ không ủng hộ hoàn toàn Ấn Độ vì không hài lòng đối với việc nước này chỉ quan tâm đến vũ khí của Nga - thay vì Mỹ - sau khi gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh.
Đặc biệt, New Delhi còn yêu cầu Moscow đẩy nhanh tiến trình cung cấp hệ thống phòng không tầm xa S-400 tiên tiến. Đây là vũ khí phòng thủ mà Bắc Kinh không phản đối việc Moscow bán nó cho Ấn Độ.
Chính vì vậy, chuyên gia phân tích quân sự Andrey Akulov tin rằng, trong vòng căng thẳng mới lần này ở châu Á, chỉ có Nga là thế lực phù hợp nhất để kìm hãm hai "cái đầu nóng" Trung-Ấn.
Nga hưởng lợi từ sự ổn định chính trị ở Á-Âu và duy trì hòa bình là mục tiêu tối quan trọng. Moscow coi Ấn Độ và Trung Quốc là hai quốc gia hữu nghị và không chủ động đưa ra bất kỳ nỗ lực mở nào để tham gia vào quá trình hòa giải.
Theo Ngoại trưởng Nga Serge Lavrov, Ấn Độ và Trung Quốc không cần sự giúp đỡ và hỗ trợ của bất kỳ ai để giải quyết tranh chấp.
Không giống như Mỹ, Nga không sẵn sàng tham gia trực tiếp, nhưng kịch bản giảm căng thẳng và Trung-Ấn tiến hành các cuộc đàm phán về phân định biên giới sẽ là một kịch bản lý tưởng mà Moscow muốn thấy xảy ra.
Ấn Độ và Trung Quốc là những chủ thể toàn cầu mà Moscow cần để tăng thêm lợi ích kinh tế và các mục tiêu chính sách đối ngoại. Mỗi cường quốc sẽ đóng vai trò đối trọng với một cường quốc khác. Trung Quốc đối trọng với Mỹ, còn Ấn Độ đối trọng với Trung Quốc.
Ủng hộ một trong số đó sẽ làm nghiêng cán cân, tước đi một đối tác chiến lược của Nga. Do đó, cố chấp chọn một bên là một tình huống thua lỗ cho Moscow.
Nhưng Nga sẽ không thể đứng yên khi tình hình trở nên trầm trọng hơn. Bất chấp tuyên bố từ chối bước vào làm trung gian hòa giải, Nga vẫn đang hành động lặng lẽ trong hậu trường.
Một cuộc chiến giữa hai cường quốc hạt nhân sẽ giáng một đòn mạnh vào an ninh quốc tế. Viễn cảnh đó có thể nhấn chìm các quốc gia khác và kìm hãm thương mại toàn cầu, đặc biệt khi xung đột sẽ lan sang Ấn Độ Dương.
Cách để giải quyết vấn đề vẫn là lập trường của Ấn Độ và Trung Quốc trong việc tham gia vào các nỗ lực nghiêm túc để phân định ranh giới trong tất cả các khu vực tranh chấp và giảm thiểu căng thẳng, thay vì thể hiện rằng bản thân sẵn sàng tiến hành chiến tranh.