Ngày 23/5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, có 2 ngân hàng và 4 doanh nghiệp sẽ bị thanh tra hoạt động kinh doanh vàng trong 4 năm gần đây (từ năm 2020 – giữa tháng 5/2024), trong thời gian 45 ngày. Cụ thể, hai ngân hàng là TPBank, Eximbank và 4 doanh nghiệp bao gồm SJC, DOJI, PNJ và Bảo Tín Minh Châu sẽ bị thanh tra.
Theo NHNN, đoàn thanh tra này có sự tham gia của đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương. Theo đó, đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra theo đúng quy định của Luật thanh tra và những quy định có liên quan, tập trung vào những nội dung, bao gồm thanh tra việc chấp hành những quy định về hoạt động kinh doanh vàng; về phòng, chống rửa tiền; về chế độ kế toán, lập, sử dụng hóa đơn và chứng từ; về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế.
Là một trong 2 ngân hàng sắp bị thanh tra, TPBank có quy mô lớn cỡ nào?
Quy mô của TPBank lớn ra sao?
TPBank được coi là một trong những ngân hàng có quy mô lớn trong khối ngân hàng thương mại tư nhân.
Theo báo cáo tài chính quý I/2024, TPBank có lãi thuần đạt 3.427 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, thu nhập lãi và những khoản thu nhập tương tự của TPBank ghi nhận đạt 6.533 tỷ đồng, tăng gần 16% so với quý IV/2023. Nhưng chi phí lãi và những chi phí tương tự lại ghi nhận đạt 3.106 tỷ đồng, giảm hơn 17% so với quý IV/2023.
Về nguồn thu ngoài lãi, trong 3 tháng đầu năm 2024, ngân hàng này ghi nhận lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 715 tỷ đồng, tăng hơn 6 lần so với quý IV/2023. Ngoài ra, lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận đạt 475 tỷ đồng, tăng gấp gần 15 lần so với quý liền kề trước đó. Thế nhưng, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối chỉ đạt 83 tỷ đồng, giảm tới 76% so với quý IV/2023. TPBank còn ghi nhận khoản lỗ thuần từ các hoạt động khác là hơn 16 tỷ đồng.
Trong quý I/2024, TPBank dành 1.181 tỷ đồng cho khoản chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 34% so với quý IV/2023. Kết quả, ngân hàng này ghi nhận lãi trước thuế đạt 1.829 tỷ đồng trong quý I/2024, tăng 2,9 lần so với quý liền kề trước đó. Về lãi sau thuế, ngân hàng này đạt 1.462 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với quý IV/2023.
Tại thời điểm ngày 31/3/2024, TPBank có tổng tài sản là hơn 355.870 tỷ đồng. Trong só đó, vốn chủ sở hữu là hơn 34.190 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng ở ngân hàng này là 200.829 tỷ đồng, giảm 2% so với thời điểm vào cuối năm 2023. Cũng tại thời điểm ngày 31/3/2024, TPBank ghi nhận số tiền gửi khách hàng đạt 190.827 tỷ đồng, giảm 8,4%.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) được thành lập từ ngày 5/5/2008, với khát vọng trở thành một tổ chức tài chính minh bạch, hiệu quả, bền vững và mang lại những lợi ích tốt nhất cho các cổ đông và khách hàng. TPBank được thừa hưởng sức mạnh từ các cổ đông trong và ngoài nước, bao gồm Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, Tập đoàn FPT, Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia (Vinare), Tập đoàn Tài chính SBI Ven Holdings Pte. Ltd. (Singapore), Tập đoàn Tài chính Quốc tế - IFC (thuộc World Bank) và Quỹ đầu tư PYN Elite Fund (Non-Ucits).
Đến năm 2018, TPBank đã niêm yết thành công 555 triệu cổ phiếu ở trên sàn chứng khoán TP HCM. Đây được coi là đánh dấu bước ngoặt lớn trong quá trình hoạt động ổn định, bền vững của ngân hàng.
Trong hơn 15 năm qua, TPBank được nhiều tổ chức uy tín ở trong và ngoài nước liên tục đánh giá cao với nhiều giải thưởng danh giá, chẳng hạn như Ngân hàng số sáng tạo nhất Việt Nam, Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam… TPBank được Tạp chí Asian Banker bình chọn nằm trong Top 10 Ngân hàng mạnh nhất Việt Nam, Top 500 Ngân hàng mạnh nhất châu Á. Đáng chú ý nhất, vào tháng 11/2018, TPBank vinh dự nhận được Huân chương lao động Hạng Ba do Đảng và Nhà nước trao tặng.