"Nằm trên giấy" gần 15 năm, dự án có vốn đầu tư tỷ đô trên trục Tây Thăng Long sắp được "hồi sinh"

Minh Minh |

Có diện tích quy hoạch khoảng 200ha với vốn đầu tư trên 1 tỷ USD nhưng kể từ khi được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch vào tháng 2/2009 đến nay, dự án Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội (quận Bắc Từ Liêm) vẫn "nằm trên giấy".

Sáng 5/4, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư hoạt động tại các khu cụm công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội, theo Báo Chính phủ đưa tin.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, tính đến nay, thành phố Hà Nội có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất sử dụng là 1.348 ha; Có 102 cụm công nghiệp đã và đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích 2.188ha; Kết quả hoạt động: các khu, cụm công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%.

Thời gian vừa qua, Thành phố đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng 2 khu công nghiệp (Khu công nghiệp Quang Minh 2, diện tích 160 ha và Khu công nghiệp Sạch Sóc Sơn, diện tích 302,8 ha); Hoàn tất thủ tục thành lập mới khu công nghiệp Đông Anh, với diện tích 300 ha; Tiếp tục tháo gỡ khó khăn để khởi công 25/43 cụm công nghiệp được thành lập giai đoạn 2018-2020 nhưng còn vướng mắc thủ tục, phấn đấu hoàn thành khởi công 43/43 cụm công nghiệp trong năm 2024.

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã nêu những kiến nghị tập trung vào 3 nhóm vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch, cơ chế chính sách phát triển khu, cụm công nghiệp; nhóm các vấn đề liên quan đến giải pháp phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường; nhóm vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp; về lao động, phòng cháy chữa cháy, chính sách miễn giảm thuế, cải cách thủ tục hành chính,...

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị UDIC Nguyễn Hoàng Hải cho biết, doanh nghiệp đang đầu tư Dự án cụm công nghiệp CN3, huyện Sóc Sơn, diện tích 78,15ha, đã cơ bản giải phóng mặt bằng và có quyết định giao đất đợt 1 với diện tích hơn 56ha.

Tuy nhiên, dự án vẫn đang gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại do vướng vào khu vực nghĩa trang. Đề nghị thành phố gia hạn thời gian thực hiện dự án và huyện Sóc Sơn quy hoạch nghĩa trang tập trung, tháo gỡ vướng mắc này.

Ông Ulrich Petersen, Giám đốc Đầu tư và Marketing dự án Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội (HaBiotech), quận Bắc Từ Liêm cho biết: "Chúng tôi mong nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để khởi động lại công tác giải phóng mặt bằng sớm. Về thủ tục thành lập khu công nghệ cao, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền để hoàn thành các thủ tục mới này. Bên cạnh đó, UBND Thành phố, quận Bắc Từ Liêm tiến hành quy hoạch 1/2000 nhanh hơn vì đây là thủ tục rất quan trọng để chúng tôi có thể triển khai tiếp các hoạt động tiếp theo của dự án".

Theo tìm hiểu, dự án HaBiotech được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch vào tháng 2/2009. Dự án có diện tích khoảng 200 ha, nằm tại các xã Tây Tựu, Liên Mạc, Minh Khai, Thụy Phương và Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Pacific Land Việt Nam.

Tổng vốn đầu tư dự kiến của HaBiotech là hơn 1 tỷ USD. Trong đó, 250 triệu USD cho hạ tầng kỹ thuật và một số công trình dịch vụ, chung cư cao tầng, ký túc xá (không bố trí đất làm nhà ở gia đình); còn lại 800 triệu USD cho các thiết bị đặc chủng như đầu tư phòng thí nghiệm, trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học...

Phía bắc của dự án giáp KCN Nam Thăng Long; phía tây giáp tuyến đường quy hoạch rộng 40 m; phía đông giáp đường quy hoạch rộng 40 m và khu dân cư; phía nam giáp đường quy hoạch rộng 60 m (trục Tây Thăng Long).

Đến nay, trong khi hạ tầng xung quanh dự án như đường quy hoạch 40 m Văn Tiến Dũng đã hoàn thiện, trục Tây Thăng Long cũng dần thành hình thì HaBiotech vẫn chưa thể triển khai.

Ngay tại Hội nghị, ý kiến của các doanh nghiệp đã được lãnh đạo Thành phố, đại diện các Sở, ban, ngành, địa phương trả lời trực tiếp, cụ thể.

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thường xuyên tổ chức các Hội nghị giao ban định kỳ và đột xuất để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Thành phố sẽ khắc phục triệt để tình trạng phát triển công nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, không bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường, phòng chống cháy nổ..., phải đáp ứng tiêu chuẩn và định hướng phát triển văn minh, hiện đại của Thành phố...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại