Trong vài ngày qua, một bức tranh hoạt hình đăng tải trên một tờ báo Nhật Bản miêu tả Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đứng trước lá cờ Mỹ và đối diện là nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong- un được lan truyền rộng rãi.
Bức tranh miêu tả Tổng thống Trump gào thét, thách thức ông Kim Jong- un vượt qua “đường màu đỏ”, trong khi ở phía bên này ông Kim ung dung hỏi lại: "Đường màu đỏ nào?"
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP - Hồng Kông), bức tranh hoạt hình đã miêu tả ngắn gọn sự đi xuống trầm trong quan hệ không chỉ giữa Washington và Bình Nhưỡng mà còn là giữa Bình Nhưỡng và cộng đồng quốc tế nói chung.
Chủ nhật (3/9) vừa qua, chỉ một vài tuần sau khi ông chủ Nhà Trắng đe dọa nhấn chìm Bình Nhưỡng bằng “hỏa lực và thịnh nộ”, Triều Tiên tuyên bố họ đã thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch (tức bom H) có thể gắn lên tên lửa với sức công phá ước tính gấp 10 lần quả bom Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.
Đây là vụ thử hạt nhân thứ sáu của Triều Tiên và cũng là vụ thử hạt nhân lớn nhất cho đến nay, tạo ra cơn địa chấn cấp 6 tại các tỉnh miền đông bắc Trung Quốc.
Ảnh: SCMP
Mỹ-Trung tiến thoái lưỡng nan
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã cảnh cáo rằng, Washington có thể đưa ra "đòn đáp trả quân sự mạnh mẽ" đối với các mối đe dọa từ Triều Tiên trong khi Tổng thống Trump gọi Triều Tiên là mối đe dọa lớn và cảnh báo Mỹ đang cân nhắc ngừng tất cả hợp tác thương mại với bất kỳ nước nào có qua lại kinh tế với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên theo SCMP, những đe doạ với cấp độ tăng dần này dường như không có sự hỗ trợ và hợp tác từ các cường quốc khác như Nga, đặc biệt là Trung Quốc - được cho là đồng minh chính và nhà cung cấp viện trợ kinh tế của Triều Tiên.
Trong khi cả Trung Quốc và Nga đều lên án vụ nổ hạt nhân mới nhất của Triều Tiên cũng như chia sẻ mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thì các giải pháp đối phó cơ bản của họ vẫn chưa thay đổi: ngoại giao và đối thoại vẫn là chìa khóa để hạ nhiệt căng thẳng.
"Các cường quốc lớn thiếu một tiếng nói chung về cách đối phó với Triều Tiên và Bình Nhưỡng thì hiểu quá rõ điều này", SCMP bình luận.
"Triều Tiên sẽ trở thành một quốc gia hạt nhân và dù chính thức hay không chính thức cộng đồng quốc tế cuối cùng sẽ phải thừa nhận điều đó", SCMP cho rằng nhiều khả năng trường hợp này sẽ xảy ra dù sớm hay muộn.
Trước đó, mặc dù Tổng thống Trump đã cảnh báo rằng, quân đội Mỹ đã đưa ra các dự thảo với nhiều lựa chọn về những cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên nhưng không có gì đảm bảo các cuộc tấn công của quân đội Mỹ sẽ được tiến hành.
Bởi một động thái như vậy cũng sẽ có thể dẫn đến các đáp trả mạnh mẽ từ phía Triều Tiên, dẫn tới thương vong khổng lồ ở Hàn Quốc.
Stephen Bannon, cựu chiến lược gia của ông Trump trong cuộc phỏng vấn vào tháng trước đã phát biểu rằng không có giải pháp quân sự nào khả thi để ngăn chặn các chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ không bao giờ đồng ý với Mỹ khi chỉ tập trung vào những cuộc tấn công quân sự - nếu Mỹ làm như vậy thì sẽ có nguy cơ kéo Trung Quốc vào cuộc chiến.
Ông Kim Jong-un khảo sát cơ sở sản xuất thiết bị được cho là đầu đạn hạt nhân. Ảnh: Reuters
Washington đang theo đuổi các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Triều Tiên nhưng lịch sử cho thấy chưa có biện pháp trừng phạt nào có thể ngăn chặn Bình Nhưỡng.
Trước đó, ông Trump đã chỉ trích Trung Quốc vì đã không nỗ lực hết sức nhưng Bắc Kinh có mối bận tâm của riêng mình khi "một chế độ sụp đổ" sẽ tạo nên một cuộc khủng hoảng người tị nạn và khi đó quân đội Mỹ rất có thể sẽ được triển khai ngay tới biên giới của nước này.
Ông Trump đã từng đưa ra "mồi nhử" thương mại như là một động cơ thúc đẩy Trung Quốc ngăn chặn Triều Tiên. Vào Chủ Nhật tuần trước đó, Tổng thống Donald Trump đã cảnh cáo, Mỹ sẽ chấm dứt thương mại với bất cứ nước nào hợp tác với Triều Tiên. Phát biểu cho thấy nền kinh tế thế giới sẽ chao đảo nếu Washington theo đuổi lựa chọn trên vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là chủ nợ lớn nhất của Mỹ.
Theo SCMP, hiện nay những nỗ lực để đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán là vô ích. Bởi lịch sử cũng cho thấy, Bình Nhưỡng từ lâu đã sử dụng các cuộc đàm phán như một trò đùa để làm chệch hướng áp lực quốc tế và kéo dài thời gian cho chương trình hạt nhân của mình.
"Bị chèn ép giữa các cường quốc khu vực và bị cô lập khỏi cộng đồng quốc tế... Triều Tiên tin rằng vũ khí hạt nhân là thứ không thể thương lượng", SCMP viết.
Một số chuyên gia Trung Quốc lo ngại, núi non tại khu vực tiến hành năm cuộc thử nghiệm hạt nhân gần đây nhất của Triều Tiên có thể xảy ra nguy cơ sụp đổ. Nếu điều đó xảy ra, bức xạ có thể thoát ra ngoài và trôi dạt trên khắp Trung Quốc, dẫn tới thảm họa sinh thái.
Thời điểm thử nghiệm gần đây nhất cũng là một vấn đề gây bối rối cho Trung Quốc khi nó xảy ra vào ngày Chủ tịch Tập Cận Bình đang tổ chức một hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Phúc Kiến. Thất bại trong việc kiềm chế người hàng xóm sẽ ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của Trung Quốc - quốc gia đang cố gắng để trở thành một tiềm lực lớn trên thế giới.
Do đó, SCMP nhận định, với những vấn đề này, chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ còn tiếp tục cho đến khi nước này được công nhận là một cường quốc hạt nhân.