Có một lời khuyên rất thực tế nhưng thú vị: Hãy “lười biếng” một chút vào buổi sáng. "Lười" ở đây cụ thể là: Trước khi ra khỏi giường, (1) hãy dành thêm vài phút nằm trong chăn, (2) cử động nhẹ nhàng, và (3) đảm bảo bạn mặc thêm một số lớp quần áo ấm trước khi thực sự rời giường.
Vì sao cần "lười" như vậy khi trời lạnh?
Mùa đông thường có nhiều trường hợp đột tử, đặc biệt là vào sáng sớm. Nhiệt độ thấp khiến cơ thể con người phải thích nghi, và trong quá trình này, mạch máu co lại đột ngột, huyết áp tăng cao, dẫn đến nguy cơ tim chịu áp lực quá tải. Trong những trường hợp xấu nhất, điều này có thể dẫn đến đột tử ngay trong giấc ngủ hoặc khi vừa thức dậy.
Nhiều người thường có thói quen thức dậy vội vàng, nhất là trong cuộc sống hiện đại đầy bận rộn. Tuy nhiên, thói quen này có thể gây nguy hiểm trong những ngày đông lạnh giá. Theo các chuyên gia y tế, việc huyết áp tăng đột ngột khi cơ thể phải thích nghi nhanh với nhiệt độ thấp là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vấn đề tim mạch, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc những người có bệnh nền.
Không chỉ vậy, nhiệt độ lạnh cũng có thể gây căng thẳng cho cơ bắp và hệ tuần hoàn, khiến cơ thể dễ bị tê cứng hoặc gặp các vấn đề về lưu thông máu. Vì thế, việc “lười biếng” đúng cách – tức là dành thời gian để cơ thể chuyển từ trạng thái nghỉ ngơi sang trạng thái hoạt động một cách từ từ – không chỉ giúp bạn khởi đầu ngày mới thoải mái hơn mà còn đảm bảo an toàn sức khỏe lâu dài.
Hành động tưởng chừng đơn giản như nằm thêm vài phút trong chăn thực ra lại mang ý nghĩa quan trọng: giúp cơ thể điều chỉnh từ từ với sự chênh lệch nhiệt độ. Cần nhớ rằng, chăn bông giữ nhiệt tốt hơn không khí xung quanh, và sự chênh lệch này có thể lên đến hơn 10 độ C. Việc rời khỏi chăn quá nhanh khiến cơ thể chịu cú sốc nhiệt, làm tăng nguy cơ gặp vấn đề về tim mạch.
Làm thế nào để bảo vệ bản thân vào mùa đông?
Các chuyên gia nhấn mạnh hai điều quan trọng mà mọi người cần làm trong mùa đông để đảm bảo sức khỏe:
1. Giữ ấm không gian sống
Chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm thường rất lớn. Do đó, cần duy trì nhiệt độ ổn định trong nhà, đặc biệt vào ban đêm và sáng sớm. Trước khi đi ngủ, có thể đắp thêm một chiếc chăn mỏng bên ngoài chăn chính để giữ nhiệt hiệu quả hơn.
2. Thức dậy một cách chậm rãi
Khi chuông báo thức reo, đừng vội bật dậy. Hãy dành thời gian nằm lại trong chăn vài phút. Trong khoảng thời gian này, bạn có thể cử động nhẹ nhàng, xoay cổ tay, cổ chân, hoặc kéo dãn cơ thể để máu lưu thông tốt hơn. Mặc thêm một chiếc áo len hoặc khoác nhẹ trước khi bước xuống giường để cơ thể không bị tiếp xúc ngay với cái lạnh buốt giá.
Điều này không có nghĩa là bạn có thể "ngủ nướng" tùy ý. Khi thời tiết lạnh, quả thực mọi người đều thích đi ngủ sớm hơn và thức dậy muộn hơn vào sáng hôm sau. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu đã tìm ra mối liên kết giữa thói quen ngủ quá nhiều với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hay bệnh tim. Do vậy, bạn hãy giữ thói quen ngủ đúng giờ, đủ giấc sẽ khiến cơ thể bạn dẻo dai, tránh uể oải, mệt mỏi và tránh các bệnh nghiêm trọng khác.
Lời khuyên dành cho gia đình
Với trẻ em và người lớn tuổi, hai nhóm dễ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nhiệt độ, cần đặc biệt chú ý:
Trẻ em: Cha mẹ nên chuẩn bị sẵn áo ấm để trẻ mặc ngay khi thức dậy. Hướng dẫn trẻ khởi động nhẹ nhàng trong chăn trước khi bước ra khỏi giường.
Người lớn tuổi: Đảm bảo phòng ngủ đủ ấm và không có gió lùa. Khuyến khích họ nằm thêm trong chăn sau khi thức dậy và vận động nhẹ để cơ thể thích nghi dần với nhiệt độ bên ngoài. Tuy nhiên tránh để không gian ngủ kín bưng, không có sự trao đổi không khí vì điều này sẽ làm giảm lượng oxy, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn bởi bộ não của con người vẫn làm việc trong khi ngủ, nó cần không khí để hô hấp.
(Tổng hợp)