Trường hợp bệnh nhân N.V.H thường xuyên xuất hiện dấu hiệu tê bì vùng xương chậu gây hạn chế vận động, dáng đi bất thường. Bệnh nhân đã đi thăm khám tại rất nhiều cơ sở y tế nhưng đều nhận được chẩn đoán: chấn thương nhẹ phần mềm do chơi thể thao dù khối u đã lồi ra ngoài, chèn ép các tạng tiểu khung, gây phù nề và gây teo các cơ xung quanh.
Tại Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec, bệnh nhân khám và đã phát hiện khối u khổng lồ (trên 20cm) nằm ở vị trí vùng tiểu khung sàn chậu rất hiếm gặp. Ước tính, mỗi năm tại Việt Nam chỉ có 5 – 10 ca, chiếm khoảng 5% các ca bệnh ung thư xương.
Xác định đây là ca bệnh khó khối u hiếm gặp nên các bác sĩ của bệnh viện đã phối hợp hội chẩn với cả chuyên gia nước ngoài để tìm cách điều trị tối ưu cho bệnh nhân. Sau hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật triệt căn khối u, xét bổ trợ sau mổ.
Với trường hợp của bệnh nhân H, nếu phẫu thuật bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao do khối u to, có nhiều hệ thống mạch máu phức tạp. Tuy nhiên, nếu không phẫu thuật, bệnh nhân sẽ đối mặt với khả năng teo cơ chân trái, đe dọa trực tiếp tới tính mạng.
Theo GS.TS.BS Trần Trung Dũng – Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình – Y học Thể thao, Bệnh viện Vinmec, khối ung thư xương khổng lồ trong tiểu khung (giống như phụ nữ mang thai) đã gây chèn ép thần kinh tọa bên trái, khiến bệnh nhân tê bì teo cơ chân trái. Nếu không điều trị kịp thời không những chân trái mất chức năng mà ngay cả tính mạng cũng bị đe doạ.
Do kích thước khối u tăng sẽ chèn ép và gây tắc hệ thống tiêu hóa hoặc tiết niệu. Vì vậy khối u cần phải loại bỏ sớm để giúp bệnh nhân phục hồi chức năng chi thể và tránh các biến chứng ở hệ tiêu hóa và tiết niệu.
“Điều khó khăn nhất trong ca mổ phức tạp này là biến chứng, tức là đứt mạch máu, ruột, niệu đạo, niệu quản… chưa bao giờ tôi gặp một khối u lớn và ở vị trí phức tạp như khối u này. Do đó, việc phối hợp đa chuyên khoa trong ca mổ này thực sự là một kỳ tích bởi đây là cái khó nhất của ca mổ này”, bác sĩ Dũng nói.
Ca phẫu thuật được chia làm nhiều thì, các bác sĩ tim mạch, tiêu hoá, tiết niệu tham gia mổ thì đầu. Các bác sĩ mạch máu kiểm soát động chậu, có thể tiến hành thắt mạch khi khối u chảy máu dữ dội. Các chuyên gia tiết niệu sẽ phẫu tích giải phóng bàng quang, tiết niệu ra khỏi khối u. Chuyên gia tiêu hóa sẽ phẫu tích bảo vệ đường tiêu hoá.
Cuộc đại phẫu kéo dài 8 tiếng và kết thúc thành công như mong đợi. Sau 3 ngày, bệnh nhân tỉnh táo trở lại, sinh hoạt bình thường.
Theo các chuyên gia ung bướu ung thư xương thường gây ra triệu chứng đau, cơn đau âm ỉ ở sâu, tiến triển theo thời gian, khó giảm đau bằng các loại thuốc thông thường. Ung thư xương có thể xuất hiện các triệu chứng dưới đây:
- Cảm giác đau xương tăng dần, đau liên tục, đau lan sang cả các vùng lân cận;
- Vị trí đau xương có dấu hiệu sưng tấy;
- Luôn cảm thấy mệt mỏi, có thể kèm theo sốt nhẹ;
- Giảm cân không rõ nguyên nhân;
- Xương dễ gãy;
- Sờ thấy khối hạch cứng, rắn chắc trong xương dài của các chi.
Khi thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường kể trên, mọi người nên đi khám sớm để tầm soát, phát hiện hoặc điều trị kịp thời bệnh.