Suýt hoại tử tay do bị điện giật
Bệnh nhân H.T.B (41 tuổi, trú tại Gia Lâm, Hà Nội) tới Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khám trong tình trạng hoại tử da khô, chảy dịch mủ hôi ngón IV, V bàn tay trái.
Khai thác tiền sử bệnh, bệnh nhân cho biết cách vào viện khoảng hơn 1 tháng, khi đang sửa bình nóng lạnh thì không may anh bị điện giật. Ngay sau tai nạn, bệnh nhân bất tỉnh, được đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất và điều trị các tổn thương cơ quan do điện giật gây ra, trong đó có những vết thương ở ngón tay của bàn tay trái.
Theo bệnh nhân, lúc đầu tổn thương chỉ là những vết thương khuyết da kích thước nhỏ đơn thuần. Càng ngày, hai ngón tay càng tím tái, chảy dịch, co cứng tăng lên, không vận động được. Sau 20 ngày, khi tay có dấu hiệu chuyển màu đen, bệnh nhân mới chịu đi khám tại nhiều bệnh viện.
Các bác sĩ đều nhận định đây là tình trạng tổn thương rất phức tạp do điện giật, nguy cơ cao không giữ được các ngón tay. Bệnh nhân có tổn thương hoại tử khô toàn bộ mặt gan ngón V, một phần gan ngón IV, kẽ ngón IV-V bàn tay trái. Tổn thương không đi kèm tổn thương xương, nhưng lại bị co kéo, chảy dịch mủ hôi, đau nhức nhiều dẫn đến mất vận động ngón V, ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống.
Sau khi hội chẩn chuyên môn với các chuyên khoa và làm các xét nghiệm cận lâm sàng chuyên sâu, các bác sĩ nhận thấy đây là một trường hợp tổn thương rất phức tạp do điện giật, hoại tử ngón tay, lại đang có nhiễm trùng tổ chức nặng. Với tình trạng này, tỷ lệ giữ lại được ngón tay không cao.
Tuy nhiên, bệnh nhân làm nghề lái xe bus nên rất mong muốn giữ được ngón tay để đủ điều kiện tiếp tục làm công việc của mình.
Theo ThS.BS Phạm Duy Linh - Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, các bác sĩ đã quyết định tiến hành hai thì phẫu thuật cho bệnh nhân. Thì đầu tiên, cắt lọc làm sạch tổ chức hoại tử nhiễm trùng, cấy khuẩn làm kháng sinh đồ, cố gắng bảo tồn tối đa các tổ chức, kết hợp biện pháp hút áp lực âm (VAC). Mục đích lần này giúp liền vết thương tốt hơn, phục hồi một phần tổ chức. Sau khoảng hơn 2 tuần điều trị, bệnh nhân được phẫu thuật thì hai, sử dụng kỹ thuật chuyên sâu chuyển vạt da vùng gan bàn tay, giúp tái tạo, che phủ tổn khuyết của ngón. Đây là một kỹ thuật khó, đòi hỏi kỹ thuật cao, tuy nhiên lại giúp bệnh nhân hồi phục một cách tối đa nhất cả về mặt liền thương, một phần chức năng vận động các ngón tay và thẩm mỹ.
Bác sĩ Linh cho biết, sau phẫu thuật để đạt được hiệu quả người bệnh cần đặc biệt tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ. Người bệnh cần theo dõi, nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, chăm sóc vệ sinh vết mổ đúng cách giúp vạt da sống tốt, lành nhanh, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn. Bệnh nhân sẽ cần thường xuyên tái khám, cần một vài chỉnh sửa nhỏ nữa để giúp ngón tay hồi phục dần dần về vận động và đảm bảo về mặt thẩm mỹ.
Bác sĩ khuyến cáo, tổn thương do điện giật thường rất phức tạp. Chính vì thế, chúng ta cần có những bước xử lý cấp cứu ban đầu nhanh chóng và chính xác để giúp bệnh nhân bảo toàn tính mạng, sau đó là hạn chế tối đa những tổn thương, biến chứng nặng nề có thể xảy ra.