Năm Sửu kể chuyện Trâu làm du lịch cộng đồng ở Hội An

Quỳnh Nhi - Đình Thức |

Để phục vụ tốt nhất khách du lịch, nhất là người nước ngoài, trâu được cho tập ngửi nước hoa, kem chống nắng để quen với "mùi" của khách.

Một chú trâu làm du lịch ở Hội An.

Một chú trâu làm du lịch ở Hội An.

Trâu làm du lịch

Hơn 10 năm ra đời, tour du lịch cộng đồng cưỡi trâu, trồng lúa của Công ty Jack Trần Tours là một điểm nhấn thú vị cho du khách khi đến TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), đặc biệt là du khách nước ngoài.

Ông Trần Văn Khoa, Giám đốc Công ty Jack Trần Tours, cho biết ý tưởng thực hiện tour xuất hiện tình cờ trong những lần đưa du khách tham quan làng rau Trà Quế. Những vị khách thấy đàn trâu của nông dân thảnh thơi ăn cỏ, đã xin chụp ảnh.

Năm Sửu kể chuyện Trâu làm du lịch cộng đồng ở Hội An - Ảnh 1.

Ông Nhiên bên con trâu quý biết kiếm ra tiền của mình

"Họ vô cùng thích thú. Bà con nông dân của mình thì nhiệt tình. Đổi lại, các vị khách thường "tip" 1-2 USD cho bà con mỗi lần chụp ảnh. Tôi thấy nếu biết khai thác, đây là cơ hội tạo thêm sản phẩm du lịch và cả thu nhập cho bà con, nên bắt tay vào thực hiện. Đàn trâu phục vụ du lịch của công ty hiện gần 100 con", ông Khoa nói.

Ông Lê Nhiên (trú phường Cẩm Hà, TP Hội An), người chăn nuôi trâu từ nhỏ, cho biết trâu phục vụ du lịch đã được huấn luyện, thuần dưỡng và chăm sóc cẩn thận từ những người nông dân lành nghề.

"Trâu được chọn phục vụ du khách là những con trâu khỏe mạnh, hiền lành, mắt không đỏ, đầu có xoáy, mũi hỉnh to, tai rộng, trán vuông vức, lưng hơi cong lên thì mới chịu khó.

Những chú trâu "hàng tuyển" được huấn luyện bằng cách cho tập quỳ, tập đứng để hiểu ý khách và phục vụ chu đáo.

Bên cạnh đó, trâu còn phải có kinh nghiệm hai năm cày bừa, bởi những chú trâu đã qua cày bừa  sẽ lanh lợi và siêng năng", ông Nhiên chia sẻ.

Năm Sửu kể chuyện Trâu làm du lịch cộng đồng ở Hội An - Ảnh 2.

Trâu phục vụ du lịch được chăm sóc kỹ lưỡng

Theo ông Nhiên, đàn trâu còn được tập ngửi mùi người để không bỡ ngỡ khi cõng khách dạo chơi. Với khách Việt, trâu thường tiếp xúc nên quen mùi và dễ thích nghi. Tuy nhiên để phục vụ khách Tây, trâu phải tập ngửi nước hoa, kem chống nắng để quen với mùi của khách.

Bên cạnh việc chăm sóc trâu, người nuôi trâu còn phải hiểu ngôn ngữ của nó, đặt ra hiệu lệnh để huấn luyện. Để trâu làm theo hiệu lệnh thì nói "dí" là đi bên trái, "há" là đi bên phải, "dờ" là đứng lại và "dùn" là đi lùi.

Đàn trâu của ông Nhiên quấn quýt với chủ và luôn nghe lời, phục tùng. Ông đặt cho chúng mỗi con mỗi cái tên riêng để thêm phần thân thương như: Giờ, Sĩ, Tượng, Pháo…

Trâu "nuôi" nông dân

Gia đình ông Nhiên có tổng cộng 20 con trâu, trong đó 5 con đẹp và khỏe nhất đã được chọn để làm du lịch. 5 chú trâu "hái ra tiền" đã giúp ông Nhiên có được nguồn thu nhập ổn định lên đến 10-15 triệu/tháng. Ông Nhiên cho hay mức thu này gấp đôi so với việc trồng lúa.

Đối với trâu làm du lịch, chi phí ước tính trả công cho nông dân để chăm sóc trâu dao động từ 3 triệu đến 5 triệu đồng cho một con trâu gồm chi phí cắt cỏ, cắt lúa non để bồi bổ và tắm cho trâu sạch sẽ.

Năm Sửu kể chuyện Trâu làm du lịch cộng đồng ở Hội An - Ảnh 3.

Du khách thích thú cày ruộng cùng trâu

"Bên cạnh thu nhập ổn định từ du lịch, trâu được chăm sóc đầy đủ mỗi năm có thể đẻ đều 1 lứa cũng tăng thêm nguồn thu từ đàn trâu cho chúng tôi", ông Nhiên thổ lộ.

Theo ông Khoa, tour du lịch trâu ra đời đã giúp du khách có thêm trải nghiệm văn hóa bản địa và gìn giữ vẻ đẹp của văn hóa lúa nước Việt Nam. Du lịch trải nghiệm nông nghiệp không chỉ làm tăng sức hút cho Hội An mà còn tạo cơ hội việc làm và cải thiện đời sống cho bà con nông dân.

Các vị khách đều rất thích thú tham gia tour độc đáo này. Trong cuốn sổ nhật ký trải nghiệm, vợ chồng du khách Shelley Bruce (quốc tịch Úc) xúc động viết: "Chuyến du lịch trong hơn 2 tiếng đồng hồ tuyệt vời hơn tôi mong đợi.

Chúng tôi được cưỡi trâu trên cạn và dưới nước, chèo thuyền thúng rồi thưởng thức chả giò hải sản Việt Nam. Những người nông dân địa phương rất thân thiện và chụp cho chúng tôi nhiều ảnh đẹp".

Năm Sửu kể chuyện Trâu làm du lịch cộng đồng ở Hội An - Ảnh 4.

Và trải nghiệm cưỡi trâu đầy thú vị

Trong khi đó, Borsodi Dorina (quốc tịch Anh) bày tỏ: "Tôi được trải nghiệm cày ruộng như nông dân cùng với trâu và học cách giữ thăng bằng để không bị ngã khi lội xuống bùn. Tôi còn được học tất cả các công đoạn về trồng lúa nước như một người nông dân thực thụ".

Ông Khoa cho biết trong năm 2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng khiến ngành du lịch nói chung và tour cưỡi trâu bị ảnh hưởng nặng nề. Trong năm 2021, ông Khoa xác định mục đích của tour sẽ hướng đến thị trường trong nước. Do đó, tour đã giảm 50% để thu hút khách du lịch trong nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại