Ngày 18/3/1982 tại Moscow, một trong những anh hùng nổi tiếng nhất của Stalingrad - Vasily Ivanovich Chuykov, đã vĩnh viễn ra đi.
Kinh qua Nội chiến và bắt đầu đời quân ngũ với tư cách một người lính, ở đỉnh cao sự nghiệp, ông là Nguyên soái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô. Trong thời gian Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, ông ở cương vị chỉ huy Tập đoàn quân, nhưng nổi tiếng hơn nhiều vị chỉ huy Mặt trận.
Nói tiếng Trung
Trong đời binh nghiệp của mình, Vasily Chuykov đã hai lần có chuyến công tác dài ngày tới Trung Quốc. Năm 1927, tốt nghiệp khoa Phương Đông của Học viện Quân sự, ông được cử sang nước láng giềng làm cố vấn quân sự. Do bản chất công việc, ông đã có dịp đi gần như toàn bộ đất nước Trung Quốc; ông học và nói tiếng Trung khá lưu loát.
Lần thứ hai đến Trung Quốc vào tháng 12/1940, với quân hàm Trung tướng, Chuykov là Tùy viên Quân sự và Cố vấn Quân sự cho Tổng Tư lệnh Quân đội Trung Quốc - Tưởng Giới Thạch. Sau đó, Chuykov đã đạt được nguyện vọng trực tiếp chiến đấu - ông được phái đến mặt trận Stalingrad.
Chuykov đã tham gia các chiến dịch lớn từ Stalingrad đến giải phóng Berlin; Nguồn: zagopod.com
Cận chiến
Khi Chuykov đến Stalingrad và nắm quyền chỉ huy Tập đoàn quân 62, quân đội Liên Xô đang ở trong một tình huống tồi tệ, phát xít Đức dồn họ đến Volga; chúng đông hơn về quân số, có nhiều xe tăng và máy bay hơn. Cánh quân của Paulus chỉ cách Volga 5-10km.
Quan sát hoạt động của không quân Đức, chúng tôi nhận thấy, các phi công của Đức Quốc xã đã ném bom không chính xác, chỉ ném bom vào vị trí tiền tiêu của chúng tôi khi có các dải hành lang rộng giữa các vị trí tiền tiêu của chúng tôi và quân Đức.
Điều đó đã cho chúng tôi ý tưởng giảm thiểu các dải trung gian đến mức cho phép - khoảng cách có thể ném lựu đạn, Chuykov viết trong hồi ký của mình. Chính chiến thuật cận chiến đã phát huy hiệu quả, làm cho đội quân của Paulus bị bối rối nghiêm trọng.
Các đơn vị đột kích nhỏ cũng đã được tổ chức để di chuyển dọc theo các lối đi ngầm và chiến hào giữa các ngôi nhà, bất ngờ phản công thọc sườn, không cho kẻ thù có thời gian nghỉ ngơi. Những người lính Chuykov giành từng tấc đất với quân Đức, và không cho phép chúng tiến về Volga.
Tướng tấn công
Cả binh lính Chuykov và binh lính Đức đều gọi ông như vậy sau trận Stalingrad. Danh hiệu không chính thức này đã được xác nhận trong chiến dịch giải phóng Berlin.
“Dành giật khu vực phòng thủ cuối cùng của Đệ tam Quốc xã được đánh dấu bằng chủ nghĩa anh hùng, phải trả giá bằng sức lao động và sự hy sinh của các chiến sỹ Xô viết. Các viên đá và viên gạch vỡ, mỗi tấc đất của quảng trường và đường phố của thủ đô nước Đức đã thấm đẫm máu của người Liên Xô. Họ muốn sống. Vì cuộc sống, vì hạnh phúc trên trái đất, họ đã tiến đến Berlin từ chính Volga, qua lửa đạn và chết chóc…”, Chuykov nhớ lại.
Trong các trận đánh chiếm Berlin, kinh nghiệm chiến đấu trên đường phố ở Stalingrad một lần nữa hữu ích, và các đơn vị tấn công lại được áp dụng.
Tượng đài Chuykov ở Volgograd; Nguồn: wikipedia.org |
Rửa tội bằng tay nắm
Vasily Chuykov lớn lên trong một gia đình nông dân đông con (gồm 12 anh em), tốt nghiệp lớp 4 tại một trường giáo xứ và khi 12 tuổi đã bắt đầu đi làm.
Mẹ ông là một phụ nữ rất sùng đạo. Và chính Chuikov đã mang theo một lời cầu nguyện viết tay trong thẻ quân nhân của mình. Mảnh giấy này được con trai ông tìm thấy sau cái chết của người cha. Con trai ông còn tiết lộ, ông có thói quen rửa tội bằng tay nắm.
Chúa cứu
Mùa đông năm 1943, Chuykov đích thân kiểm tra các tuyến chiến đấu và bị không kích. Túp lều nhỏ, trong đó vị tướng lúc đó đã nổi tiếng lánh nạn, bị 9 máy bay Đức ném bom. Ông đã nhảy ra khỏi túp lều, nhưng không có nơi nào nấp an toàn hơn, ông nhớ lại. Sau đó, ông chỉ đơn thuần tựa vào tường, thậm chí không cúi xuống, đứng nép vào tường suốt cả đợt không kích.
“Tôi rời khỏi bức tường, và nhận thấy bức tường găm đầy những mãnh đạn, chỉ có chỗ tôi tựa là còn nguyên vẹn. Một sự căng thẳng khủng khiếp, tôi đã không thể mở bàn tay đang nắm chặt ra và tôi có cảm nhận rằng Chúa đã cứu tôi.
Tôi tự trấn tĩnh, nhưng một lúc lâu mới xòe nắm tay ra được, cánh tay tôi bị chuột rút do căng thẳng, hoặc có thể do sự phấn khích. Sau đó, trở thành thói quen - tại Dnepr, Vistula, Berlin tôi lại nắm tay".
Đồi Mamaev trở thành một trong những địa danh quan trọng nhất trong cuộc đời của nhà quân sự tài ba. Vasily Chuykov là cố vấn quân sự chính trong việc tạo ra một quần thể tưởng niệm ở Volgograd. Ông trở thành bạn của nhà điêu khắc Evgeny Vuchetich.
Chính nhờ Vuchetich, vị Nguyên soái đã có thể dung hòa với thực tế là con trai ông không chọn nghề binh nghiệp, mà chọn nghề điêu khắc. Từ ấn tượng về tính cách của nhà quân sự, Vuchetich đã tạo ra tác phẩm điêu khắc nổi tiếng “Chiến đấu đến cùng” (Stand to death) - chân dung người lính Xô viết dũng mãnh với những nét mặt của vị Nguyên soái.
Tượng đài vinh danh người lính Xô viết tại quần thể tưởng niệm ở Volgograd; Nguồn: volfoto.ru |
Huyền thoại
Những người đương thời nói Chuykov nóng tính, thô lỗ. Những người ít biết về ông nói rằng, ông luôn đeo găng tay trắng. Đấy thực ra là băng y tế. Ở Stalingrad, Chuykov bị bệnh chàm dày vò, vết nứt xuất hiện trên tay, máu không ngừng rỉ ra.
Tay ông luôn được y tá chăm sóc, băng bó. Sau chiến dịch Stalingrad, căn bệnh đã khỏi, nhưng huyền thoại về găng tay trắng vẫn tồn tại trong một thời gian rất dài.
Năm 1981, vài tháng trước khi qua đời, Chuykov đã có một bức thư gửi Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, trình bày “Tôi cảm thấy tôi không còn sống được bao lâu nữa, trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo tôi đề nghị, sau khi tôi chết, hãy chôn tro cốt tôi tại ngọn đồi Mamaev ở Stalingrad - nơi ngày 12/9/1942 tôi đặt sở chỉ huy của mình.
Từ nơi đó, có thể nghe thấy tiếng gầm rú của dòng Volga, những loạt pháo và nỗi đau của Stalingrad đỗ nát; đó là nơi mai táng hàng ngàn chiến sỹ mà tôi đã chỉ huy”.
Nguyện vọng cuối cùng của một trong những nhà quân sự lỗi lạc đã được thực hiện. Nguyên soái, hai lần Anh hùng Liên Xô Chuykov được mai táng vào một ngày tháng ba lạnh lẽo.
Ông trở thành Nguyên soái duy nhất của Liên Xô trong lịch sử được chôn cất bên ngoài Moscow. Một số lượng rất lớn cư dân Volgograd đã đến tiễn đưa người từng bảo vệ thành phố đến nơi an nghỉ cuối cùng./.