Chạm tay đến giấc mơ Harvard
Đã một tuần trôi qua, cậu học sinh lớp 12 Toán 1 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam vẫn chưa tin bản thân sắp trở thành tân sinh viên của Đại học Harvard (Mỹ). "Đến giờ em vẫn thấy từ “Congratulations” (chúc mừng) của Harvard còn siêu thực lắm", Trí nói.
Nhớ lại những ngày cuối tháng 3, thời điểm các trường trong khối Ivy League hẹn thông báo kết quả trúng tuyển, Minh Trí và cả gia đình đều khá hồi hộp. Sáng 29/3, khi đang ăn sáng chuẩn bị đi học như mọi ngày, Trí bất ngờ nhận được thư báo từ nhiều trường.
"Em hồi hộp quá nên không tự mở thư, em nhờ mẹ", Minh Trí kể. Trong rất nhiều bức thư, mẹ Trí chọn mở của trường Duke đầu tiên. Bố mẹ Trí vui mừng hò reo khi em trúng tuyển ngôi trường xếp thứ 26 thế giới. Trí rất vui nhưng cố gắng điềm tĩnh, tự nhủ "đỗ một trường tuyệt vời như Duke thật sự quá tốt rồi".
Đúng 7h, Minh Trí vào bàn học, từ từ mở máy tính để xem thư báo từ ngôi trường hằng mong ước - Đại học Harvard. "Lần này em dũng cảm, tự tay mở kết quả" , Trí nói và cho biết em không chần chừ nhấn nút "view update" dứt khoát.
Chừng mấy giây sau, bức thư được gửi từ ngôi trường danh tiếng hiện ra trước mắt nam sinh lớp 12. Dòng chữ rất to, in đậm giữa màn hình "Congratulations". Minh Trí như vỡ oà.
Hạnh phúc và xúc động, nam sinh trường Ams nhảy lên, ôm lấy bố. Với Minh Trí, dòng chữ ngắn ấy thật ý nghĩa, đó là minh chứng cho những nỗ lực trong suốt thời gian dài.
Ngoài thư thông báo trúng tuyển, Minh Trí còn nhận được thư chúc mừng riêng của đại diện ban tuyển sinh Đại học Harvard. Nội dung bức thư tiếp thêm nhiều động lực cho nam sinh, khi nhấn mạnh chàng trai đất Việt trở thành mảnh ghép tuyệt vời trong đội ngũ sinh viên khoa Toán, Đại học Harvard.
Niềm vui ấy như được nhân lên gấp bội khi Minh Trí nhận thêm thông tin trúng học bổng toàn phần 9,3 tỷ/4 năm học từ ngôi trường danh giá bậc nhất thế giới.
Nam sinh trường Ams tiết lộ yêu thích Đại học Harvard không chỉ vì danh tiếng mà đó là nơi hội tụ của những tài năng đa sắc tộc mà không có sự phân biệt. Tất cả đều có nội lực tự thân đáng nể và học hỏi lẫn nhau. Minh Trí luôn mong bản thân được đích thân trải nghiệm và làm một phần của cộng đồng tuyệt vời đó.
Đến nay, sau một tuần nhận được kết quả, Minh Trí còn nguyên cảm xúc, vì để đỗ Đại học Harvard quả thực không dễ dàng. "Điều khó nhất về Harvard chính là cơ hội cho bất cứ ứng viên Việt Nam nào đều cực kỳ thấp, nhất là khi em nộp đơn ở kỳ Regular Decision với tỷ lệ cạnh tranh cực lớn và thời điểm đó, Harvard đã nhận một bạn Việt Nam từ kỳ nộp đơn sớm" , Minh Trí nói.
Mỗi năm Đại học Harvard chỉ nhận 1-2 sinh viên từ Việt Nam, cơ hội đỗ vào ngôi trường này được nhân định là quá mong manh với bất cứ học sinh nào. Minh Trí đã xuất sắc làm được điều gần như không thể ấy, nhờ đam mê toán học của mình.
Yêu Toán qua nghệ thuật
Từ khi còn là học sinh cấp 2, Minh Trí bộc lộ tài năng ở lĩnh vực Toán học. Bên cạnh thời gian học trên lớp, Minh Trí dành nhiều thời gian tham gia vào các hoạt động liên quan đến Toán như tự nghiên cứu và viết các bài báo khoa học.
Trong một lần được mẹ đưa đi tham quan triển lãm về nghệ thuật tạo hình từ các chất liệu đường dẻo, Trí nhận ra Toán học và nghệ thuật còn có những mối liên kết đặc biệt với nhau. Từ đó Trí càng say mê Toán học và tìm cho bản tân cách tiếp cận mới khi nghiên cứu lĩnh vực này thông qua nghệ thuật.
"Toán học và nghệ thuật có thể giúp nhau phát triển. Ví dụ người ta có thể tìm ra tất cả các “kiểu” xếp họa tiết khi thiết kế 1 mẫu tessellation (tạm dịch là lát gạch) nhờ vào các phép dời hình như phép quay, phép đối xứng trục, phép tịnh tiến hay kết hợp các phép này với nhau...", Minh Trí nói.
Nam sinh lớp 12 cho rằng, việc học Toán sẽ thú vị hơn khi có hình vẽ đẹp để nhìn thay vì những trang dài công thức. Để chinh phục đam mê, Minh Trí đọc về Toán từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt say mê với các chủ đề lạ về Toán trong các diễn đàn khoa học.
Ở tuổi 17, Minh Trí đã có hai nghiên cứu độc lập về Toán. Trong đó một bài báo khoa học dài 40 trang về hình học phi Euclid và một nghiên cứu về phương pháp giáo dục Toán học cho nhóm học sinh cấp 2.
Minh Trí thần tượng Steven Strogatz - nhà Toán học người Mỹ vì ông luôn tích cực truyền bá Toán học đến đại chúng. Có lẽ tinh thần đó trở thành động lực để nam sinh tổ chức nhiều buổi hướng dẫn học sinh cấp 2 sử dụng thuật toán để gấp giấy origami, vẽ fractal (hình phân dạng) trên bánh macaron.
Các buổi học do nam sinh này "đứng lớp" thường đem đến những cái nhìn mới về Toán học cho các học sinh khoá dưới. Bằng cách kể các câu chuyện Toán học gắn với biểu tượng khối đa diện, Trí giúp các em nhỏ tiếp cận Toán học vui vẻ hơn.
Niềm đam mê Toán học mỗi ngày càng lớn trong cậu học sinh trường Amsterdam. Đó cũng là lý do Minh Trí muốn tiếp tục theo đuổi lĩnh vực này khi lên đại học.
"Khi quyết định du học, em luôn mơ ước được học ở những trường có khoa Toán thuộc top đầu thế giới, Đại học Harvard là một trong số đó. Em luôn khao khát được học môn Math 55 - phân môn nổi tiếng khó và chỉ có ở ngôi trường này" , Minh Trí bộc bạch.
Biến niềm tự hào thành hành động
Với Minh Trí, Đại học Harvard là niềm tự hào lớn. Trong bài luận gửi đến ngôi trường này, cậu học sinh chuyên Ams bày tỏ rõ quan điểm về tình yêu Toán học.
Harvard yêu cầu mỗi ứng viên nộp một bài luận chính 650 từ và 5 bài luận phụ mỗi bài 200 từ. Dành nhiều tâm huyết nhất cho bài luận chính nhưng bài khiến Trí tâm đắc nhất lại là bài luận phụ. Nam sinh đã đề cập đến việc sẽ sử dụng nền giáo dục ở Đại học Harvard như thế nào trong tương lai.
"Em tiếp cận bài luận này theo cách riêng, nói lên quan điểm về mối liên hệ giữa giá trị của bản thân và lòng tự hào. Bất cứ ai trở thành sinh viên Đại học Harvard đều sẽ vô cùng tự hào và chắc chắn em sẽ không để những giá trị của bản thân được quyết định chỉ bởi danh tiếng của trường" , Minh Trí bày tỏ.
Nam sinh lớp chuyên Toán không muốn lãng phí 4 năm chìm đắm vào niềm tự hào mà sẽ tập trung tối đa vào phát triển khả năng học thuật trong chuyên ngành Toán học. " Em sẽ phát triển dự án giáo dục Toán học liên ngành nghệ thuật lên tầm cao mới bằng cách tận dụng tối đa những cơ hội mà cộng đồng học thuật sôi động của Harvard mang lại" , Minh Trí quyết tâm.
Tháng 8 này, nam sinh trường Ams sẽ chính thức trở thành tân sinh viên ngôi trường xếp thứ 4 thế giới theo xếp hạng năm 2024 của QS.
Trong thời gian chờ đợi, Minh Trí thường xuyên theo dõi các diễn đàn của trường để hiểu thêm về cuộc sống và chương trình học ở đây. Nam sinh cũng đang học thêm các kỹ năng mềm và rèn luyện sức khoẻ, sẵn sàng cho 4 năm học xa nhà. Thời gian rảnh rỗi, Minh Trí chơi guitar hoặc tập võ.
Chàng trai yêu Toán học bật mí: "Sau khi chinh phục các bậc học cao hơn ở Mỹ, em muốn về Việt Nam làm việc và cống hiến cho sự phát triển của quê hương".