Trần Nguyên Khoa, 21 tuổi, sinh sống tại TP. HCM, hiện đang là sinh viên trường Đại học RMIT. Em từng nhận được học bổng UWC trị giá 55.000 USD (khoảng 1,3 tỷ đồng) khi học lớp 10. Sau khi tốt nghiệp THPT, nam sinh có 2 năm học Đại học bên nước Mỹ.
Từ kinh nghiệm thực chiến, Nguyên Khoa sẽ đưa ra lời khuyên hữu ích cho các bạn học sinh về việc chinh phục học bổng UWC, mở ra cơ hội được học tập tại những ngôi trường danh tiếng bậc nhất thế giới.
UWC là gì? Tầm quan trọng của UWC đối với việc đi du học
UWC (United World Colleges) nghĩa là Trường Liên kết thế giới. Đây là hệ thống gồm 15 trường trên khắp thế giới. Học bổng UWC được đánh giá là học bổng cấp 3 toàn phần danh giá nhất thế giới với cơ hội nhận học bổng 100% tại 18 trường hàng đầu ở 4 châu lục. Với nhiều bạn trẻ năng động và có năng lực, thay vì chờ đến đại học mới xin học bổng thì ngay từ khi lên cấp 3 đã có thể chuẩn bị "apply" học bổng UWC.
Có 2 cách để trúng tuyển học bổng UWC. Cách đầu tiên, bạn có thể nộp qua NC (Natinal Committee), nghĩa là Hội đồng tuyển sinh của từng nước. Người được chọn gọi là cholars. Có khoảng 140 quốc gia có NC, một vài nước lớn như Canada thì sẽ có NC của từng bang. Cách thứ hai là nộp trực tiếp cho trường, gọi là day-student.
Chân dung nam sinh Trần Nguyên Khoa.
Tuy nhiên, điều kiện để bạn "apply" theo cách này là bạn phải trở thành công dân của quốc gia đó. Như vậy, đa số học sinh Việt Nam chỉ có thể chọn cách nộp qua NC. Đối với UWC, không có trường nào là trụ sở chính, tất cả đều như nhau. Các trường đều sử dụng ngôn ngữ chung là tiếng Anh. Mục tiêu chung của UWC là đào tạo học sinh trở thành những con người có tâm hồn rộng mở, có cái nhìn sâu sắc và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của thế giới.
Mỗi trường sẽ có những đặc điểm riêng biệt. Bạn có thể tham khảo một số trường nằm trong hệ thống UWC như: UWC Atlantic (Wales), Pearson College UWC (Canada), UWC South East Asia (Singapore), UWC Adriatic (Ý), Red Cross Nordic UWC (Nauy), Robert Bosch UWC (Đức), UWC Changshu China (Trung Quốc),…
10 lưu ý "APPLY" học bổng UWC sát thời hạn
1. Có nhiều bạn đang phân vân không biết còn 1 tuần đóng đơn thì có nên "apply" UWC không. Các bạn có nhiều lý do khiến bản thân lo lắng như: Sợ năng lực mình không đủ tốt, sợ không chuẩn bị đủ profile (hồ sơ). Hay thậm chí, các bạn đã thực hiện hồ sơ nhưng giữa chừng bận rộn với những dự định khác nên nản chí.
Trả lời cho việc nên "apply" hay không là "rất nên nhưng cũng tuỳ lựa chọn của các bạn". Lý do là nếu các bạn đặt mục tiêu cao, hướng đến "apply" những ngôi trường Đại học top đầu thế giới thì mình nghĩ rất cần học bổng UWC. Ngoài GPA, bài luận, phỏng vấn, kỹ năng, hoạt động thể thao, kinh nghiệm thực tế, kỳ thực tập, hoạt động ngoại khoá, thành tích học thuật, tài chính thì danh tiếng của ngôi trường cấp 3 rất hữu ích cho quá trình "apply".
Học bổng UWC cũng gần giống việc bạn có giải trong kỳ thi HSG quốc gia, sẽ là điểm cộng khi "apply". Trúng tuyển UWC giúp bạn giảm bớt áp lực giữa "rừng" hồ sơ đến từ những học sinh ưu tú. Hơn thế, có học bổng UWC còn giúp bạn nâng tầm giá trị, mở ra nhiều cơ hội trúng tuyển Đại học top đầu sau này.
Một học sinh UWC có điểm IELTS 7.5 sẽ đứng ngang tầm với học sinh IELTS 8 - 8.5 từ 1 trường khác (nếu những tiêu chí khác ngang nhau). Vì vậy, nếu các bạn quyết tâm vào Đại học danh giá thì "UWC is a must you should at least try" (UWC là điều bạn nên thử ít nhất là một lần).
Nguyên Khoa nhận học bổng UWC trị giá 55.000 USD (khoảng 1,3 tỷ đồng) khi học lớp 10.
Tuy nhiên nếu bạn lựa chọn những ngôi trường quốc tế ở Việt Nam như VinUni, Fulbright, RMIT thì hãy suy nghĩ về những trải nghiệm UWC mang lại. Việc học tập trong một môi trường đa quốc gia, đa bản sắc văn hóa thú vị lắm đấy. Giờ các trường Đại học không kỳ thị việc bạn "gap year" hay học muộn. Vì thế, việc bạn thiếu trải nghiệm ở cấp 3 sẽ được UWC hỗ trợ tối đa về kiến thức và kỹ năng, giúp "lấp đầy lỗ hổng" ấy.
Dù bạn đang ở trong hoàn cảnh nào, mình nghĩ UWC có thể cung cấp những thứ bạn đang thiếu nên đừng chần chữ nữa. Hơn nữa, việc "apply" vào UWC chỉ mất thời gian viết luận và điền thông tin, hoàn toàn không mất chi phí. Nhiều bạn sợ "apply" tốn thời gian, áp lực hay còn bận quá nhiều công việc khác nhưng mình nghĩ cứ làm theo bản thân mách bảo.
Thú thật, trước đây hồ sơ "apply" của mình không được chỉn chu. Mình chỉ có 6 tiếng để chuẩn bị mọi thứ và không nghĩ sẽ trúng tuyển. Vì vậy, các bạn hãy dũng cảm bước ra vùng an toàn, hãy thử sức đi, còn chuyện đỗ hay trượt là do NC quyết định. Nếu may mắn được vào vòng trong, bạn sẽ mở rộng mối quan hệ, điều này mang lại nhiều lợi ích sau này.
2. Cứ bình tĩnh "take your time" (dành thời gian) cho việc "apply". Khi đã quyết định làm hồ sơ thì nên cẩn thận kiểm tra lại những ý mà bản thân đã trình bày. Hãy tự hỏi bản thân xem đây đã đúng ý tưởng, nguyện vọng mình muốn diễn đạt chưa. Đôi khi ý tưởng không cần bay bổng nhưng cần đảm bảo đúng nội dung muốn truyền tải. Không phải ai "apply" UWC cũng có năng lực tiếng Anh tuyệt vời nên hãy dùng google dịch để kiểm tra lại. Hãy nhớ dịch cả chiều ngược lại để kiểm tra ý của mình có bị lệch hay không.
3. Các bạn cần điền đầy đủ và chính xác thông tin cơ bản. Nếu bạn điền sai tên của bản thân, bố mẹ, email, số điện thoại thì cần xin NC chỉnh sửa lại. Điều này rất phức tạp, phiền phức.
4. Đừng nản chí vì còn ít thời gian "apply". Nhớ năm mình "apply" UWC, chỉ còn 1 tuần đóng đơn thì mình mới biết đến học bổng tuyệt vời này. Hai ngày sau mình bắt đầu đi xin thư giới thiệu. Vì vậy, nếu bạn nào chưa hoàn thành hồ sơ hay bây giờ mới bắt tay thực thiện thì hãy bình tĩnh, đừng quá lo lắng. Hãy cứ mạnh dạn "apply", làm được chỉn chu thì tốt, còn không cũng không sao, miễn là mình đã tạo cơ hội cho bản thân.
5. Về phần bài luận, mình nghĩ bạn nào bí ý tưởng thì có thể tưởng tượng, nếu người yêu/bạn thân/người mình tin tưởng nhất hỏi mình những câu đó. Và mình muốn trả lời họ thật lòng với mong muốn để họ hiểu tâm tư và ước mơ của mình thì sẽ có bài luận thú vị. Lúc mình "apply" cũng không ai hướng dẫn, mình chỉ tự tưởng tượng và triển khai.
6. Bạn đừng ngại rằng có yếu tố nào của bản thân sợ NC thấy không nổi bật. Mình từng tư vấn cho nhiều học sinh "apply", khi được hỏi về hoạt động ngoại khóa đã thực hiện, bạn ấy mới ngơ ngác hỏi lại: "Ủa, em được kể về những trải nghiệm đó ạ?". Tóm lại, nếu bạn có những trải nghiệm nào, dù chỉ là tham gia CLB bình thường bàn về anime (phim hoạt hình) hay là thành viên nhóm những người cùng thích về hiện tượng "xàm xí" nào về Vật lý cũng được.
7. Đối với phần "Technical Skill" (Kĩ năng Công nghệ), các bạn có thể điền những kỹ năng khác như: Hội hoạ, văn học, gấp giấy, giải tranh luận, nấu ăn, âm nhạc, bơi lội,…
8. Đối với phần "Supporting Document (Tài liệu bổ sung), các bạn đừng chỉ gửi đơn thuần giấy chứng nhận tham gia các hoạt động ngoại khóa. Các bạn nên đưa ra những sản phẩm đã làm như: Video đánh đàn, video ca hát và nhảy, các bức tranh, những bài tản văn, thơ, blog,… Mình thấy có khá nhiều blog thú vị như "Góc nhỏ của Hanh", "Chill with me",… Dù nó không quá chỉn chu hay được nhiều người follow (theo dõi) nhưng mình nghĩ NC vẫn "prefer" (thích hơn) vì thấy được nhiều khía cạnh của bản thân bạn hơn là những tờ giấy chứng nhận tẻ nhạt.
9. Về tài chính, các bạn không cần lo lắng nhiều, cứ điền đầy đủ theo form của NC, chủ yếu phần quan trọng nhất là khả năng gia đình hỗ trợ bao nhiêu. Ngoài ra, NC sẽ tự xử lý phần tài chính và trao cho bạn suất học bổng phù hợp với mức tài chính đó. Có nhiều bạn hỏi mình rằng tài chính có ảnh hưởng nhiều việc trúng tuyển không. Câu trả lời sẽ là có. Tuy nhiên, mình xin nhấn mạnh đây là góc nhìn của cá nhân mình. Bởi dù bạn "apply" học bổng nào, tài chính cũng sẽ tác động ít nhiều đến việc đó.
NC cũng từng chia sẻ: "Khi mọi thành phần của bộ hồ sơ đều quan trọng như nhau, ưu tiên sẽ được trao cho các học sinh không có điều kiện tiếp xúc với trải nghiệm tương đương hoặc học sinh có thể nhận được nhiều lợi ích nhất từ cơ hội này. Vì thế, học sinh đến từ các vùng nông thôn và học sinh có hoàn cảnh khó khăn được khuyến khích nộp đơn". Đừng lo lắng quá nhiều về vấn đề tài chính, thậm chí ngay chi phí "apply", các trường cũng không thu.
10. Ngay cả khi tiếng Anh không tốt, mình khuyên các bạn cứ viết tiếng Việt rồi dịch sang tiếng Anh bằng google dịch. Lúc phỏng vấn với ban tuyển sinh, các bạn có thể xin phỏng vấn bằng tiếng Việt. Và cứ thật thà trả lời rằng mình cần sự hỗ trợ của google dịch.
NC cũng đã nói: "Xin lưu ý, chúng tôi không yêu cầu bất kỳ bằng cấp, chứng chỉ tiếng Anh nào. Tuy nhiên, ứng viên nên biết cách giao tiếp và truyền đạt hiệu quả bằng tiếng Anh". Vì vậy, các bạn không biết tiếng Anh cũng được. Nhưng quan trọng bạn cần sẵn sàng học để có thể giao tiếp bằng tiếng Anh.
Tóm lại, tiếng Anh là con đường thuận lợi nhất để giao tiếp. Khi đi du học, nhà trường vẫn sẽ có những chương trình đào tạo tiếng Anh. Năm mình "apply" học bổng UWC, nhiều người vẫn trúng tuyển dù không biết "elephant" là voi hay "spaceship" là tàu vũ trụ. Và lúc mình đi du học, còn gặp một bạn từ châu Phi chỉ biết nói tiếng Pháp. Nhưng sau 1 năm, bạn ấy đã sử dụng tốt tiếng Anh để thuyết trình, học tập trên lớp, phát biểu và viết bài luận.