Đặt kỳ vọng vào bản thân quá cao
Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Phan Thanh Huyền, Khoa Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện E) cho biết, áp lực thi cử là điều khó tránh khỏi với học sinh. Ngay từ khi bước vào học lớp 1 trẻ đã phải chịu những áp lực học tập. Áp lực đó sẽ ngày càng lớn và tập trung vào các kỳ thi cuối cấp lên lớp 10 hoặc thi đại học.
Áp lực lớn, kỳ vọng quá cao vào bản thân và kỳ vọng từ phía gia đình khiến cho không ít các trường hợp trẻ vị thành niên rơi vào các rối loạn tâm thần.
Trẻ thi vào lớp 10 (ảnh minh hoạ - ST)
Điển hình, mới đây, một trường hợp của nam sinh tên Hải (*) thi trượt lớp 10 đã được gia đình đưa tới khoa Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện E) khám do có những hành động bất thường.
Theo thạc sĩ Huyền, Hải đã thi lại lần hai. Năm học trước nam sinh thi vào trường điểm nhưng thiếu mất 0,25 điểm.
Năm đầu sau khi thi trượt, bố mẹ Hải cho con tự quyết định giữa 2 phương án là đi học ở trường tư thục hoặc thi lại. Hải đã quyết định đi học ở một trường tư. Tuy nhiên, học hết kỳ 1, em đã quyết định nghỉ học để ôn thi lại.
Hải có nói với thạc sĩ Huyền: “Con phải thi đỗ trường điểm mới khẳng định được năng lực của con”. Tuy nhiên, khi thi lại năm thứ 2, Hải vẫn thiếu 0,25 điểm mới đỗ. Khi có kết quả thi, nam sinh rất buồn, về nhà đã chui vào tủ quần áo ngồi, thường xuyên trốn trong các góc tối, xó nhà. Nam sinh bỏ ăn và thường tự trách chính mình.
Bố mẹ Hải tâm sự: “Con luôn trách con không xứng đáng là con của bố mẹ; Con kém cỏi không bằng anh chị nên mới trượt; Anh chị chỉ thi một lần đã đỗ mà con thi 2 lần vẫn trượt…”.
Khi thạc sĩ Huyền hỏi chuyện, Hải trả lời rất lộn xộn. Mỗi một câu hỏi nhà tâm lý đưa ra Hải đểu mất thời gian rất lâu để trả lời. Tuy nhiên, lúc trả lời nam sinh nói chuyện rất vô nghĩa. Nhà tâm lý phải hỏi lại 3-4 lần mới biết Hải đang trả lời vấn đề gì.
Trong suốt quá trình trò chuyện với thạc sĩ Huyền, nam sinh có những cơn hoảng sợ, tự lấy tay ôm lấy mình và lẩm bẩm nói: “Cô ơi! Con sợ lắm, có nhiều người ngoài kia họ chỉ tay và nói con”.
Nam sinh có đôi lúc trong đầu trống rỗng, cũng có lúc thấy có nhiều người xúi: “Mày chết đi! Vì mày không xứng đáng”.
Về hành vi, theo bác sĩ Huyền, nam sinh không ăn cùng bố mẹ, tự ăn một mình trong phòng. Nam sinh thích uống nước ngọt có ga và uống rất nhiều. Gia đình không có nước ngọt uống, Hải tự lấy tiền mua nước ngọt tích trong phòng uống dần. Khi bố mẹ ngăn cản không cho Hải uống nước ngọt, Hải kêu gào, đập phá.
Kết quả chẩn đoán sơ bộ cho thấy Hải xuất hiện dấu hiệu trầm cảm, lo âu, ảo giác, có ý định tự sát. Bệnh nhân đã có chỉ định nhập viện nhưng gia đình xin về vì nam sinh từ chối không muốn điều trị. Khi về nhà, bố mẹ khuyên nam sinh nhập viện thì Hải khoá cửa và kiên quyết không nhập viện.
Theo thạc sĩ Huyền, những hành động bất thường của Hải đã xuất hiện từ sau lần thi trượt đầu tiên. Tuy nhiên, bố mẹ Hải cho rằng con buồn rồi sẽ tự vượt qua nên không nghĩ con sẽ bị rối loạn tâm thần.
Thạc sĩ Huyền cho hay, mỗi một trường hợp tới bệnh viện thăm khám sau mỗi đợt thi cử sẽ có các vấn đề khác nhau. Có bạn đã có sự tích tụ từ rất lâu và bước vào kỳ thi lớp 10 mới bùng nổ căng thẳng. Một số bạn xuất hiện căng thẳng, stress, sợ hãi vì không đạt được kỳ vọng.
Phát hiện trẻ có bất thường
TS.BS Nguyễn Hữu Chiến, trưởng Khoa Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện E) cho biết, với trường hợp bệnh nhân Hải, bệnh nhân đã có trầm cảm, loạn thần, ý tưởng hành vi tự sát. Nếu bệnh nhân không được điều trị sẽ rất nguy hiểm có thể xảy ra trường hợp xấu nhất là tự sát tại nhà.
Với trường hợp này, bệnh nhân cần phải nhập viện để được điều trị uống thuốc và điều trị tâm lý nhằm giảm được hành vi triệu chứng, giảm hành vi tự sát.
Trẻ có sức ép về thi cử học tập, trẻ quá kỳ vọng một điều gì đó mà không đạt được sẽ có nguy cơ gặp vấn đề rối loạn tâm thần.
TS. BS Chiến cho rằng, sức ép học tập là một quá trình và thường rơi vào các năm cuối cấp. Trước những căng thẳng, có học sinh tự điều chỉnh được nhưng có học sinh thì không và gây ra vấn đề sức khoẻ tâm thần như: rối loạn giấc ngủ, đau đầu, căng thẳng, trầm cảm…
Việc phát hiện trẻ có những rối loạn tâm thần không hề khó. Thông thường trẻ sẽ có sự thay đổi về: tư duy, cảm xúc, hành vi. Trẻ nói chuyện, trả lời các câu hỏi một cách rời rạc, hay cáu gắt, đập phá, trẻ ăn vô độ hoặc không ăn uống, một số trẻ sẽ tự làm đau bản thân mình, trẻ thu mình giảm kết nối bên ngoài xã hội,…
Theo chuyên gia, khi bố mẹ thấy con có bất cứ triệu chứng bất thường nào, cha mẹ cũng nên đưa trẻ đi khám sớm để được can thiệp điều trị tránh những sự việc thương tâm.
(*): Tên nhân vật đã được thay đổi.