Nam sinh Palestine: “Em có 20 lời mời về quê ăn Tết"

Nguyễn Thảo |

Adam, 19 tuổi, người Palestine hiện đang là sinh viên năm thứ nhất ngành Kỹ thuật y sinh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Năm nay là năm thứ 2 cậu ăn Tết ở Việt Nam.

Trước khi theo học Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Adam từng có một năm học tiếng Việt và tìm hiểu văn hóa Việt Nam ở ĐH Hà Nội.

Gặp Adam trong một chương trình giao lưu văn hóa Tết dành cho sinh viên người nước ngoài đang học tập ở Việt Nam, ấn tượng đầu tiên về chàng trai này là sự hòa đồng, sôi nổi của một chàng trai 19 tuổi. Adam hào hứng tham gia tất cả các trò chơi dân gian, từ kéo co, bắt vịt cho tới làm bánh chưng…

Adam bảo, “Tết Việt Nam rất vui. Em rất thích”.

Nam sinh ĐH Bách khoa kể, ở Palestine cũng có nhiều ngày lễ Tết vì có nhiều đạo: Hồi giáo, Do Thái, Thiên Chúa… Ngày lễ Tết của mỗi đạo rơi vào những thời điểm khác nhau trong năm và thời gian kéo dài cũng khác nhau.

Nam sinh Palestine: “Em có 20 lời mời về quê ăn Tết - Ảnh 1.

Adam - nam sinh người Palestine đang học năm thứ nhất ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thảo

“Tuy nhiên, Tết Việt Nam và Tết dương lịch ở Palestine cũng có nhiều thứ giống nhau: đều có pháo hoa, đi thăm họ hàng người thân và đều có lì xì”.

Adam khoe có rất nhiều bạn bè ở Việt Nam và rất hay được các bạn rủ đi chơi. Cậu từng đi Thái Nguyên, Nam Định, Phú Quốc… Đây cũng là những cơ hội rất tốt để chàng trai người Palestine học tiếng Việt, tìm hiểu về văn hóa Việt.

Tết này em có 20 lời mời về quê ăn Tết. Nhưng em chỉ về gia đình một người bạn ở Thái Nguyên để ăn Tết. Luôn luôn là như vậy. Nhưng em cũng rất sợ từ chối các bạn khác khiến các bạn buồn”.

Năm ngoái, Adam cũng về ăn Tết với gia đình người bạn ở Thái Nguyên này. Đây là một người bạn hiện đang học tập ở Palestine nhưng không thể về quê ăn Tết cùng gia đình. “Gia đình bạn ấy rất tốt bụng. 

Em rất vui và hạnh phúc khi được ăn Tết ở đây. Về đây, em có cơ hội được học cách làm bánh chưng, biết người Việt Nam làm gì trong ngày Tết. Lúc giao thừa em xem pháo hoa cùng gia đình. Ngày mồng 1, em cũng đi lễ chùa” – Adam kể.

Đặc biệt, một kỷ niệm ở đây khiến chàng trai Palestine nhớ mãi về tình cảm của gia đình người bạn dành cho mình. 

“Em theo đạo Hồi nên không ăn thịt lợn, vì thế món bánh chưng em cũng không thể ăn. Nhưng gia đình bạn đã làm riêng cho em món bánh chưng nhân thịt bò để em có thể cùng thưởng thức và chung vui với gia đình”.

Khi được hỏi có buồn không khi chứng kiến sự sum họp ngày Tết trong khi bản thân đang phải sống xa nhà, Adam nói: “Em rất nhớ nhà. Nhưng em không có thời gian để buồn. Em đi học, đi làm, đi chơi cùng các bạn. Người Việt Nam rất tốt với em. Em yêu Việt Nam và yêu tiếng Việt”.

“Em luôn luôn cảm ơn Chính phủ và người Việt Nam đã cho em học bổng 100% ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đã cho em cơ hội được học tiếng Việt và tìm hiểu văn hóa Việt Nam”.

Chàng trai này cũng chia sẻ, mặc dù Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chưa có nhiều kinh nghiệm về giảng dạy sinh viên nước ngoài, nhưng môi trường học tập của trường rất tốt. Các thầy cô, bạn bè ở đây đã giúp đỡ cậu rất nhiều để đạt được kết quả học tập tốt. 

Hiện tại, Adam là một trong 3 sinh viên quốc tế của khoa. “’Số lượng sinh viên quốc tế của trường đang ngày một nhiều hơn. Em hi vọng, trong tương lai, ĐH Bách khoa sẽ trở thành một trường đại học quốc tế”.

Ngoài ngành Kỹ thuật y sinh ở Bách khoa, Adam còn nhận được học bổng 80% của ngành Kinh tế tài chính, ĐH Anh quốc Việt Nam.

“Em chưa quyết định sau khi tốt nghiệp sẽ làm việc ở đâu. Đất nước em chưa có hòa bình Em rất thích được sống ở Việt Nam, được giúp xây dựng mối quan hệ của 2 nước. Đó là lý do em sang Việt Nam học”.

Adam cũng tiết lộ, cậu tự đặt cho mình một cái tên tiếng Việt là Hùng. “Hùng là anh hùng đấy chị. Nhưng nhiều bạn hay trêu em là “anh hùng rơm””.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại