Sau 4 ngày điều trị tại bệnh viện, đến nay nam thanh niên vẫn cảm thấy sợ hãi mỗi khi nghĩ về giây phút bình ga mini phát nổ.
Thời tiết lạnh giá, ăn lẩu thường trở thành lựa chọn cho các cuộc hội họp gia đình, bạn bè. Tuy nhiên, vấn đề về an toàn cháy nổ do sử dụng bình ga, cồn… vẫn luôn là một vấn đề đáng báo động. Có không ít những trường hợp bị bỏng cồn, nặng hơn là dập nát bàn tay, cẳng tay, thậm chí có nhiều trường hợp tử vong do cháy nổ khi sử dụng bình ga, cồn,...
Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã tiếp nhận trường hợp nam sinh C.N.T (15 tuổi, Hải Dương) gặp tai nạn sinh hoạt do nổ bình ga mini khi đang ăn lẩu.
Sau 4 ngày phẫu thuật, nam sinh T vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ tai nạn. T chưa từng nghĩ tới việc nổ bình ga mini lại có thể gây ra tình trạng nghiêm trọng, khiến em mất 1 bàn tay như vậy.
T nhớ lại, ngày hôm đó, nam sinh đi học về muộn và một mình ăn lẩu. Khi T đang ăn dở thì bình ga hết, sau đó nam sinh đã thay bình ga thì bình ga phát nổ.
"Khi tai nạn xảy ra em đã rất hoảng sợ", T chia sẻ.
Ngay lập tức T được người nhà đưa tới bệnh viện tuyến huyện băng bó và chuyển lên tuyến Trung ương.
Ths.BS nội trú Đỗ Quang Hưng, Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, nam bệnh nhân vào viện trong tình trạng dập nát bàn tay trái do nổ bình ga mini. Người nhà bệnh nhân chia sẻ trong quá trình ăn lẩu, bệnh nhân có thay bình ga mini và phát nổ sau đó dẫn đến việc dập nát bàn tay.
Khi vào viện, bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành khám cấp cứu, đánh giá trình trạng tổn thương. Bệnh nhân bị tổn thương dập nát nặng ở bàn tay, mất và dập nát các ngón II, III, IV của bàn tay trái, phần mềm của bàn tay dập nát nhiều, tình trạng đầu ngón tay cái và ngón tay út vẫn còn hồng.
Bác sĩ Hưng cho hay: "Với những trường hợp tổn thương dập nát nặng như vậy, các bác sĩ sẽ cố gắng bảo tồn tối đa bàn tay, phần mềm để giữ chức năng tốt nhất cho bàn tay…
Hiện tại, sau mổ ngày 18/1 đến nay, tình trạng bệnh nhân tương đối ổn định, đã cử động được ngón tay nhưng còn hạn chế".
Qua trường hợp của bệnh nhân T, bác sĩ Hưng cảnh báo, hiện nay là thời điểm cận Tết, tổng kết cuối năm, đây cũng là dịp gia đình, bạn bè đoàn tụ, quây quần ăn uống nên mọi người thường sẽ chọn ăn lẩu có sử dụng bếp ga hoặc bếp cồn. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng bếp kém chất lượng khi ăn lẩu vẫn khá phổ biến. Các loại bếp ga kém chất lượng sẽ làm tăng nguy cơ cháy nổ và bỏng; nhẹ thì gây bỏng ngoài da, nặng gây tổn thương bàn tay, cánh cẳng tay thậm chí nhiều trường hợp tử vong do tai nạn đáng tiếc.
Để giảm thiểu tối đa những tai nạn nổ binh ga, BS Hưng khuyến cáo khi ăn uống, người dân nên lựa chọn bếp an toàn hơn, chẳng hạn như bếp từ hoặc bếp hồng ngoại.
Ngoài tai nạn cháy nổ do ăn lẩu, bác sĩ Hưng cũng lưu ý thêm các tai nạn ở bàn tay do pháo nổ, chơi pháo tự chế. Do vậy, để dịp năm hết Tết đến sắp tới được trọn vẹn, người dân cần lưu ý các vấn đề liên quan đến cháy nổ.