Tiểu Vỹ (13 tuổi, sống tại Giang Tô, Trung Quốc) là một cậu bé bị bố mẹ chiều chuộng từ nhỏ nhưng lại chiều sai cách. Gia đình Tiểu Vỹ có điều kiện kinh tế, bố mẹ đều rất bận rộn nên từ nhỏ luôn mua cho cậu mọi thứ cậu muốn như một cách bù đắp vì không có thời gian ở bên con nhiều.
Số tiền tiêu vặt bố mẹ Tiểu Vỹ cho cậu luôn nhiều gấp 3,4 lần so với các bạn cùng lớp. Tiểu Vỹ cũng không ăn chơi đua đòi, hầu hết số tiền này cầu đều dùng để mua đồ ăn vặt. Bởi vì Tiểu Vỹ không thích ăn cơm nhà, rất mê các món đồ ăn nhanh và nước ngọt. Chính vì vậy mà Tiểu Vỹ ở tuổi 13 cao khoảng 170cm nhưng nặng tới gần 100kg.
Bố mẹ Tiểu vỹ cho biết, hồi nhỏ thấy con mập mạp rất hài lòng nhưng lớn lên thì bắt đầu lo lắng. Tuy nhiên, sau một vài lần thấy con khổ sở, không ngủ được khi phải ăn kiêng, tập thể dục để giảm cân thì không đành lòng. Nhận ra ngực con to hơn các bạn nam khác rất nhiều nhưng họ cũng đơn giản cho rằng đó là vì thừa cân, đang rối loạn nội tiết tuổi dậy thì. Sợ rằng nếu nhắc đến đặc điểm giới tính nhạy cảm như vậy sẽ khiến con xấu hổ, con cũng không muốn đi khám.
Cho đến thời gian gần đây, mẹ Tiểu Vỹ nhận ra cậu bé trầm tính hẳn đi, thường mặc đồ rất rộng, đi khom lưng và trốn các tiết thể dục ở trường. Hỏi ra mới biết Tiểu Vỹ xấu hổ vì bộ ngực quá khổ của mình. Cậu cũng thường bị bạn bè ở lớp trêu trọc về giới tính, thậm chí còn bị quấy rối bằng hành động. Người mẹ nghe xong vừa tức giận vừa xót xa. Ngay lập tức phản ánh với nhà trường và đưa con tới Bệnh viện Zhongda trực thuộc Đại học Đông Nam (Nam Kinh, Giang Tô, Trung Quốc) thăm khám.
Bác sĩ Vương Dao của bệnh viện kể lại, bà cũng phải bất ngờ khi thấy kích thước ngực của Tiểu Vỹ. Điều đáng lo hơn là hỏi bệnh sử cho thấy kích ngực Tiểu vỹ tăng kích thước rất nhanh trong thời gian ngắn. “ Có thể mô tả một cách dễ hình dung, ngực của bệnh nhi tăng tương đương từ cúp A lên cúp C chỉ trong chưa đầy nửa năm. Trong khi đó, cân nặng không có thay đổi lớn. Chúng tôi thực hiện thêm nhiều kiểm tra và kết luận bệnh nhi bị bệnh lý tăng sản vú gynecomastia - bệnh vú to ở nam giới.
Bên cạnh béo phì mức độ 1, bệnh nhi có chỉ số mỡ máu cao, mắc tiểu đường tuýp 2. Tất cả những điều này đều đến từ thói quen ăn uống không lành mạnh trong thời gian dài. Bệnh nhi ăn quá nhiều đồ ăn nhanh, chất béo chuyển hóa, nước ngọt và ăn uống thất thường, hay ăn đêm, đồng thời dùng quá nhiều thực phẩm chức năng và thuốc bổ cùng lúc” - bà nói.
Bà cũng cho biết, thời gian dậy thì, thường nồng độ androgen ở nam giới tăng lên và nồng độ estrogen tương đối thấp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nồng độ estrogen tăng, nồng độ androgen giảm hoặc hoạt động yếu đi có thể gây ra sự mất cân bằng tương đối hormone. Từ đó dẫn đến tăng sản mô vú và phát triển vú ở nam giới. Các trường hợp này hầu hết có thể tự trở về bình thường sau 1 - 3 năm, ít khi phải can thiệp, nếu có thường chỉ dùng thuốc.
Nhưng vú nam giới phát triển quá mức cũng có thể là do bệnh lý hoặc do thuốc. Như trường hợp của Tiểu Vỹ, cậu mắc chứng gynecomastia đa thực hiện phẫu thuật cắt bỏ mô vú phì đại bảo tồn núm vú. Sau đó tiếp tục dùng thuốc nội tiết và điều trị thêm các bệnh rối loạn chuyển hóa khác.
“Bố mẹ chiều con nhưng lại chiều sai cách nên sinh bệnh” - đó là lời chia sẻ của bác sĩ Vương. Bà cũng nhắc nhở các bậc cha mẹ rằng sự khởi phát của bệnh gynecomastia thường trùng với thời điểm dậy thì. Do đó cần chú ý hơn tới chăm sóc sức khỏe và chế độ ăn uống của con, không chủ quan với các bất thường ở trẻ.
Nguồn và ảnh: Sohu, Sunday More