1. Tiểu sử Nam Phương hoàng hậu
Hình ảnh Nam Phương hoàng hậu trở nên nổi tiếng qua những đoạn tư liệu lịch sử, những khúc hát hay thước phim "ăn khách", bà đã thu hút không ít sự tò mò và quan tâm của hậu thế đến cuộc đời của mình. Vậy Nam Phương hoàng hậu là ai mà lại đặc biệt đến vậy?
1.1 Nam Phương Hoàng hậu là ai?
Nam Phương hoàng hậu – bà hậu duy nhất của 100 năm triều Nguyễn tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh năm 1912. Nam Phương Hoàng hậu quê ở đâu? Bà xuất thân từ gia đình giàu có trí thức ở Gò Công (nay thuộc thị xã Gò Công - Tiền Giang). Cha bà – cụ Nguyễn Hữu Hào là người giàu có bậc nhất tại miền Nam. Mẹ bà – cụ Lê Thị Bình là con gái Lê Phát Đạt – một trong 4 người giàu nhất Việt Nam thời bấy giờ.
Nam Phương hoàng hậu thời trẻ. Hình ảnh: Pinterest
Nhan sắc của Nam Phương hoàng hậu khiến bà 3 lần được phong danh hiệu hoa hậu Đông Dương. Bà xuất chúng cả về ngoại hình lẫn tính cách, trí tuệ và trình độ học vấn. Vua Bảo Đại say mê Nguyễn Hữu Thị Lan, ông viết lại: "Lan có một vẻ đẹp thùy mị của người con gái miền Nam, hiền lành và quyến rũ làm tôi say mê."
Hình ảnh Nam Phương hoàng hậu thời đi học. Hình ảnh: Sử Việt
Năm 12 tuổi, Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan được gửi sang Pháp theo học tại tu viện nữ sinh nội trú Couvent des Oiseaux, Paris. Tháng 9/1932, sau khi hoàn thành tú tài Pháp (tương đương với tốt nghiệp trung học), Nguyễn Hữu Thị Lan về nước.
1.2. Chuyện tình Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu
Trong một buổi dạ tiệc tại Đà Lạt, vua Bảo Đại đã có cơ hội gặp Nguyễn Hữu Thị Lan và họ đem lòng cảm mến nhau. Và đó là cuộc gặp gỡ định mệnh cho câu chuyện tình đẹp và những kỷ lục đầu tiên trong lịch sử triều đình phong kiến của Việt Nam. Theo Wikipedia, khi vua Bảo Đại hỏi cưới thì gia đình Nam Phương hoàng hậu đã ra các điều kiện sau:
· Phải tấn phong bà là Chánh cung Hoàng hậu ngay trong đại lễ thành hôn.
· Được giữ nguyên đạo Công giáo, và các con khi sinh ra phải được rửa tội theo giáo luật Công giáo và giữ đạo.
· Riêng Bảo Đại thì vẫn giữ đạo cũ là Phật giáo.
· Phải được Tòa Thánh cho phép đặc biệt hai người lấy nhau và giữ hai tôn giáo khác nhau.
Thế nên cuộc hôn nhân giữa vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu gặp phải rất nhiều phản đối. Trước hoàng tộc triều Nguyễn Bảo Đại đã nói: "Trẫm cưới vợ cho trẫm đâu phải cưới cho cụ Tôn Thất Hân và triều đình."
Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu thời son sắc. Hình ảnh: Sử Việt Nam
Tình yêu của vua Bảo Đại dành cho bà quá đỗi mãnh liệt nên ông vượt qua mọi lời khuyên ngăn, phản đối của mẹ cũng như triều đình. Ngày 20/3/1934, vua Bảo Đại tổ chức đám cưới với bà Nguyễn Hữu Thị Lan tại điện Kiến Trung.
Hai năm sau ngày cưới, Nam Phương hoàng hậu đã hạ sinh người con trai đầu tiên là Nguyễn Phúc Bảo Long. Sau đó Nam Phương hoàng hậu và vua Bảo Đại có tất cả 5 người con (2 người con trai và 3 người con gái).
Nam Phương hoàng hậu và các con. Hình ảnh: Sử Việt Nam
1.3. Hoàng hậu Nam Phương ở Pháp
Sau sự sụp đổ của triều đình phong kiến nhà Nguyễn, tình hình chính trị và quân sự giữa Việt và Pháp rất căng thẳng, chiến tranh tới gần, bà quyết định đưa các con sang Pháp vào năm 1947. Thời gian đầu, lâu đài Thorenc tại Cannes là nơi mẹ con bà sinh sống. Những người con của bà theo học tại trường Couvent des Oiseaux, nơi bà từng học thời con gái.
Hằng ngày, ngoài việc chăm sóc con cái, bà thường đọc sách báo, chăm sóc vườn hoa, buổi tối thì chơi piano. Những ngày lễ, bà cùng các con ra phố xem phim hoặc mua sắm.
Nam Phương hoàng hậu ở Pháp. Hình ảnh: Pinterest
Về sau, Nam Phương rời Cannes, dọn về ở lâu đài Domaine de la Perche ở vùng quê Chabrignac, cách Paris chừng 400 - 500km. Trang trại lớn với 160 mẫu đất, một đàn bò gần trăm con. Lâu đài cách nhà dân khá xa, hàng xóm ít qua lại.
Vua Bảo Đại rất hiếm khi ghé thăm, một năm chỉ ghé qua một, hai lần trong thoáng chốc. Có lẽ lần về lâu nhất của cựu Hoàng là đám cưới của con gái Phương Liên nhưng cũng chỉ là vài ngày.
1.4. Hoàng hậu Nam Phương cuối đời
Căn bệnh tim của Nam Phương hoàng hậu ngày càng nặng. Vào ngày 14/9/1963, sau khi ra ngoài chơi, bà đi tắm và sau đó cảm thấy đau cổ, sốt. Bác sĩ đến khám, cho biết bà chỉ viêm họng nhẹ. Rồi cơn khó thở mỗi lúc một tăng, bà đã qua đời khi bác sĩ chưa đến kịp. Trong giờ phút lâm chung, ngoài những người giúp việc, bên cạnh bà không có một người thân nào.
Mộ Nam Phương hoàng hậu tại Pháp. Hình ảnh: Quoc Huy
Mộ Hoàng Hậu Nam Phương hiện nay vẫn nằm tại nghĩa trang Công giáo tại Chabrignac, trên bia có dòng chữ tiếng Pháp, dịch là: "Nơi đây an nghỉ của bà Hoàng hậu Việt Nam - bà Jeanne - Mariette Nguyễn Hữu Hào, 4/12/1914 – 15/9/1963), mặt sau ghi dòng chữ Hán: "Đại Nam Nam Phương Hoàng hậu chi mộ".
2. Màn "đánh ghen" đắt giá bậc nhất lịch sử
Nam Phương hoàng hậu viết thư trị tiểu tam là hình ảnh cũng như giai thoại nổi tiếng nhất khi hậu thế nhắc đến bà.
2.1. Lý Lệ Hà và lá thư của Nam Phương hoàng hậu
Lý Lệ Hà xuất thân là một cô gái đất cảng Hải Phòng. Bà nổi tiếng từ ngôi vị Hoa khôi của cuộc thi hoa khôi đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam. Sau này bà trở thành kỹ nữ lừng danh chốn Hà thành và là niềm khao khát của đàn ông thời bấy giờ.
Dù đã có chồng nhưng khi gặp vua Bảo Đại, Lý Lệ Hà đã trúng tiếng sét ái tính và chủ động tiếp cận, tấn công cựu hoàng một cách dữ dội khiến vua Bảo Đại lúng túng và đổ gục trước bà. Không những vậy, Lý Lệ Hà còn dốc hết tiền tiết kiệm để vua Bảo Đại chi tiêu thoải mái tại những chốn vũ trường, ăn nhậu và chơi bời.
Lý Lệ Hà và lá thư của Nam Phương hoàng hậu. Hình ảnh: Internet
Chính sự mê đắm của cặp đôi này đã khiến cho Nam Phương hoàng hậu viết thư tay gửi cho Lý Lệ Hà và trở thành màn "đánh ghen" đắt giá nhất lịch sử. Trong thư, Nam Phương hoàng hậu viết vỏn vẹn 66 chữ: "Em Lý Lệ Hà thân quý. Chị ở xa đức cựu hoàng hàng mấy vạn dặm trùng dương, nhưng chị biết rằng em đang hết lòng hết sức chăm sóc cựu hoàng ở Hong Kong. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi cựu hoàng, còn gặp lại nhau. Đức Từ Cung Thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em. Chị Nam Phương!"
2.2. Ý nghĩa bức thư đánh ghen của Nam Phương hoàng hậu
66 chữ đã thể hiện học thức lẫn cách hành xử tinh tế của vị Hoàng hậu cuối cùng của triều đình Việt Nam. Trước đây, bà không ra Hà Nội "đánh ghen" để đòi lại người đàn ông của mình. Chính sự kiêu hãnh của một người phụ nữ có học thức khiến bà chọn sự im lặng, không giành giật chồng bằng bất kỳ thủ đoạn nào.
Hơn thế nữa, bà khiến cho "người thứ 3" kia phải suy nghĩ về vị trí của mình. Dù đau khổ vì chồng trăng hoa nhưng Nam Phương hoàng hậu không một lời oán thán. Thay vì trách móc, với lời văn dung dị nhưng tinh tế, bà đã chọn gửi lời cảm ơn đến nhân tình của chồng. Những lời ấy tuy ngắn gọn mà đanh thép, khẳng định vị trí chính thê của Nam Phương Hoàng hậu, và bà không cần phải làm gì thì lịch sử vẫn sẽ ghi danh bà như một bậc mẫu nghi thiên hạ.
Bức thư của Nam Phương hoàng hậu gửi nhân tình của chồng. Hình ảnh: Internet
Từng lời từng chữ mang ý tứ của kẻ bề trên muốn răn dạy cho kẻ dưới. Giọng văn hiền như sương khói, dịu dàng và thấm đẫm mà khi đọc cho dù không là người trong cuộc vẫn thấy. Không một lời mắng chửi, không một câu hờn giận, không ngôn từ nào mang tính chất nhục mạ, nhưng vẫn thể hiện uy quyền và sự sắc sảo.
Bức thư thể hiện cách cư xử chín chắn và đúng mực, súc tích nhưng thể hiện mong muốn tình địch chăm sóc hộ người đàn ông của mình. Cũng đồng nghĩa như lời đoạn tuyệt với người chồng "đầu gối tay ấp", có chung 5 đứa con, người mà đã từng thề nguyền sẽ 1 vợ, 1 chồng mãi mãi bên bà.
Chắn chắn không ai biết sau khi đọc được những dòng này, Lý Lệ Hà cảm thấy như thế nào nhưng nhiều năm sau đó, bà này vẫn bảo quản bức thư tay này như một kỷ vật quan trọng của cuộc đời. Thậm chí bà còn cho vua Bảo Đại đọc bức thư đầy xót xa này của người vợ chính thất.
3. Cung Nam Phương hoàng hậu
Cung Nam Phương Hoàng Hậu nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lâm Đồng ngày nay, được xây dựng vào đầu những năm 1930, là một trong những dinh thự cổ, có vị trí rất đẹp, bao quát không gian của thành phố, nổi tiếng có lối kiến trúc mang đậm phong cách Pháp, rất độc đáo và đẹp bậc nhất Đà Lạt.
Ban đầu dinh thự mang tên Nguyễn Hữu Hào, sau đó ông tặng cho con gái là Nam Phương nên được gọi là cung Nam Phương hoàng hậu.
Cung Nam Phương hoàng hậu tại Đà Lạt với lối kiến trúc kiểu pháp. Hình ảnh: Lamdong.gov.vn
Cung Nam Phương hoàng hậu tại Đà Lạt với lối kiến trúc kiểu pháp. Hình ảnh: Lamdong.gov.vn
Từ ngoài cổng đi vào, con đường uốn vòng quanh đồi thông tiếp nối với những bậc tam cấp lát đá đã tạo ra cái dáng vẻ vừa nên thơ vừa uy vũ. Dinh thự này có 3 tầng, diện tích khoảng 500m2, tọa lạc trên một ngọn đồi cao.
Tại đây vẫn còn lưu trữ những hiện vật cung đình triều Nguyễn mang tính giá trị di sản cao. Không chỉ vậy, nhiều đồ đạc của vợ vua Bảo Đại như tủ quần áo, giường ngủ, bàn trang điểm, triều phục... vẫn còn nguyên vẹn.
Phòng riêng của Hoàng hậu Nam Phương nằm ở tầng hai. Hình ảnh: Baolamdong.vn
4. Hoàng Hậu Nam Phương – vị hoàng hoàng hậu đặc biệt nhất lịch sử Việt Nam
Với nhan sắc "khuynh nước khuynh thành", khí chất và trí tuệ hơn người, hình ảnh Nam Phương hoàng hậu gắn liền với những đặc quyền có 1-0-2 trong lịch sử Việt Nam.
Bà là vị thê tử duy nhất của Hoàng đế được phong Hoàng Hậu khi còn sống. Vì mười hai đời Tiên Đế nhà Nguyễn trước, các bà chánh cung chỉ được phong tước Hoàng quý phi, đến khi chết mới được truy phong Hoàng hậu
Bà là vị Hoàng Hậu duy nhất của nhà Nguyễn mang quốc tịch nước ngoài. Bà là công dân Pháp quốc trước khi về làm thê thiếp của Vua Bảo Đại
Bà cũng là nữ tu đầu tiên và duy nhất của triều Nguyễn.
Bà là vị hoàng hậu đầu tiên của triều Nguyễn được ân sủng cho phép dùng trang phục màu vàng - màu sắc trước nay chỉ dành riêng cho Hoàng đế. Vua Bảo Đại có giải thích thêm về hai chữ Nam Phương: "Tôi đã chọn tên trị vì cho bà Hoàng Hậu mới là Nam Phương. Nam Phương có nghĩa là hương thơm của miền Nam."
Hình ảnh Nam Phương hoàng hậu trong bộ y phục màu vàng. Hình ảnh: Báo Văn Hóa
Bà là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử triều Nguyễn dám đặt điều kiện với cả hoàng cung nếu nhà vua muốn lấy bà làm vợ.
Điều đặc biệt nhất, bà là người vợ đầu tiên và duy nhất khiến vua Bảo Đại phải chấp nhận bãi bỏ hậu cung, tuân thủ chế độ "một vợ – một chồng". Trên thực tế, ngoài Nam Phương hoàng hậu, trong nội cung không hề có thêm một phi tần chính thức nào.
Có lẽ vì do sắc đẹp, sự khôn khéo, học vấn uyên thâm và tư tưởng phương Tây của bà lẫn của cựu Hoàng nên mới có sự thay đổi lớn đến như vậy trong triều đại phong kiến của triều Nguyễn trong suốt trăm năm qua.
Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử triều Nguyễn xuất hiện giữa triều đình.
Dù trải qua cuộc đời gian truân và chuyện tình buồn với vua Bảo Đại, Nam Phương Hoàng Hậu vẫn khắc sâu trong ấn tượng của hậu thế về một người phụ nữ đặc biệt có nét đẹp phương Đông và trí tuệ phương Tây. Bà đã để lại những giai thoại hết sức đẹp, có phần cay đắng nhưng cũng hết sức ấn tượng trong lịch sử Việt.