Các cường quốc thế giới đang tranh giành ảnh hưởng ở châu Phi, trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu gia tăng vì cuộc xung đột ở Ukraine và khu vực đảo Đài Loan (Trung Quốc).
Một số nước châu Phi kiên quyết từ chối chọn bên vì đều muốn hưởng lợi từ những cuộc giằng co ngoại giao. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, việc Nam Phi tổ chức cuộc tập trận Mosi II kéo dài 10 ngày vào thời điểm tròn 1 năm nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine là một chiến lược rủi ro.
“Cuộc tập trận lần này sẽ trở thành cột thu lôi”, Steven Gruzd, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu quốc tế Nam Phi, nhận định.
Nam Phi khẳng định quan điểm trung lập đối với cuộc xung đột ở Ukraine và chọn lá phiếu trắng trong phiên bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an về nghị quyết lên án Nga năm ngoái.
Nam Phi bác bỏ chỉ trích đối với chiến dịch tập trận lần này, cho rằng họ cũng tổ chức hoạt động tương tự với các đối tác quốc tế khác.
“Là một quốc gia độc lập và có chủ quyền, Nam Phi có quyền phát triển các mối quan hệ quốc tế phù hợp với lợi ích quốc gia của mình”, Bộ Quốc phòng Nam Phi tuyên bố tháng trước.
Tuy nhiên, 6 nhà ngoại giao từ các quốc gia NATO hoặc EU tại Nam Phi bày tỏ phản đối cuộc tập trận.
“Điều đó không đúng, và chúng tôi đã nói với họ rằng chúng tôi không ủng hộ”, một nhà ngoại giao nói với Reuters .
Lần này, Nga điều một tàu khu trục mang tên lửa hành trình siêu thanh thế hệ mới Zircon tham gia cuộc tập trận ba bên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định loại vũ khí di chuyển nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh này là “không thể ngăn chặn”.
Cuối tuần trước, con tàu mang tên lửa Zircon cập cảng Cape Town, trên mạn tàu có chữ Z và V, những chữ cái được quân đội Nga sử dụng trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Theo Reuters