Kết thúc tháng 1, khép lại phiên giao dịch cuối cùng của năm cũ Tân Sửu, VN-Index giảm 19,32 điểm (1,29%) trong tháng, xuống mức 1.478,96 điểm. Thanh khoản tháng giảm 15,8% so với tháng trước đó.
Dòng tiền vào cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 tăng trở lại, giữ vững vị trí dẫn đầu. Tỉ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm ngân hàng, dầu khí, giảm vào nhóm chứng khoán, xây dựng và vật liệu.
Sau tuần nghỉ Tết, thị trường sẽ giao dịch trở lại vào thứ 2 (7/2). Theo thống kê của SHS, thị trường chứng khoán Việt Nam sau Tết đã tăng điểm 5 lần trong 6 năm của giai đoạn 2016-2021 (chỉ giảm trong năm 2020 do ảnh hưởng của COVID-19).
Trên cơ sở đó, nhóm phân tích của SHS dự báo, trong tuần giao dịch đầu tiên của năm mới Nhâm Dần 2022, VN-Index khả năng sẽ tiếp tục hồi phục để hướng đến kháng cự tâm lý 1.500 điểm.
Năm 2022, các công ty chứng khoán dự báo kịch bản lạc quan cho thị trường, VN-Index có thể đạt khoảng 1.700 – 1.900 điểm.
Nhóm phân tích của CTCK VNDirect nhận định, có bốn chủ điểm đầu tư nổi bật trong năm 2022 .Thứ nhất, giá cả hàng hóa sẽ phân hóa trong năm 2022; trong đó nhóm dầu khí và hóa chất vẫn tiếp tục xu hướng tăng. Thứ hai là câu chuyện đẩy mạnh đầu tư công vào cơ sở hạ tầng sẽ hỗ trợ cho nhóm năng lượng, bất động sản và BĐS khu công nghiệp.
Thứ ba, nhiều công ty sẽ được hưởng lợi nhờ sự thăng hoa của kinh tế số sau đại dịch. Cuối cùng, cầu nội địa phục hồi sẽ thúc đẩy các ngành bán lẻ, F&B và du lịch tăng trưởng mạnh nhanh hơn các ngành khác.
Đà tăng của thị trường có thể kéo dài nhờ việc nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng và sự tham gia ngày càng nhiều của dòng vốn cá nhân trong nước. Rủi ro chính đối với thị trường năm 2022 vẫn là lạm phát cao hơn dự kiến có thể dẫn đến việc các chính sách thắt chặt được triển khai. Mặt khác, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi MSCI của Việt Nam sớm hơn dự kiến cũng giúp thị trường có dư địa tăng giá.
Còn các chuyên gia của CTCK SSI cho rằng, năm Nhâm Dần 2022 có thể là một năm không còn quá dễ dàng với thị trường chứng khoán. Dù vậy, chỉ cần kiên nhẫn chờ đợi cơ hội cùng với một chiến lược đầu tư cụ thể rõ ràng, các nhà đầu tư vẫn có thể gặt hái được thành quả trong năm 2022.
Yếu tố hỗ trợ chính cho thị trường trong 6 tháng đầu năm 2022 chính là gói kích thích kinh tế. Ngay trong nửa đầu năm 2022, một số ngành dự báo có thể tăng trưởng vượt trội bất chấp khó khăn: xuất khẩu (thủy sản,dệt may, vận tải biển).
Một số loại hàng hóa có thể đạt mức giá cao trong nửa đầu năm 2022 bao gồm phân bón, thủy sản, hóa chất và mía đường. Ngành hưởng lợi từ đầu tư công: Xây dựng, BĐS dân cư và BĐS Khu công nghiệp. Ngành hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp: Chứng khoán và BĐS dân cư.
Doanh nghiệp tỷ đô "xông đất" HoSE
Kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, thị trường chứng khoán nghỉ giao dịch trở lại từ thứ Hai, ngày 7/2/2022. Trong tuần đầu giao dịch trở lại, 2 doanh nghiệp niêm yết là TCM và VPH sẽ thực hiện giao dịch cổ phiếu số lượng lớn.
CTCP Dệt may đầu tư Thương mại Thành Công (TCM): Công ty E-Land Asia Holdings Pte.Ltd đăng ký mua 1,2 triệu cổ phiếu. Trước giao dịch, E-Land Asia Holdings Pte.Ltd sở hữu 30.876.476 cổ phiếu (tương đương với tỷ lệ 43,27%). Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 7/2- 7/3/2022.
CTCP Vạn Phát Hưng (VPH): Ông Trương Thành Nhân – Tổng giám đốc đăng ký đã bán 1.385.700 cổ phiếu, giảm lượng sở hữu sau giao dịch xuống 49 cổ phiếu. Giao dịch thực hiện từ 9/2-9/3/2022.
Trên sàn HoSE, ngày 10/2, hơn 1,1 tỷ cổ phiếu PGV (tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP - EVNGENCO3) sẽ chính thức niêm yết với giá tham chiếu 39.480 đồng/cổ phiếu. Với mức giá trên, vốn hóa PGV đạt 44.354 tỷ đồng, tương đương 1,95 tỷ USD.
Trước đó, Tổng công ty đã hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu PGV trên sàn UPCoM kể từ ngày 24/1/2022. Với sự gia nhập của doanh nghiệp tỷ đô này, số lượng các tổ chức niêm yết có vốn hóa trên 1 tỷ USD trên sàn HoSE sẽ tăng lên con số 43.