Năm nay, lễ cúng ông Công ông Táo vào thứ mấy? Có thể cúng trước được không?

Duy Anh |

Tục lệ cúng ông Công ông Táo là dịp lễ mang ý nghĩa cầu mong sự ấm no, đầy đủ và những điều tốt đẹp cho một năm mới sắp đến.

Nên cúng ông Công ông Táo vào ngày nào, giờ nào đẹp nhất?

Theo truyền thống lâu đời, lễ cúng ông Công ông Táo diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Tuy nhiên, đời sống hiện đại, công việc theo giờ hành chính khiến nhiều gia đình khó có thể sắp xếp để thực hiện nghi lễ cúng ông Công ông Táo đúng ngày.

Do vậy, nhiều gia chủ bày tỏ thắc mắc có thể làm lễ cúng tiễn ông Công ông Táo sớm hơn được không?

Năm nay, lễ cúng ông Công ông Táo vào thứ mấy? Có thể cúng trước được không?- Ảnh 1.

Mâm cỗ đầy đủ, đẹp mắt trong ngày cúng ông Công ông Táo của một gia đình Việt. Ảnh: VTV

Trao đổi với Lao Động, Tiến sĩ nghiên cứu văn hoá Nguyễn Ánh Hồng cho biết: “Cúng ông Công ông Táo là tín ngưỡng dân gian, vì vậy có cơ sở xuất phát là từ niềm tin linh thiêng. Cúng ông Công ông Táo là để báo đáp, để cảm tạ vị thần được người Việt gọi là định phúc gia chi chủ, vị thần quyết định phúc họa che chở cho cuộc sống con người.

Cho nên điều quan trọng nhất trong việc cúng ông Công ông Táo đó là tấm lòng thành của mỗi người, việc cúng trước 1-2 ngày là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên không nên cúng sau ngày 23 tháng Chạp”.

Vì vậy, bắt đầu từ ngày 21 tháng Chạp đến trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp các gia đình có thể lựa chọn thời gian phù hợp để cúng, tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời. Năm nay, ngày 23 tháng Chạp rơi vào thứ Sáu, người dân có thể làm lễ cúng vào thứ Tư hoặc thứ Năm tuần này.

Nếu gia chủ có thể bố trí công việc, cúng ông Công ông Táo vào đúng ngày 23 tháng Chạp là tốt nhất, chuyên gia có gợi ý một số khung giờ đẹp như sau:

Giờ Thìn (7h-9h): Tiến hành mọi việc thuận lợi, rất tốt cho những nguyện cầu về việc sinh con.

Giờ Tỵ (9h-11h): Tốt nhất cho việc khai trương, làm ăn phát tài, mang về lợi nhuận lớn.

Riêng với giờ Ngọ (11h-13h): Dân gian tương truyền, giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp là thời điểm các vị Thần Bếp quy tụ để chuẩn bị lên trời. Đây được coi là khung giờ thích hợp để đưa tiễn ông Công ông Táo về chầu trời hơn cả (tốt hơn hết là trước 12h trưa).

Năm nay, lễ cúng ông Công ông Táo vào thứ mấy? Có thể cúng trước được không?- Ảnh 2.

Ngoài ý nghĩa “cá hóa rồng, vượt vũ môn”, làm phương tiện cho Táo quân cưỡi về trời, tục thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt. Ảnh: Đời sống & Pháp luật

Lễ vật cúng Táo quân chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện của từng gia đình, quan trọng nhất là tấm lòng thành, phổ biến là xôi, cơm canh, rượu nước, vàng mã, cau trầu, thịt gà, thịt lợn và hoa quả...

Điều đặc biệt là phải có 3 bộ mũ áo, hài; một hoặc ba con cá chép giống như sách "Việt Nam phong tục" của Phan Kế Bính đã ghi: "Mua hai mũ ông, một mũ bà để thờ và mua con cá chép để làm ngựa cho Táo quân lên chầu trời".

Văn khấn ông Công ông Táo

Dưới đây là bài văn khấn cổ truyền Việt Nam của Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin:

Nam mô a di đà Phật! (3 lần)

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ (chúng) con là: ……………

Ngụ tại:…………

Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.

Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.

Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.

Chúng con lễ bạn tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.

Nam mô a di đà Phật! (3 lần)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại