Theo quan niệm dân gian, ngày 23 tháng Chạp là lúc Táo quân lên chầu trời, tới đêm 30 mới tiếp tục trở về để coi sóc việc bếp núc của gia đình.
Vì thế, lúc này những gia đình Việt thường lau dọn bàn thờ, tỉa chân hương để đón một năm mới với những điều mới mẻ, tốt lành.
Thông thường, lễ cúng Táo quân có thể bắt đầu từ tối ngày 22 tháng Chạp đến trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp.
Tuy nhiên năm nay, khung giờ đẹp nhất để cúng ông Công ông Táo là từ 9 giờ sáng - 11 giờ trưa. Đây là giờ Tỵ và cũng là giờ hoàng đạo của ngày 23 tháng Chạp.
Giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp là giờ mà Táo quân đã có mặt trên Thiên đình để báo cáo với Ngọc Hoàng về những việc tốt xấu của gia chủ.
Vì vậy dù vướng bận chuyện gì, các gia đình cũng cần hoàn thành nghi lễ tiễn ông Táo về chầu trời trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp.
Có nhiều người quan niệm rằng, sau khi ông Táo lên chầu trời, mọi người trong gia đình mới tiến hành dọn dẹp bàn thờ để tránh kinh động đến thần linh.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng, việc giữ sạch bàn thờ thể hiện lòng tôn kính, sự chăm chút không gian thờ cúng cho các bậc thần linh và tổ tiên nên chỉ cần chọn ngày lành bất kỳ là phù hợp.
Dọn dẹp bàn thờ là nét văn hóa tâm linh đẹp của người Việt.
Lưu ý khi lau dọn bàn thờ
Khi lau dọn bàn thờ sẽ có hai công việc chính, một là lau dọn trước, hai là tỉa chân hương sau.
Trước khi dọn bàn thờ, gia chủ nên tắm rửa sạch sẽ và ăn mặc chỉnh tề, kín đáo.
Sau đó là chuẩn bị mâm lễ nhỏ như hoa quả, bánh kẹo đặt lên bàn thờ, thắp nén hương khấn tổ tiên, thần linh xin phép dọn dẹp nơi thờ cúng, mời các ngài tạm lánh.
Trước khi dọn bàn thờ cần chuẩn bị chiếc bàn rộng, sạch sẽ để dùng đặt bài vị. Nếu ban thờ thờ chung tổ tiên và thần linh thì nên sắp bài vị tổ tiên và thần linh riêng.
Cần thắp hương xin phép thần linh, tổ tiên trước khi tiến hành lau dọn.
Chờ khi hương cháy hết mới tiến hành lau dọn.
Dùng khăn sạch hoặc vải sạch đặt vào nước ấm, vắt khô và lau bài vị. Thứ tự lau cần chú ý là lau bài vị thần linh trước, của tổ tiên sau.
Tiếp đến là dùng chổi chuyên dụng để quét dọn bụi bẩn, mạng nhện, tàn tro trên bàn thờ. Cuối cùng dùng khăn lau dọn sạch sẽ và đặt bài vị lại chỗ cũ.
Tỉa chân hương
Trước khi tỉa chân hương cần vái xin thần linh và tổ tiên về việc tỉa chân hương.
Để chuẩn bị cho lễ ông Táo về trời, ta chỉ tiến hành tỉa bớt chân hương. Lưu ý không làm xê dịch hoặc xoay chuyển vị trí của bát hương.
Từ từ rút từng cây hương và đặt vào chỗ sạch sẽ. Dùng miếng vải sạch lau bát hương. Chọn 5 cây hương có tàn đẹp cắm lại vào bát hương.
Tránh rút chân hương xong, cầm bát hương đổ hết tro ra ngoài. Nên dùng thìa nhỏ xúc từng thìa đổ ra ngoài rồi mới rửa sạch bát hương đặt sang một bên.
Nếu muốn thay tro trong bát hương, cần dùng 7 tờ tiền vàng đối với bát hương thờ thần phật, 3 tờ tiền vàng đối với bát hương của tổ tiên để đốt hơ quanh, cháy một nửa thì bỏ vào trong, đợi tiền vàng cháy hết thì đổ tro mới vào.
Tránh rút chân hương xong, cầm bát hương đổ hết tro ra ngoài.
Lễ an vị
Sau khi bàn thờ được lau dọn sạch sẽ, gia chủ làm lễ an vị Táo quân, an vị Thần linh. Theo quan niệm dân gian thì lễ này sẽ làm đúng vào trưa 30 Tết.
Tuy nhiên hiện nay, nhiều gia đình thường cúng sớm hơn vì phải về quê hoặc có việc đi xa trong năm mới.
Những điều nên tránh khi dọn dẹp bàn thờ
Việc dọn dẹp bàn thờ cần hết sức cẩn trọng, tránh làm đổ vỡ đồ thờ. Đồ thờ cúng trên bàn thờ thường rất thiêng, trang trọng.
Vì thế, việc lau dọn cẩn thận cũng thể hiện lòng tôn kính, hiếu thuận đối với thần linh, tổ tiên, những người đã khuất.
Ngoài việc dọn dẹp, bạn cũng cần trang hoàng nhà cửa, mở rộng cửa, bật đèn đón sinh khí từ đất trời để rước lộc vào nhà, chào đón một năm mới an khang, thịnh vượng.
Dọn dẹp bàn thờ, trang hoàng nhà cửa cũng là cách xua tà khí, đón sinh khí vào nhà.
Theo quan niệm của dân gian, cuối năm lau chùi, dọn dẹp, bỏ bớt đồ cụ là cách để xua đuổi tà khí trong nhà, mua thêm đồ mới giúp ngôi nhà ngập tràn ánh sáng, đón nguồn sinh khí mới, mang lại sức sống dồi dào và may mắn bất tận đến cho gia đình.