Kiếp trước trộm tiền, kiếp này làm gà
Trước đây ở thôn nọ có hai mẹ con nhà kia cùng làm công cho nhà chủ. Sau này, người mẹ qua đời. Một buổi tối sau ngày bà mất hơn một năm, người con nằm trên giường mơ mơ màng màng nghe thấy tiếng mẹ mình nói:
"Ngày mai tuyết lớn, ngoài sân có con gà bị chết cóng, chắc chắn chủ nhà sẽ cho con làm thịt ăn, con tuyệt đối đừng ăn. Vì mẹ từng lấy trộm của chủ nhà 300 quan tiền nên quan phủ âm gian phạt mẹ biến thành gà trả nợ. Giờ trứng gà bán đi đã đủ 300 quan. Mẹ sắp rời khỏi đây rồi."
Hôm sau, quả nhiên mọi việc xảy ra đúng như lời mẹ anh nói trong mơ. Thế nên người đầy tớ nhất quyết không ăn thịt con gà đó mà còn khóc nức nở và đem nó đi chôn. Chủ nhà cảm thấy khó hiểu bèn tra hỏi, cuối cùng anh ta mới nói sự thật.
Ngay cả bản thân chủ nhà cũng giật mình sau khi nghe đầy tớ thuật lại giấc mơ và sự trùng lặp đến không thể giải thích sau đó.
Không giữ lời hứa, quỷ thần không tha
Ngày xưa có một người tên là Trương Phúc làm nghề bán hàng rong. Một hôm, vì tranh đường với một phú hào trong thôn, ông ta đã sai đầy tớ đẩy anh từ trên cây cầu đá xuống.
Khi đó nước sông đang đóng băng, mảnh băng sắc như dao khiến anh bị vỡ xương sọ, chỉ còn thoi thóp thở.
Lý trưởng vốn rất hận phú hào đó, liền đem chuyện này báo cáo lên quan phủ. Viên quan kia lại muốn moi tiền nên lập tức xét xử vụ án.
Trương Phúc ngầm bảo mẹ mình chuyển lời tới với phú hào: "Ông đền mạng thì tôi cũng chẳng được lợi lộc gì. Nếu ông có thể thay tôi nuôi dưỡng mẹ già, con thơ thì nhân lúc chưa tắt thở, tôi sẽ đến quan phủ nói mình sẩy chân ngã từ trên cầu xuống."
Ông ta lập tức đồng ý.
Trương Phúc biết chút chữ nghĩa. Lúc này anh còn có thể cắn răng chịu đau tự viết cáo trạng.
Quan lại cũng không thể làm gì trước lời khai của Trương Phúc viết lúc còn sống. Sau khi anh ta chết, phú hào kia liền chối bỏ giao ước.
Tuy mẹ Trương Phúc đã nhiều lần đến quan phủ thưa kiện nhưng vì có chứng cứ là lời khai của con bà lúc còn sống nên mãi mà vụ án này vẫn không được xử.
Sau này có một hôm, phú hào kia say rượu ra ngoài. Vì ông ta cưỡi con ngựa của người hầu nên đã ngã từ trên cầu xuống mà chết. Người quanh đó đều nói: "Đây là báo ứng thất hứa với Trương Phúc."
Dụ dỗ vợ người, báo ứng liên hoàn
Ở kinh thành có thương nhân họ Lý thường xuyên đến phủ huyện lệnh. Một lần hắn lén dụ dỗ thiếu phụ của chủ nhà đưa về.
Không ngờ về đến nhà, vợ hắn đã bị người ta dụ bỏ đi trước. Họ Lý an ủi bản thân: "May mà mình đưa cô ấy về, nếu không chẳng phải trắng tay sao?"
Thương nhân cùng người quen tính toán lại. Khi vợ hắn bỏ theo người khác chính là hôm sau ngày mình kia dụ dỗ thiếu phụ này. Đây rõ ràng là báo ứng nhưng hắn lại không hề hay biết mà còn dương dương tự đắc.
Không lâu sau, thiếu phụ đó không muốn ở nông thôn nên lại bỏ theo người khác. Lúc này thương nhân đó có chút mơ hồ không biết mình sai ở đâu.
Sau này chồng trước của thiếu phụ kia đã thưa kiện họ Lý. Hắn chết không chịu nhận vì thiếu phụ kia đã bỏ đi, không có chứng cứ.
Trong lúc họ to tiếng qua lại, nghe nói trong thôn có thuật sĩ có thể mời được thần tiên, mọi người liền bảo: "Đi hỏi thần tiên đi."
Sau khi thuật sĩ làm nghi lễ xong, mọi người chỉ thấy một tờ giấy bay từ trên trời xuống, trên đó viết một bài thơ: "Mộng uyên ương hân hoan đôi lần, có còn nhớ người đã có chồng. Hôm nay tương phùng cùng mỉm cười, rõ ràng mai lại phân ly tựa bèo nước."
Chủ nhà đó nghe xong liền bỏ đi. Người hay chuyện cho biết, thiếu phụ kia cũng là do chủ nhà dụ dỗ về, thực ra cô ta đã có chồng từ trước.
Lời bình
Có thể những câu chuyện trên chỉ là những câu truyện được lưu truyền trong dân gian nhưng thông điệp mà nó truyền tải rất rõ ràng, rằng con người gieo nhân nào sẽ gặt quả ấy, làm việc thiện sẽ gặp thiện báo, làm điều ác sẽ hứng ác báo.
Ngay trong cuộc sống hằng ngày, chân lý này chưa bao giờ sai, chỉ có điều "quả" đến hoặc sớm hoặc muộn mà thôi!