Vụ 39 thi thể người di cư được phát hiện bên trong một container ở hạt Essex - Anh hôm 23-10 cho thấy mức độ nghiêm trọng của nạn buôn người và làm dấy lên lo ngại về hướng tiếp cận của Anh trong việc chống tội phạm buôn người.
Tội phạm hóa nạn nhân
Tòa án Anh hôm 28-10, khẳng định vụ việc có liên quan đến một băng nhóm buôn người quốc tế; đồng thời, cáo buộc tài xế xe container, Maurice Robinson - 25 tuổi, 43 tội danh liên quan đến ngộ sát và âm mưu buôn người. Liên Hiệp Quốc (LHQ) ước tính hiện có hơn 40 triệu người trên toàn thế giới là nạn nhân của buôn người và nô lệ thời hiện đại.
Theo luật sư di trú Anh Harjap Bhangal, tội phạm buôn người tàn bạo chẳng kém tội phạm ma túy nhưng chúng không vận chuyển hàng trắng. Chúng vận chuyển người trong một đường dây chết chóc trị giá 7 tỉ USD. "So với tội phạm ma túy, tội phạm buôn người kiếm được nhiều tiền hơn nhưng lại ít bị kết án hơn. Nạn buôn người đang bị phớt lờ" - ông Bhangal chia sẻ. Trong khi đó, những luật sư di trú khác khẳng định toàn bộ hệ thống chống buôn người của Anh cần được gia cố bởi nạn buôn người đã trở nên tồi tệ hơn theo sau những đợt cắt giảm số lượng cảnh sát quy mô lớn trong 10 năm qua.
"Nếu muốn ngăn chặn những bi kịch như vậy, chúng ta phải loại bỏ hệ thống bị hỏng của mình - hệ thống mà không thể giúp các nạn nhân ngay cả khi họ sống sót" - bà Shalini Patel, từ Công ty Tư vấn luật Duncan Lewis (Anh), khẳng định. Cho rằng hệ thống hiện hành của Anh dường như đang "tội phạm hóa nạn nhân", bà Patel khẳng định: "Chúng ta chưa thấy đủ số trường hợp tội phạm buôn người bị kết án. Trong khi đó, phần lớn nạn nhân mà tôi đại diện phải trải qua quãng thời gian dài tại các trung tâm giam giữ sau tất cả những gì họ phải chịu đựng dưới bàn tay những kẻ buôn người. Họ đang bị tội phạm hóa".
Tương tự, ông Kevin Hyland - cựu ủy viên phòng chống nô lệ Anh, khẳng định số lượng tội phạm buôn người bị truy tố tại quốc gia này là "rất ít". Theo ông Hyland, Anh đến giờ vẫn xem buôn người "chủ yếu là một vấn đề xã hội", không phải là một hành vi phạm tội có tổ chức. Ông Hyland nhấn mạnh hướng tiếp cận, cũng như hệ thống phòng chống buôn người của Anh cần được thay đổi.
Mâu thuẫn trong hướng tiếp cận
Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel hôm 28-10, khẳng định di cư trái phép cùng với sự gia tăng của tội phạm buôn người là một trong những vấn đề cấp bách nhất với cộng đồng quốc tế.
"Chúng ta và các nước đồng minh cần chung tay giải quyết vấn đề. Mọi cơ quan trong chính phủ cần phải tham gia, dù là thắt chặt an ninh biên giới hay giải quyết nguyên nhân gốc rễ" - bà Priti Patel nhấn mạnh với các nghị sĩ Anh. Cũng theo bà Priti Patel, chính phủ Anh đã triển khai thêm nhân viên thực thi di trú Anh đến cảng Zeebrugge (Bỉ), cũng như tăng cường lực lượng biên phòng tại cảng Purfleet (Anh) nhằm ngăn chặn thảm kịch tương tự hôm 23-10 lặp lại.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo tình trạng buôn người và nô lệ thời hiện đại sẽ không thể được giải quyết nếu các nạn nhân vẫn bị đối xử như tội phạm. Theo báo The Guardian, trong văn bản hướng dẫn được công bố hồi 2018, cảnh sát phải chia sẻ thông tin với Bộ Nội vụ Anh nếu họ tin nạn nhân (của một hành vi phạm tội bất kỳ) là người di cư trái phép. "Đây là điểm mâu thuẫn chính trong hướng tiếp cận chống buôn người và nô lệ của cảnh sát Anh" - ông Ahmed Aydeed, từ Công ty Tư vấn luật Duncan Lewis, nói.
Mặc dù Đạo luật nô lệ hiện đại 2015 quy định mọi cá nhân bị bắt lao động nô lệ phải được đối xử như nạn nhân - không phải tội phạm, nhiều nạn nhân của việc buôn người vẫn bị các cơ quan di trú bắt giam với hơn 500 trường hợp vào năm 2018. Với những người không bị giam giữ, họ thường phải đối mặt với những lời đe dọa trục xuất. Trong khi đó, ông Jakub Sobik, từ Tổ chức Phòng chống nô lệ quốc tế (ASI), khẳng định ông hy vọng vụ việc hôm 23-10 sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh, buộc chính phủ các nước mạnh tay hơn nữa với tội phạm buôn người nhưng mềm mỏng hơn với các nạn nhân.
"Nạn nhân vẫn nghiêng về phía những kẻ buôn người hơn là về phía giới chức vì họ sợ hãi. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy nhiều cá nhân bị bắt giam vì liên quan đến hoạt động trồng cần sa, bất chấp thực tế rằng họ bị nhốt trong các trang trại này" - ông Sobik giải thích.
Nghi phạm gọi điện, dò la thông tin cảnh sát
Liên quan đến vụ 39 người chết trong thùng xe container; không lâu sau khi Robinson, tài xế chở container, bị bắt giữ; nghi phạm Ronan Hughes, 40 tuổi, được cho là đã gọi điện cho cảnh sát để "dò la thông tin". Theo Irish Mirror ngày 30-10, Ronan đã đặt một số câu hỏi với cảnh sát "dường như là để tìm hiểu xem họ đã nắm được những thông tin nào. Nghi phạm tỏ ra muốn hợp tác với cảnh sát nhưng biến mất kể từ sau cuộc gọi này".