Nam Khang Bạch Khởi (sinh ngày 26/5/1980 - mất trong khoảng thời gian từ ngày 9/3 - 12/3/2008), anh sinh ra ở Liêu Ninh, lớn lên ở Nội Mông và là một nhà văn đam mỹ nổi tiếng trên mạng Trung Quốc với 2 bút danh là "Nam Khang" và "Bạch Khởi".
Vào một ngày mùa xuân năm 2008, cư dân mạng nước này vô cùng bàng hoàng khi hay tin thi thể anh được tìm thấy ở sông Tương Giang, Hồ Nam.
Chàng trai ấy đã tự kết thúc cuộc đời mình khi chỉ mới 28 tuổi, để lại sự tiếc thương cho biết bao người và hé lộ một câu chuyện tình buồn đầy day dứt phía sau.
Nguyện bên người dài lâu
Năm 1999, Nam Khang rời quê nhà Nội Mông đến thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam học tập.
Tại đây, chàng trai phương bắc đã gặp gỡ và nảy sinh tình cảm với người bạn cùng phòng kí túc xá gọi là "Trương tiên sinh" - người đã mang đến tình yêu và cũng là kẻ gây ra nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời Nam Khang.
Mặc dù ngay từ phút giây hai ánh mắt chạm nhau, họ đã cảm thấy có chút rung động với đối phương nhưng ngại ngùng không dám thổ lộ.
Đặc biệt là vào thời điểm đó, xã hội vẫn còn nhiều định kiến và cấm cản, khiến họ không chỉ lo ngại ánh nhìn của người đời mà còn không dám thừa nhận chính giới tính thật của bản thân, chỉ có thể chôn chặt những xúc cảm thầm kín đó vào sâu tận đáy lòng.
Đến mùa xuân năm 2000, trong thời gian quan hệ giữa hai người vẫn còn "mập mờ", Nam Khang cũng thử tránh né người ấy một thời gian rồi có bạn gái, nhưng không lâu sau đã nhanh chóng chia tay.
Phải đến năm 2002, năm cuối đại học, hai người mới quyết định không tiếp tục đè nén tình cảm của bản thân thêm nữa, Nam Khang và người ấy chính thức trở thành người yêu của nhau, anh cũng âu yếm gọi bạn trai mình là "ông xã".
Trong cuốn Phù Sinh Lục Ký, Nam Khang đã kể lại những năm tháng thanh xuân này bằng những câu văn ngọt ngào và tràn đầy tình cảm nhất.
"Ông xã" xuất hiện dày đặc trong những trang sách, thể hiện được tình yêu vô bờ bến mà chàng trai trẻ dành cho người mình thương.
Nam Khang từng hạnh phúc viết: "Thật là đáng sợ, anh sinh ra ở Thiểm Tây, lớn lên ở Cam Túc; em sinh ở Liêu Ninh, lớn lên ở Nội Mông, cách xa cả ngàn dặm, rồi Trung Quốc lại có đến 1,3 tỷ người.
Thế mà chúng ta lại có thể thi đỗ cùng một trường đại học, ở trong cùng một phòng kí túc xá. Thử tính xem, xác suất đó nhỏ đến mức nào. Chỉ cần sơ sẩy một chút thôi, em đã không thể gặp được anh rồi".
Họ cứ bình yên bên nhau như thế suốt từ năm 2002 - 2006. Sau khi tốt nghiệp đại học, Nam Khang và bạn trai chuyển đến sống chung tại một căn nhà trọ gần trường cũ.
Ngoài mặt, mọi người vẫn nghĩ họ chỉ là những người bạn thân đơn thuần như trước đây, mà không hề hay biết rằng bên trong tim họ, tình cảm dành cho đối phương cứ sâu sắc thêm từng chút, từng chút một đến khắc cốt ghi tâm.
Niềm hạnh phúc "trộm" về được cũng phải đến ngày hoàn trả
Cứ ngỡ hạnh phúc sẽ kéo dài mãi, khi Nam Khang gặp được người mà mình yêu bằng cả trái tim ở những năm tháng tươi đẹp nhất của đời người.
Từ 19 tuổi đến 26 tuổi, bảy năm thanh xuân chỉ dành hết những gì chân thành, trân quý nhất cho riêng một người con trai, để rồi nhận lại một lời thông báo rằng chúng ta không thể bên nhau được nữa, anh phải lấy vợ rồi.
Ngày 1/1/2006 có lẽ chính là ngày đau khổ nhất trong cuộc đời ngắn ngủi của Nam Khang, người ấy đã không thể vì tình yêu mà vượt qua những khó khăn, ngăn cấm của gia đình và xã hội.
Sau khi "ông xã" đã trở thành "ông xã" của người khác, Nam Khang viết cuốn tuỳ bút: Em đợi anh đến năm 35 tuổi; như một lời tựa hứa với lòng rằng sẽ cho mối tình này một kỳ hạn, nếu người ấy muốn quay về, anh sẽ vẫn luôn ở đây.
Cũng vào thời điểm đó, phong cách viết của Nam Khang bắt đầu trở nên ảm đạm hơn với những dòng chữ ngập tràn nỗi u uất. Người ta cho rằng sự bế tắc trong tình yêu suốt thời gian dài đã khiến anh mắc bệnh trầm cảm.
"Chỉ còn nửa tháng nữa là anh ấy kết hôn rồi. Anh cũng đã dọn ra ngoài 1 tuần.
Kể từ đó, chúng tôi không còn gặp lại nhau, anh cũng chẳng trả lời tin nhắn của tôi, không biết lúc nhìn thấy những dòng chữ trên điện thoại anh sẽ có suy nghĩ gì?
Chuyện đến nước này, tôi cũng không oán trách ai cả. Bởi tôi đã sớm nhận ra và luôn tự an ủi mình với ý nghĩ "được ngày nào hay ngày ấy". Tất cả những hạnh phúc và vui vẻ bấy lâu nay đều là tôi "trộm" về được, bây giờ cũng đã đến lúc phải hoàn trả rồi".
Hẳn anh đã viết những dòng chất chứa tâm sự này trong những đêm cô đơn ở căn phòng trọ.
Khi xung quanh chỉ là 4 bức tường hoà lẫn trong màn đêm tối đen như mực, mà người từng nắm tay cùng mình vượt qua gần cả thập kỷ hạnh phúc đã cất bước ra đi, không bao giờ còn quay trở lại.
"Một người nâng chén mừng tân hôn
Một người trầm mình nơi lạnh lẽo".
Có người nói, khi nỗi đau đạt đến tận cùng, người ta sẽ không còn thấy đau đớn nữa. Nhưng mấy ai vượt qua được quãng thời gian dày vò, nhớ quay quắt một người từng là của mình, nay đã ở bên cạnh người khác.
Những đêm ngồi cô độc viết nên những dòng văn bi thương, Nam Khang lại nghĩ về quãng thời gian anh và người ấy vẫn còn mặn nồng.
Họ sống với nhau như những đôi tình nhân thực thụ, nhưng lại chưa từng dũng cảm thốt lên một lời: "Anh yêu em" hay là "em yêu anh".
Kể từ khi người mình yêu thương rời đi, Nam Khang bắt đầu chống chọi với những cơn mất ngủ kéo dài từ ngày này qua ngày khác.
Có những khi vừa chợp mắt, lại nghe thấy đâu đây giọng nói thân quen rồi choàng tỉnh dậy, nhận ra bản thân chỉ có một mình rồi cứ nhìn trân trân vào khoảng không vô định cho đến tận trời sáng.
Nỗi nhớ gặm nhấm tâm hồn chàng trai trẻ như vết thương bị nhiễm trùng, gây ra những cơn đau dai dẳng mà không biết đến bao giờ mới chịu liền lại.
Ngày 9/3/2008, sau khi liên lạc lần cuối cùng với một người bạn, không ai còn gặp lại Nam Khang nữa.
Cho đến 15 ngày sau, vào ngày 27/3, người ta tìm thấy thi thể anh trên dòng sông Tương Giang thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Năm ấy, anh vừa tròn 28 tuổi.
Đã từng hứa sẽ đợi người ấy đến tuổi 35, nhưng chàng trai tài hoa bạc mệnh ấy quyết định gieo mình xuống sông tự vẫn, để những dòng nước cuốn trôi hết mọi ưu phiền, rửa sạch những nỗi đau mà kẻ khác đã gây ra cho anh.
Nam Khang mãi mãi là chàng trai ở tuổi 28, luôn mang một trái tim si tình dành hết tất cả những gì chân thành, tốt đẹp nhất cho người mình yêu. Vì không bao giờ đến được tuổi 35, nên Nam Khang sẽ vẫn luôn chờ người ấy.
Nam Khang tự vẫn không phải do cảm xúc nhất thời, anh đã từng đợi, đợi sau 2 năm trời kể từ khi người ấy bước vào lễ đường đặt nụ hôn trên môi cô dâu.
Khi những cặp đôi nắm tay nhau nói cười trên phố, là lúc Nam Khang phải gồng mình chiến đấu với căn bệnh trầm cảm và những khúc mắc rối bời không cách nào tháo gỡ.
Anh xóa số liên lạc của tất cả bạn bè trong điện thoại, chỉ giữ số của gia đình, rồi buông mình phiêu dạt trên dòng sông Tương Giang như để thực hiện chuyến đi cuối cùng của cuộc đời.
Người đã đi rồi, đừng đợi nữa
Đã 10 năm trôi qua kể từ khi chàng trai ấy tìm đến cái chết để kết thúc cuộc đời đầy đau khổ của mình. Mỗi năm vào ngày mất của anh, người hâm mộ vẫn luôn nhớ đến lời hẹn thề đợi người mình yêu đến 35 tuổi.
Nếu Nam Khang vẫn còn, liệu anh có tiếp tục chờ đợi một người đã lạnh lùng cất bước ra khỏi cuộc đời mình vội vã, chẳng còn chút luyến lưu?
Có người hâm mộ nói, họ mong một lần được đi dạo bên bờ sông Tương Giang, gió xuân tháng 3 nhè nhẹ thổi, nhớ về chuyện tình buồn ấy và mường tượng ra bóng dáng cô độc của chàng văn sĩ năm nào trước lúc quyên sinh.
Ai thương ai, chờ ai cũng chỉ còn là chuyện quá khứ, tất cả mọi người đều đã già đi, chỉ có tuổi thanh xuân của Nam Khang là còn mãi.
"Nguyện cho năm tháng tĩnh lặng, kiếp này bình yên", chỉ mong sao được bên người mình yêu nắm tay đến bạc đầu, cùng nói chuyện trăm năm.
Đáng tiếc rằng hi vọng nhỏ nhoi ấy vẫn còn dang dở như những lời cuối cùng mà Nam Khang viết:
"Có thể nhiều năm sau này, tôi sẽ yêu người khác hoặc vẫn còn chờ đợi. Nhưng chắc chắn sẽ không thể nào quên được mình đã từng vì cái gì mà kiên trì đến thế. Hoặc biết đâu lúc ấy, anh ấy đã trở về bên cạnh tôi rồi".
Nhưng, Nam Khang ơi, đừng đợi nữa, người ấy đã đi rồi...