Cách đây vài hôm, tôi bắt gặp một chủ đề như này trên mạng xã hội: "Đâu là nhân tố khiến sự nghiệp mãi chưa thể bứt phá lên được?"
Đây có lẽ là câu hỏi mà ngay cả những người đã đi làm 10 năm cũng đều trăn trở.
Tôi đã sắp xếp ra 4 lối "suy nghĩ từ thời sinh viên" khá phổ biến có thể kéo sự nghiệp của một người lại, đặc biệt là điểm 4, tôi tin rằng nhiều người cũng mắc phải lỗi tương tự, trong đó có cả tôi. Mong rằng bước sang năm mới, bạn có thể dần dần khắc phục được những điều này.
1. Tư duy đơn nhất
Khi còn đi học, rất nhiều thầy cô hay tiền bối đều nói với chúng ta rằng, chỉ cần học giỏi là được, và xếp hạng trong trường cũng dựa trên điểm số của bạn.
Nhưng nếu đem tư duy này vào công việc, cho rằng chỉ cần có năng lực, có chuyên môn là đã có thể được thăng chức tăng lương, vậy thì đó là một sai lầm lớn.
Năng lực tốt quả thực quan trọng, nhưng nó không phải nhân tố duy nhất cần thiết tại nơi làm việc.
Ngoài năng lực, bạn còn cần biết giao tiếp và hợp tác, không nên tự mình chăm chăm vào một việc mà phải biết hợp tác với đồng nghiệp và sử dụng sức mạnh của người khác.
Bạn cũng cần biết cách quản lý kỳ vọng của lãnh đạo, đừng cố gắng hết sức để thực hiện những bước tiến lớn ngay từ đầu, điều này sẽ chỉ khiến kỳ vọng của lãnh đạo với bạn ngày càng cao, nếu bạn làm không tốt, sự đánh giá về bạn bởi những người xung quanh sẽ giảm mạnh.
Tư duy kiểu đơn nhất này có thể được diễn tả trong một câu: "Chỉ cần... nhất định..."
Chỉ cần tôi có năng lực, nhất định sẽ được tăng lương; chỉ cần tôi nhiệt tình theo đuổi một cô gái, cô ấy nhất định sẽ thích tôi; chỉ cần tôi làm việc chăm chỉ, nhất định sẽ nhận được kết quả mỹ mãn…
Tư duy đơn nhất khiến con người ta rơi vào cái bẫy nhân quả đơn nhất, từ đó bỏ qua nhiều tiền đề hay cơ hội then chốt đang tiềm ẩn.
Ảnh minh hoạ
2. Quá nghe lời
Lập trường của sếp và nhân viên khác nhau, vì vậy, lãnh đạo sẽ thường nói với nhân viên những lời dối trá nghe có vẻ thoải mái.
Chẳng hạn: Công việc của mỗi người đều quan trọng như nhau, thiếu một người cũng không được.
Trên thực tế, mức độ quan trọng giữa các vị trí công việc là khác nhau, nếu không thì tất cả nhân viên đã nhận được mức lương như nhau rồi.
Ngoài ra, đừng chỉ chấp nhận một cách thụ động những gì sếp yêu cầu bạn làm.
Những người quá nghe lời thường chỉ có một kết quả cuối cùng - tất cả những công việc chán ngắt mà người khác không muốn đều sẽ bị ném cho bạn, và bạn cũng sẽ dần trở thành một người ngoài lề ở nơi làm việc.
Ảnh minh hoạ
3. Tự quy trách nhiệm về mình
Nhiều bài viết đều nói chúng ta nên tìm lý do từ chính mình trước.
Kết quả là, nhiều người đều nghĩ "tất cả là do mình".
Các yếu tố cá nhân tại nơi làm việc chỉ là một phần, luôn tồn tại rất nhiều yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.
Cũng giống như khi sa thải nhân viên, người bị sa thải có thể không hẳn là nhân viên làm việc kém hiệu quả mà cũng có thể do công ty không cần vị trí nào đó hoặc cấp trên không thích bạn…
Rất nhiều lãnh đạo đều thích thuyết giảng cho nhân viên, nói mắng bạn là vì lợi ích của bạn, giao việc cho bạn là họ coi trọng bạn, nếu bạn không nhận thì có nghĩa là bạn là người yếu đuối, không dám chấp nhận thử thách, kêu bạn tăng ca nhưng không tăng lương, còn bạn thì lại cứ luôn tưởng rằng đó thực sự là lỗi của mình…
Chúng ta phải nhớ rằng nơi làm việc là sự lựa chọn hai chiều
Không có gì là sai khi nhìn nhận lại bản thân, nhưng đừng coi yếu tố cá nhân là tất cả.
Khi bạn cảm thấy rằng một môi trường không thoải mái đến mức bạn không thể hòa nhập được cho dù có cố gắng thế nào, thì rất có thể môi trường đó hoàn toàn không phù hợp với bạn.
Chúng ta phải tập trung năng lượng của mình vào những nơi thuận lợi hơn cho sự phát triển của chính chúng ta.
Ảnh minh hoạ
4. Thích bù đắp tất cả khuyết điểm
Khi còn đi học, giáo viên thường nói rằng, đừng thiên vị bất cứ môn học nào, hãy bù đắp những thiếu sót của mình.
Nhiều người cũng mang quan niệm này vào công việc, cho rằng mình không tốt chỗ này chỗ kia, cả ngày chỉ nghĩa cách cố gắng bù đắp.
Trên thực tế, việc bạn có 70 điểm cho mỗi kỹ năng sẽ không thể bằng việc bạn có một hoặc hai trong số đó đạt 90 điểm.
Đôi khi con người ta rất hồ đồ, càng dở cái gì càng cố gắng để đuổi kịp người khác để rồi lại coi thường, bỏ bê những gì mình thực sự giỏi.
Đâu đâu cũng muốn bù đắp thiếu sót, sau cùng lại đắp bản thân thành một người không có chút điểm mạnh hay nổi bật nào.
Thay vì làm như vậy, hãy nắm bắt điều có lợi nhất cho bạn trong số các điều kiện hiện có và cố gắng tối đa hóa nó, đó mới là chiến lược ổn định và tiến bộ nhất.
Nói một cách thực tế hơn, bất kể bạn ở ngành nào, chỉ cần bạn đạt được vị trí tương đối cao, tài nguyên sẽ có thể hoán đổi cho nhau, nó giống như việc một thần tượng nổi tiếng sẽ có thể đóng vai chính trong một bộ phim lớn, hay một doanh nhân giỏi có thể hát cùng một sân khấu với các siêu sao.
Nỗ lực hết mình với những gì bạn giỏi nhất luôn tốt hơn nhiều so với việc chỉ chăm chăm bù đắp cho những thiếu sót của bản thân.
Nói về công việc, sự nghiệp, có lẽ những gì chúng ta có thể làm khi rơi vào khó khăn là hãy tư duy nhiều hơn một chút, từ từ khắc phục nó rồi từng bước từng bước leo lên nấc thang thành công.
Dù có chậm hơn, nhưng ít nhất, bạn vẫn luôn trên con đường tiến về phía trước.