Nam Định: Nuôi con chậm chạp, bò quanh ao, tới mùa đẻ rõ lắm, anh nông dân thành tỷ phú

Thành Nam |

Nhờ máu liều đầu tư nuôi ốc nhồi, đến nay sau nhiều năm gắn bó với loài ốc chậm chạp, bò quanh ao, tới mùa thì đẻ rõ lắm mà chỉ ăn lá cây, rau, bèo mà anh Phạm Văn Diện ở xóm 22 xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, Nam Định đã có thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

Từ lâu cái tên Phạm Văn Diện đã không còn xa lạ đối với người dân xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Anh là một trong những tấm gương điển hình trong làm kinh tế giỏi ở địa phương. Mà cách anh vươn lên từ hộ nghèo thành tỷ phú cũng đơn giản bất ngờ.

Nam Định: Nuôi con chậm chạp, bò quanh ao, tới mùa đẻ rõ lắm, anh nông dân thành tỷ phú - Ảnh 1.

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi nghề từ làm mộc sang nuôi ốc nhồi, đến nay anh Phạm Văn Diện ở xóm 22, xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, Nam Định đã có "của ăn của để".

Từ một chàng thanh niên nghèo, nhưng với cái duyên "gắn bó" với ốc nhồi đã giúp anh đổi đời. Cái đói, cái nghèo đã không còn bám riết lấy anh.

Sau nhiều lần lỡ hẹn, phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN có mặt tại khu trang trại nuôi ốc nhồi siêu đẻ nhà anh Diện ở xóm 22 xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, Nam Định.

Dẫn chúng tôi đi dạo một vòng quanh trang trại với hệ thống ao hồ rộng lớn, anh Diện chỉ tay về phía ao rộng lớn nhất đầy ắp bèo phấn khởi khoe: "Dưới lớp bèo là loài ốc nhồi siêu đẻ, hàng năm "đẻ" ra số lượng lớn tài sản cho gia đình tôi. Nhờ ốc nhồi mà tôi nở mày nở mặt, chứ cứ quanh năm lúa, cá thì chả khá lên được...".

Trước khi đến với nghề nuôi ốc nhồi, anh Diện đã có gần 20 năm gắn bó với nghề mộc dân dụng. Cái nghề đục đục đẽo đẻo tiếng là có việc làm quanh năm ngày nắng cũng như ngày mưa, nhưng tính qua tính lại chả dư được mấy đồng tiền.

Dù chăm chỉ "cày cuốc", thế nhưng cuộc sống của anh vẫn khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Ý nghĩ làm gì để thoát nghèo đeo đẳng anh trong từng miếng ăn giấc ngủ.

Nam Định: Nuôi con chậm chạp, bò quanh ao, tới mùa đẻ rõ lắm, anh nông dân thành tỷ phú - Ảnh 2.

Áp dụng đúng kỹ thuật nuôi ốc nhồi, nên tỷ lệ trứng ốc nhồi nở rất cao. Hiện hàng năm anh Phạm Văn Diện ở xóm 22 xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, Nam Định cung cấp ra thị trường 15- 20 vạn ốc nhồi giống.

Thế rồi, trong một lần tình cờ đọc báo, anh biết đến mô hình nuôi ốc nhồi đã làm "thay da đổi thịt" nhiều vùng quê, nhiều gia đình thoát nạn đói nghèo cũng chính nhờ nuôi ốc nhồi. Từ đó anh bộc phát ý tưởng chăn nuôi ốc nhồi.

Nghĩ là làm, anh lên mạng internet tìm hiểu mô hình nuôi ốc nhồi.

Ngoài việc đọc báo nghe đài, anh giành nhiều thời gian tìm đến các mô hình chăn nuôi ốc nhồi thành công để học hỏi kinh nghiệm.

Sau khi đã tích luỹ được phần lớn kiến thức, năm 2017, anh Diện đầu tư 15 triệu đồng mua 3 vạn ốc nhồi giống thả nuôi trong ao. Thời gian đầu ốc nhồi liên tục bị chết, kết quả vụ đầu tỉ lệ sống của đàn ốc chỉ đạt 50%.

Ốc nhồi chết, anh trằn trọc cả đêm, không ngủ được, anh lại mày mò tìm hiểu kỹ thuật nuôi ốc nhồi, kinh nghiệm nuôi ốc nhồi trên mạng.

Rồi anh liên hệ với nhiều tiền bối đi trước trong nghề nuôi ốc nhồi để tìm nguyên nhân. Bù lại sau nhiều đêm mất ngủ anh Diện đã ngộ ra nguyên nhân khiến đàn ốc nhồi bị chết. Đó là việc không xử lý tốt môi trường sống.

Nam Định: Nuôi con chậm chạp, bò quanh ao, tới mùa đẻ rõ lắm, anh nông dân thành tỷ phú - Ảnh 3.

Hàng ngày, anh Phạm Văn Diện ở xóm 22 xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, Nam Định giành nhiều thời gian để chăm sóc cho đàn ốc nhồi. Anh quan niệm nuôi ốc như nuôi con mọn.

Bước sang vụ mới, anh lập tức cho tát ao, làm sạch bèo, cỏ, dùng chế phẩm sinh học xử lý đáy ao. Tiếp đó là nguồn nước lấy vào ao nuôi ốc nhồi cũng được anh kỹ càng dẫn từ những con sông lớn về. Hiệu quả đợt nuôi ốc nhồi thứ 2 được cải thiện rõ rệt.

Đàn ốc nhồi anh thả cho tỷ lệ sống trên 80%, mang lại thu nhập hàng chục triệu cho gia đình anh.

Nam Định: Nuôi con chậm chạp, bò quanh ao, tới mùa đẻ rõ lắm, anh nông dân thành tỷ phú - Ảnh 4.

Ốc nhồi giống sau khi được đưa ra ao lớn, nuôi khoảng 3 tháng thì anh Phạm Văn Diện ở xóm 22 xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, Nam Định bắt đầu xuất bán.

Khi đã làm chủ được kỹ thuật nuôi ốc nhồi, anh Diện mạnh dạn mở rộng mô hình chăn nuôi. Anh đã thuê gom đất ruộng trũng của bà con, mở rộng quy mô nuôi lên 6 sào với 3 ao nuôi ốc nhồi.

Tất cả quy trình nuôi ốc nhồi được anh khép kín từ khâu nhân giống đến nuôi ốc nhồi thương phẩm. Hiện anh đang sở hữu 15.000 cặp ốc nhồi bố mẹ dùng để sinh sản và 150.000 ốc thương phẩm.

Nói về kinh nghiệm chăn nuôi ốc nhồi, anh Diện bật mí: Ốc nhồi sinh sản và đẻ trứng rộ từ tháng 4- tháng 9 hàng năm. Khi ốc đẻ trứng người nuôi cần làm bệ cao hơn mặt nước, có mái che nắng, che mưa để bảo vệ trứng ốc. Đặc biệt, chuột rất hay rình bắt ốc nhồi nên công tác diệt chuột phải đặc biệt chú ý.

Theo tính toán, mỗi tháng ốc mẹ đẻ 1 buồng trứng, từ 120- 150 quả. Trứng ốc nhồi được thu gom cho vào thùng ấp ở nhiệt độ thích hợp (từ 25- 30 độ C).

Sau khoảng 15- 17 ngày khi chứng chuyển từ màu trắng sang màu đen, người nuôi sẽ đưa trứng ra tráng lưới để ốc nở và dần thích nghi với môi trường tự nhiên.

Ốc nhồi con tiếp tục được nuôi thêm khoảng 15 ngày, khi lớn bằng đầu đũa thì có thể xuất bán giống hoặc chuyển ra ao to nuôi thương phẩm.

Nam Định: Nuôi con chậm chạp, bò quanh ao, tới mùa đẻ rõ lắm, anh nông dân thành tỷ phú - Ảnh 5.

Theo anh Diện, ốc thi thoảng mắc bệnh sưng vòi, người nuôi phải đặc biệt chú ý quan sát để tránh dịch bệnh lây lan. Hiện mô hình nuôi ốc của anh Phạm Văn Diện ở xóm 22 xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, Nam Định cho thu nhập từ 300- 400 triệu đồng/năm.

Theo anh Diện, thức ăn của ốc nhồi rất dễ kiếm, ốc nhồi thường ăn các loại lá rau như rau sắn, rau mùng tơi, lá đủ đủ, bèo tấm...

Người nuôi ốc nhồi cần cung cấp lượng thức ăn vừa đủ, không quá nhiều tránh làm ô nhiễm môi trường nước khiến ốc dễ bị chết.

Nam Định: Nuôi con chậm chạp, bò quanh ao, tới mùa đẻ rõ lắm, anh nông dân thành tỷ phú - Ảnh 6.

Ốc thương phẩm loại 30- 35 con/kg được anh Phạm Văn Diện ở xóm 22 xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, Nam Định bán với giá 100 ngàn/kg.

Ốc nhồi ít bệnh tật, có sức đề kháng tốt. Nhưng, người nuôi ốc nhồi phải tinh ý bởi ốc thi thoảng mắc bệnh sưng vòi. Do vậy, người nuôi cần chú ý quan sát, nếu thấy ốc có dấu hiệu bỏ ăn, vòi bị sưng to cần phải cách ly ngay để tránh dịch bệnh lây lan.

"Ốc nhồi chịu nóng kém nên cần phải chú ý chống nóng vào mùa hè bằng cách thả thêm bèo vào ao. Còn về mùa đông, ốc nhồi thường hay rúc xuống bùn để trú đông. Lúc này cần rút bớt nước trong ao, thả cỏ xuống ao để giữ ấm cho ốc", anh Diện chia sẻ kinh nghiệm nuôi ốc nhồi qua mùa đông lạnh miền Bắc với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.

Theo nhẩm tính của anh Diện, tính thời gian từ khi thả ốc nhồi giống ra ao to khoảng 3 hơn tháng là người nuôi có thể thu hoạch ốc nhồi thương phẩm.

Trung bình, mỗi tháng anh Diện cung cấp 150.000- 200.000 ốc nhồi giống và 25.000 ốc nhồi thương phẩm ra thị trường.

Hiện giá bán ốc nhồi thương phẩm loại 30- 35 con/kg khoảng 100 ngàn đồng/kg, theo tính toán mỗi năm anh có thể đút túi từ 300- 400 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại