Anh Trần (bút danh) là một đầu bếp tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Anh có một nhà hàng nhỏ trong ngõ nhưng ấm cúng và khá đông khách. Chăm chỉ làm việc suốt 5 năm, anh tích cóp được một khoản để sửa sang lại nhà cửa và kết hôn khi vừa bước sang tuổi 24.
Vợ của anh cũng làm việc trong ngành ẩm thực. Cặp vợ chồng son mới trải qua chưa đầy 3 tháng hôn nhân ngọt ngào thì tin dữ đã ập tới. Vào một buổi tối đang tất bật trong bếp thì anh Trần bỗng lên cơn đau bụng dữ dội. Người nhà vội vã gọi xe taxi đưa anh tới bệnh viện tư gần đó. Thật không ngờ, bác sĩ tại đây cho biết anh mắc ung thư dạ dày và khuyên anh nên tới Bệnh viện ung thư Đại học Bắc Kinh để được điều trị tốt nhất.
Anh Trần nghe xong thì vô cùng kích động. Anh hét lên rằng mình không tin vào kết quả chẩn đoán của một bệnh viện tư nhỏ. Anh còn cho rằng vì bác sĩ quá mệt mỏi sau một ngày dài làm việc nên mới chẩn đoán nhầm. Anh cùng lắm chỉ là bị rối loạn tiêu hóa hoặc xuất huyết dạ dày do ăn uống thất thường, không thể nào bị ung thư được.
Vài ngày sau, khi tâm trạng đã bình ổn lại, anh Trần cũng đã chấp nhận rằng mình thật sự mắc bệnh ung thư. Những triệu chứng đau vùng bụng, nhất là sau khi ăn xong của anh khiến cả gia đình lo lắng. Cuối cùng, dưới sự động viên của vợ, anh cũng chịu đóng cửa nhà hàng và tới Bệnh viện ung thư Đại học Bắc Kinh.
Các kiểm tra chuyên sâu chỉ ra bệnh ung thư dạ dày của anh Trần thậm chí đã chớm giai đoạn cuối. Anh bật khóc nức nở ngay tại bệnh viện. Anh nói với bác sĩ rằng mình mới 24 tuổi, kết hôn chưa bao lâu và cũng chưa có con cái, lại còn mẹ già phải chăm sóc, càng tội nghiệp cho người vợ trẻ. Hai vợ chồng cứ thế ôm lấy nhau khóc khiến các y bác sĩ cũng không cầm được nước mắt.
3 thói quen gây ung thư dạ dày tưởng lạ mà rất quen
Để điều trị ung thư, bác sĩ buộc phải cắt bỏ 2/3 dạ dày của anh Trần. Mặc dù ca phẫu thuật thành công hơn mong đợi, nhưng không có nghĩa là tính mạng của anh đã được đảm bảo. Quá trình chống chọi với bệnh ung thư dạ dày của anh vẫn phải kéo dài và kết hợp thêm xạ trị hóa trị để xử lý triệt để. Nguy cơ tái phát ở phần dạ dày còn lại cũng là một mối lo lớn không thể bỏ qua.
Nằm trên giường bệnh, anh Trần càng nghĩ càng thấy nuối tiếc cho cuộc đời mình. Anh chưa từng hút thuốc, rất hiếm khi động vào rượu bia, gia đình cũng không có tiền sử ung thư, nhưng chính thói quen xấu đã khiến anh mắc bệnh.
Anh cho biết, có 3 nguyên nhân chính dẫn tới căn bệnh ung thư dạ dày của mình. Điều khiến anh chua xót là nó chẳng hề xa lạ, là những việc tưởng chừng nhỏ nhặt rất nhiều người giống như anh vẫn vô tư làm hàng ngày nhưng không biết tác hại.
Ảnh minh họa
Đầu tiên là do khói dầu trong quá trình nấu ăn. Bác sĩ Thôi Minh của Trung tâm Ung thư Đường tiêu hóa, Bệnh viện Ung thư Đại học Bắc Kinh cho biết, không nhiều người biết rằng khói dầu và khói bếp nấu ăn có thể gây ung thư.
Ông giải thích, trong nó có nhiều chất độc hại, đặc biệt là chất gây ung thư Benzopyrene. Theo WHO, khói dầu được xếp vào nhóm chất gây ung thư 2A, là nhóm các hợp chất "có thể gây ung thư trên người" cùng với thịt đỏ. Còn Benzopyrene được xếp vào nhóm chất gây ung thư hàng đầu được WHO cảnh báo nhiều lần.
Sau khi khói đi vào cơ thể từ đường hô hấp, các chất độc hại trong đó có thể được giải phóng hoặc lan truyền vào dạ dày qua màng nhầy và lớp dưới niêm mạc. Về mặt lý thuyết, chỉ cần khoảng 2,8g benzopyrene đi vào cơ thể con người, nó có thể cản trở DNA, dẫn đến phá hủy niêm mạc dạ dày và trở thành nguyên nhân chính gây ung thư dạ dày.
Trong khi đó, anh Trần đã vào nghề được hơn 5 năm. Quán của anh lại chủ yếu phục vụ các món nướng, thậm chí nướng trực tiếp với than hoa hoặc các món chiên rán, xào nấu nhiều dầu mỡ.
Thứ hai là do anh thường ăn tối không đúng giờ, ăn tối quá muộn trong thời gian dài. Bởi vì là một đầu bếp, nhà hàng lại thường đông khách nhất vào buổi tối nên gần như ngày nào anh Trần cũng ăn tối vào khoảng 22 - 23 giờ. Ăn xong là vội vã đi ngủ để kịp dậy thật sớm đi chợ, chuẩn bị đồ ăn và mở cửa vào sáng hôm sau.
Bác sĩ Hình Gia Địa thuộc Trung tâm Ung thư Đường tiêu hóa, Bệnh viện Ung thư Đại học Bắc Kinh giải thích, đây là một thói quen gây hại rất lớn cho dạ dày. Chỉ riêng việc ăn tối quá muộn, ăn khuya đã đủ làm dạ dày mắc bệnh, nhưng anh Trần còn thường đi ngủ ngay sau khi ăn.
Ông cho biết, khi ăn quá khuya, dạ dày chưa kịp tiêu hóa mà đi ngủ thì sẽ khiến dạ dày làm việc quá sức. Hơn nữa, thức ăn lưu lại trong dạ dày quá lâu sẽ gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Một cuộc khảo sát về thói quen ăn uống của bệnh nhân ung thư dạ dày từ 30 đến 40 tuổi của Đại học Tokyo (Nhật Bản) cho thấy 83,4% trong số họ có thói quen ăn tối thất thường.
Ông nhắc nhở, không chỉ bữa tối mà mọi bữa ăn trong ngày đều nên thực hiện vào cùng thời điểm cố định hằng ngày. Đặc biệt, thời gian từ bữa tối đến khi đi ngủ ít nhất là 4 tiếng và không nên ăn bất cứ thứ gì sau 22 giờ.
Nguyên nhân cuối cùng là do thói quen uống trà sai cách. Giống như rất nhiều người Châu Á, đặc biệt là người Trung Quốc khác, anh Trần có thói quen uống trà mỗi ngày. Khi quán ăn vắng khách, anh thường uống trà để giải khuây, buổi sáng ngủ dậy uống một cốc trà để cho tỉnh ngủ, buổi tối lại pha sẵn một ấm trà để giữ tỉnh táo khi làm việc liên tục nhiều giờ.
Ảnh minh họa
Bác sĩ Thôi Minh cho biết, chỉ riêng việc uống trà quá nhiều, quá thường xuyên cũng đủ gây hại cho dạ dày. Nhưng điểm đặc biệt ở đây là anh Trần thích uống trà pha thật đặc, anh lại hay uống trà khi bụng đói, gây kích ứng và lâu dần làm tổn thương, viêm loét dạ dày. Cứ như vậy, bệnh ung thư dạ dày rất nhanh tìm tới.
Đúng là trà tốt cho sức khỏe nhưng đó là khi uống đúng cách. Bác sĩ Thôi Minh cho biết thêm, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống nhiều hơn 4g trà mỗi ngày làm tăng 46% nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày. Ngoài ra, khi uống trà, hãy pha loãng hoặc vừa phải, đừng pha quá đặc. Nên tráng qua trà và bỏ nước đầu, sau đó uống ở nhiệt độ dưới 60 độ C để ngăn ngừa ung thư thực quản, ung thư dạ dày.
Khi chia sẻ câu chuyện của mình, anh Trần hy vọng mọi người nhận ra tầm nghiêm trọng của 3 thói quen xấu trên. Anh cũng hy vọng câu chuyện của bản thân sẽ góp phần cảnh tỉnh tất cả mọi người, nhất là người trẻ tuổi quan tâm hơn đến sức khỏe, xây dựng lối sống lành mạnh hơn.