Đại tá, nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn sinh năm 1973 tại Nghệ An. Sau này, anh cùng gia đình ra Hà Nội và được học tập bài bản về âm nhạc.
Nam nghệ sĩ học tại trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội từ năm 13 tuổi. Anh theo học từ sơ cấp đến trung cấp, đại học, cao học... với nhiều chuyên ngành khác nhau như ngành biểu diễn nhạc cụ violon và organ, chuyên ngành sáng tác và đạo diễn...
Trong quá trình học tập tại trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Đại tá Hồ Trọng Tuấn bộc lộ được tài năng của mình nên được giữ ở trường làm trợ giảng rồi lên giảng viên, trợ lý biểu diễn, trưởng ban biểu diễn, phó giám đốc, giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Thực hành (trực thuộc trường), phó hiệu trưởng.
Đến cuối năm 2023, anh được Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ chức Hội nghị bàn giao chức vụ hiệu trưởng. Và mới đây là chính thức được bổ nhiệm vị trí hiệu trưởng Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
Ngoài lĩnh vực quản lý, Đại tá Hồ Trọng Tuấn nổi tiếng ở lĩnh vực sáng tác. Các tác phẩm được yêu thích của nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn gồm: Khúc tình ca trên sóng, Bản hùng ca giữa biển khơi, Tổ quốc bốn mùa hoa, Vinh quang Việt Nam, Khát vọng hùng cường, Thênh thang đường mới...
Bên cạnh đó, anh còn tham gia sáng tác, giàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật lớn như: Festival Chè (Thái Nguyên), Festival Hạ Long, Về miền Quan họ, và các chương trình nghệ thuật lớn như 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại hội thể dục thể thao Đông Nam Á…
Nam nghệ sĩ từng giảnh nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam vào các năm 2016, 2017, 2018, 2019. Anh cũng nhận giải thưởng của Bộ Quốc phòng vào các năm 2014, 2019.
Sự nghiệp của nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn luôn có hình ảnh của người thầy mà anh kính trọng đó là cố nhạc sĩ An Thuyên. Theo nam nhạc sĩ từng kể, anh được nhạc sĩ An Thuyên giao làm trợ lý cho các hoạt động trọng điểm âm nhạc mà nhà trường phụ trách. Từ đó mà nam nghệ sĩ học hỏi được nhiều kinh nghiệm, có thêm động lực, cảm hứng để sáng tác.
Nhiều người còn cho rằng, Đại tá Hồ Trọng Tuấn ảnh hưởng nhiều từ nhạc sĩ An Thuyên trong sáng tác. Về vấn đề này, nam nhạc sĩ từng nói trên tờ Hà Nội mới rằng: "Nếu được ví với thầy An Thuyên thì đó là vinh dự của tôi. Tôi được gắn bó với thầy trong một khoảng thời gian dài. Với những bản chép tay bài hát của thầy, tôi là người được thầy giao phó công việc đưa lên máy tính.
Đó chính là cơ hội để tôi được học hỏi từ thầy. Tuy vậy, âm nhạc của tôi và thầy không có nhiều điểm tương đồng. Có chăng là tôi học được thủ pháp sáng tác, cách dùng ca từ đậm hồn quê".
Đại tá Hồ Trọng Tuấn cho rằng, anh ảnh hưởng từ thầy Đức Trịnh nhiều hơn nhất là mảng nhạc múa. Sự nghiệp rực rỡ nhưng Đại tá Hồ Trọng Tuấn có cuộc sống riêng kín tiếng.